Tiến hành các thủ tục để mua vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi

Google News

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, tiến hành ngay thủ tục cần thiết mua vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi.

Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về công tác tiêm chủng vắc xin và phòng chống dịch Covid-19.

Để tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có nhiệm vụ bảo đảm về số lượng vắc xin và tiến độ tiêm, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Y tế chỉ đạo rà soát, cập nhật thường xuyên để kịp thời có giải pháp phù hợp bảo đảm số lượng vắc xin đủ tiêm cho các lứa tuổi theo tiến độ được giao; trực tiếp chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, Bộ Y tế tiến hành ngay các thủ tục cần thiết theo quy định để mua vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi.

Học sinh ở quận 1, TP.HCM được tiêm vắc xin. Ảnh: Thanh Tùng

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Y tế chỉ đạo họp với chuyên gia, phối hợp lực lượng y tế, quân đội để thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; có kế hoạch truyền thông thật tốt về việc vắc xin Pfizer được gia hạn.

Đồng thời, báo cáo cụ thể vắc xin tiêm và nhận trong tháng 1/2022, kế hoạch bảo đảm đủ vắc xin để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên để hoàn thành mũi 3 trong Quý I năm 2022, bảo đảm mục tiêu đã được Thủ tướng chỉ đạo.

Bộ Y tế nghiên cứu các thông tin liên quan đến các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống xã hội đặc biệt ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và mối quan hệ xã hội của trẻ em. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, nhiều phụ nữ mang thai và trẻ em bị nhiễm virus SARS-CoV-2, nhiều trẻ em mồ côi, rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, không nơi nương tựa, thiếu sự chăm sóc của cha, mẹ, gia đình ảnh hưởng đến cuộc sống và việc học tập của trẻ em.

Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất các chính sách giải pháp, chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi bảo đảm đúng quy định của pháp luật; chú trọng việc trẻ em được chăm sóc bởi người thân thích.

Nghiên cứu, xây dựng chương trình khắc phục hạn chế, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đối với trẻ em như chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội, chăm sóc trẻ em mồ côi nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Củng cố hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em. Tăng cường truyền thông để phát huy vai trò xã hội và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bộ Y tế hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch và đẩy mạnh thực hiện việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Chỉ đạo việc điều trị và chăm sóc trẻ em bị nhiễm Covid-19 và ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bộ GD&ĐT tạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng. Có hướng dẫn gia đình trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ em bảo đảm an toàn, hiệu quả khi học trực tuyến; bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường học.

Bộ VHTT&DL phát huy vai trò của gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hướng dẫn tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện thể chất và tinh thần để bảo vệ, nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật cho trẻ em và gia đình trong dịch Covid-19.

Chỉ thị nêu rõ, Bộ TT&TT tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hướng dẫn các cơ quan báo chí, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trên môi trường mạng phổ biến kiến thức, kỹ năng về các hoạt động hỗ trợ thể chất và tinh thần phù hợp với trẻ em, góp phần chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội và phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích cho trẻ em.

 

Theo Thành Nam/Vietnamnet