Ngay từ khi lấy chồng, tôi đã không thích chuyện sống chung. Nhưng vì điều kiện kinh tế chưa có, chồng lại là con một nên khó ra riêng. Tôi luôn tự nhủ ở chung vài năm, sau có kinh tế, vợ chồng, con cái ra ngoài, đi làm cho gần.
Hiện tại, nhà chồng cách công ty tôi khoảng 10km nên cố gắng đi sớm cũng tiện. Có vất vả một chút, tôi vẫn phải cố gắng.
Biết nhà xa, sáng đi sớm, tối về muộn, không thể cáng đáng được nhiều việc trong nhà chồng nên tôi luôn sống biết điều. Ngay từ đầu, tôi đã mở lời nhờ bố mẹ chồng chăm sóc, đưa đón con giúp mình. Việc cơm nước trong nhà, tôi cũng nhờ mẹ nấu. Vì tôi về nhà đã là 7h tối, lao vào bếp nấu cơm, cả nhà lại ăn muộn quá.
Để bớt việc cho mẹ chồng, sáng sớm, tôi thường đi chợ. Có hôm tôi mua sẵn thức ăn từ hôm trước cất vào tủ, dặn dò mẹ chồng hôm sau nấu, để mẹ khỏi vất vả. Hôm nào nhỡ, tôi sẽ gọi điện trước để mua thức ăn sẵn về, dù việc đó không nhiều.
Tôi đã làm một việc khiến mẹ chồng ái ngại. (Ảnh minh họa: Sohu).
Tiền sinh hoạt trong gia đình, vợ chồng tôi lo. Tôi chưa bao giờ để bố mẹ phải bỏ ra một đồng nào, bởi bản thân luôn ghi nhận việc bố mẹ chăm con, nấu nướng cho mình.
Ở nhà, lúc nào mẹ chồng cũng tươi cười, vui vẻ nhưng tôi đâu có ngờ đằng sau, mẹ lại nghĩ tôi là cô con dâu xấu tính như vậy. Hôm rồi, công ty mất điện, tôi được về sớm.
Vừa bước vào cửa, tôi đã nghe được tiếng mẹ nói vọng ra: "Gớm con dâu nhà này sướng nhất cái xóm này. Sáng váy vóc đi làm, chiều về muộn chỉ việc thay đồ rồi lao vào mâm cơm ăn, có phải làm gì đâu. Con cái cũng không phải chăm, không phải đón. Ai bằng chúng nó".
Nghe đến đây, tôi có chút nóng mặt nhưng lại nghĩ, chắc mẹ chồng nói vậy chỉ để khoe với hàng xóm rằng, bà đối xử tốt với tôi. Nhưng không, mẹ nói tiếp: "Nhà nó nghèo, có gì đâu, lấy chồng về đây nhà cao cửa rộng, tha hồ ở.
Sống với nhà chồng bao năm nhưng không biết điều, chẳng bao giờ mua món quà gì tặng mẹ, cũng không biết biếu xén tiền bạc bao giờ. Nó được một góc của con dâu các bà, tôi đã mừng. Tôi còn hầu vợ chồng nó từ A đến Z mà có dám kêu than đâu".
Tôi nhớ trước giờ, mình từng mua cho mẹ mấy món đồ nhưng mẹ chê này chê nọ nên không dùng. Sau đó, tôi ngại không mua và ngỏ lời đưa mẹ ra hàng nhưng mẹ từ chối.
Việc biếu tiền, tôi nghĩ không cần thiết bởi mọi việc trong nhà này, vợ chồng tôi đều chi tiêu. Bố mẹ có lương hưu lại không phải trả bất cứ đồng tiền điện nước nào, chúng tôi sao phải biếu? Khi ông bà ốm đau, chúng tôi chắc chắn sẽ có trách nhiệm.
Tôi uất lắm nhưng nghĩ mình nên làm việc gì đó để mẹ chồng hiểu, hàng xóm hiểu và tôi không phải mang tiếng ra ngoài nữa. Mấy hôm đó, tôi coi không có chuyện gì xảy ra, vẫn bình thường, vui vẻ. Vào hôm sinh nhật mẹ chồng, tôi mua sắm rất nhiều đồ ăn ngon, chuẩn bị quà giá trị và mời tất cả cô bác hàng xóm sang nhà ăn uống.
Bữa cơm ấy đều là món ăn xịn, các bác có lẽ cũng chưa từng được ăn. Họ hết lời khen ngợi tôi chu đáo. Sau màn thổi nến, tôi tặng mẹ chồng một chiếc váy đẹp và một bộ mỹ phẩm xịn trị giá vài triệu đồng. Hàng xóm hết lời khen con dâu tâm lý với mẹ chồng khiến mẹ tôi có chút ái ngại.
Trước khi các bác hàng xóm về, tôi còn đon đả gói quà sinh nhật để các bác mang về cho các cháu. Không những thế, trong bữa ăn, tôi liên tục khen ngợi mẹ chồng mình là người chu đáo, chăm lo hết mọi việc trong nhà. Tôi luôn cảm thấy may mắn vì được làm dâu của mẹ, được ông bà hỗ trợ trông, đưa đón con cái.
Hành động của tôi khiến các bác hàng xóm hiểu rằng, những lời mẹ chồng tôi nói không đúng sự thật. Tôi cũng không phải người ki bo, tính toán gì, lại còn rất thân thiện với xóm giềng.
Sau hôm đó, tôi thấy mẹ chồng vui hẳn và cũng có chút ái ngại với tôi. Bà không còn khen cô con dâu nhà người ta giỏi tốt nữa. Có lẽ, cách làm của tôi khiến mẹ hiểu ra phần nào hoặc mẹ cũng chạnh lòng, sợ tôi nghe được mọi chuyện.
Tôi không có ý trả thù hay lên mặt, tôi chỉ muốn nói với mẹ rằng, tôi chẳng tiếc thứ gì với bố mẹ chồng. Nếu ông bà sống chân tình, thật lòng, tôi cũng sẽ hết lòng hết dạ.
Theo Chi Phạm/Dân Trí