Tình hình sức khỏe bác sĩ đầu tiên nhiễm Covid-19 tại Việt Nam hiện ra sao?

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh nhân thứ 116 là bác sĩ đầu tiên nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, đã trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona từ ngày 31/1. Ngày 19/3, anh xuất hiện triệu chứng đau rát họng.

Sáng nay (23/3), Bộ Y tế vừa thông báo có thêm 3 ca mắc Covid-19 ở Việt Nam, nâng tổng số ca mắc ở nước ta lên 116 ca. Trong đó, đáng chú ý là bệnh nhân thứ 116, một bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) - nơi đang điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19.
Đây là bác sĩ đầu tiên nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, là nhân viên y tế thứ 3 phát hiện mắc Covid-19 ở nước ta, sau 2 ca là nữ điều dưỡng ở Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, nam bệnh nhân 116 là bác sĩ trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 bị lây bệnh.
Tinh hinh suc khoe bac si dau tien nhiem Covid-19 tai Viet Nam hien ra sao?
Hình ảnh một điều dưỡng viên công tác tại khoa Nhiễm, BV Đa khoa Bình Thuận, nơi đang điều trị cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh: PLO. 
Bộ Y tế cho biết nam bác sĩ tham gia chống dịch Covid-19 từ ngày 31/1, những ngày đầu tiên của cuộc chiến. Công việc của anh là khám sàng lọc cho người nghi mắc Covid-19, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và tham gia cấp cứu một số bệnh nhân nặng.
Trong quá trình làm việc, bác sĩ được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân. Sau giờ làm việc, anh nghỉ và sinh hoạt ở khu vực cách ly dành cho nhân viên y tế trong bệnh viện.
Ngày 19/3, anh xuất hiện triệu chứng đau rát họng. Sau đó một ngày, anh có dấu hiệu ho, đau mỏi cơ, sốt. Ngày 21/3, bác sĩ tự cách ly tại khu vực đệm của khoa Cấp cứu, được xét nghiệm cho kết quả xét nghiệm tại bệnh viện dương tính với SARS-CoV-2 và gửi mẫu bệnh phẩm sang viện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Các nhân viên y tế cùng làm với anh đã được đưa vào diện giám sát. Xét nghiệm lần đầu ngày 21/3, tất cả nhân viên này âm tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện tại, bác sĩ được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khỏe ổn định.
Thực tế nghiệt ngã cho thấy, nhân viên y tế luôn là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất trong thời điểm dịch bệnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, cho rằng, trong diễn biến dịch bệnh Covid-19 hiện tại ở nước ta, nhân viên y tế là đối tượng có nguy cơ lớn lây bệnh.
“Phải tích cực đề phòng để nhân viên y tế hạn chế bị lây bệnh. Trung Quốc có tới hàng nghìn nhân viên y tế mắc Covid-19, chúng ta cũng không thể tránh mà chỉ hạn chế đến mức thấp nhất”, PGS Trần Khắc Phu khẳng định.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế cũng chia sẻ: "Dù được trang bị đầy đủ kiến thức, các thiết bị phòng hộ cá nhân nhưng bệnh tật chẳng chừa ai, khó mà tránh khỏi. Tôi tin rằng mỗi bác sĩ cần có một trái tim nóng, một cái đầu lạnh, chúng ta sẽ vượt qua thử thách này, mang lại sức khỏe và niềm hạnh phúc cho bao người".
Tại Việt Nam, ngoài những biện pháp phòng chống đã áp dụng, trong đó có việc trang bị bảo hộ, chỉ những thầy thuốc có kinh nghiệm nhất mới được chọn tham gia làm việc ở khu vực dễ lây nhiễm.

Video "Việt Nam có ca mắc Covid-19 thứ 46 và 47". Nguồn: VTC Now.

Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương... đều đã thực hiện quy tắc này, nhưng Bộ Y tế đã yêu cầu nâng 1 cấp độ đối với phòng lây nhiễm trong bệnh viện.
Cụ thể, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện, sở y tế hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo tập trung, cân nhắc thay đổi hình thức giao ban, hạn chế số lượng người tham dự giao ban bệnh viện, giao ban khoa phòng để chuyển sang làm việc trực tuyến, đồng thời yêu cầu khoảng cách giữa các giường bệnh đảm bảo 2m trở lên và tăng cường đặt hẹn khám bệnh để giảm số người chờ khám.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đã có hướng dẫn gửi các bệnh viện, yêu cầu khi khám và điều trị cho bệnh nhân cần điều trị dài ngày thì căn cứ vào tình hình thực tế, trong thời điểm chống dịch kê đơn thuốc không quá 3 tháng cho bệnh nhân, cơ sở khám chữa bệnh cũng phải cung cấp số điện thoại để người bệnh có thể liên hệ ngay khi cần, bệnh viện cũng phải dự trữ đủ thuốc men, đặc biệt lưu ý các thuốc tim mạch, tiểu đường, huyết áp, trang bị đủ trang phục chống dịch, đồ bảo hộ cá nhân cho thầy thuốc.
Bộ Y tế hướng dẫn việc cách ly y tế tại nhà
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly y tế, bao gồm: cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với những người đã tiếp xúc với người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 (đối tượng F2), những người tiếp xúc gián tiếp (đối tượng F3, F4). Thời gian cách ly được quy định là 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Người được cách ly cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân sau đây:
- Thường xuyên đeo khẩu trang; thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng có nắp đậy và mang đi xử lý hàng ngày.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn.
- Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt... Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
- Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ. Việc người dân nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt các quy định cách ly, vệ sinh phòng dịch là góp phần chiến thắng giặc dịch Covid-19.

Thảo Nguyên