Ngoài ra, dữ liệu gần đây từ phòng thí nghiệm cho thấy loại thuốc của Pfizer vẫn giữ được hiệu quả trước biến chủng Omicron, Reuters đưa tin ngày 14/12.
Trước đó, hãng Pfizer hồi tháng 11 từng tuyên bố thuốc kháng virus của mình có hiệu quả khoảng 89% trong ngăn ngừa nhập viện và tử vong khi so sánh với giả dược, dựa trên kết quả sơ bộ từ thử nghiệm trên 1.200 tình nguyện viên. Dữ liệu vừa được công bố ngày 14/12 có thêm 1.000 tình nguyện viên.
Kết quả phân tích không ghi nhận ca tử vong nào ở nhóm tình nguyện viên được cho uống thuốc của Pfizer. Con số này ở nhóm được cho uống giả dược là 12 người.
|
Thuốc kháng virus của Pfizer được sản xuất tại nhà máy tại Italy. Ảnh: Pfizer.
|
Thuốc của Pfizer được sử dụng cùng ritonavir - sản phẩm thuốc kháng virus được dùng để điều trị HIV/AIDS, với tần suất 12 giờ mỗi lần trong 5 ngày liên tục gần như ngay sau khi người bệnh có triệu chứng. Nếu được chấp thuận, loại thuốc này sẽ được bán với cái tên Paxlovid.
Đồng thời, Pfizer cũng công bố dữ liệu giai đoạn đầu từ một cuộc thử nghiệm lâm sàng khác cho thấy loại thuốc trên giảm nguy cơ nhập viện khoảng 70% ở bệnh nhân trưởng thành có mức độ rủi ro trung bình.
Pfizer từng cho biết hãng có thể giao 180.000 liệu trình điều trị vào năm nay và dự định sản xuất ít nhất 80 triệu liệu trình vào năm 2022.
Hiện, Mỹ chưa có loại thuốc kháng virus dạng uống nào dành cho COVID-19 được phê duyệt sử dụng.
Hãng dược Merck & Co cũng từng xin phê duyệt thuốc kháng virus molnupiravir của hãng này nhưng kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy molnupiravir chỉ giảm khoảng 30% nguy cơ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân rủi ro cao.
Chính phủ Mỹ đã ký kết được hợp đồng mua 10 triệu liệu trình điều trị thuốc kháng virus của Pfizer với giá trị 5,29 tỷ USD.
Theo Quốc Đạt/Zingnews.vn