Theo một vài quảng cáo, dịch nhầy trong ốc sên có chứa nhiều vitamin E, vitamin A, protein…, nếu dùng trực tiếp trong một thời gian dài sẽ xóa mờ vết chân chim, nếp nhăn, trị mụn, xóa sẹo, thâm do mụn… Tin tưởng vào tác dụng này, nhiều người liều mình làm đẹp với ốc sên dù vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định chính thức và vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
|
Phương pháp làm đẹp bằng nhớt ốc sên được nhiều chị em "ưa dùng". Ảnh: minh họa. |
Dịch nhầy ốc sên có tác dụng gì?
Việc dưỡng da bằng dịch nhầy ốc sên đã được sử dụng từ thời Hy Lạp cổ đại. Trong nhớt ốc sên có chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho da, điển hình là acid hyaluronic – loại acid giúp tăng cường độ ẩm cho da. Đa phần nhớt ốc sên được sử dụng trong dòng mỹ phẩm cao cấp chống lão hóa.
Theo Đông y, ốc sên có vị mặn, tính hàn, có tác dụng bổ dưỡng, thanh nhiệt, giải độc. Theo sách Nam dược thần hiệu thì ốc sên có thể chữa mụn lở ở da mặt hoặc dùng dịch nhầy của ốc sên để làm lành những vết thương do mụn để lại. Bởi vậy, nhiều người tin rằng dịch nhầy ốc sên có thể phục hồi làn da nên đã tìm đến cách làm đẹp kỳ lạ này.
Mời độc giả theo dõi video "Thực hư tế bào gốc tại các cơ sở làm đẹp". Nguồn: VTV24.
Nhiều người cho rằng, nhớt ốc sên có khả năng kích thích quá trình sản sinh collagen và elastin dưới da, làm dịu các thương tổn của da, phục hồi độ ẩm, bảo vệ da khỏi những gốc tự do có hại khiến da bị lão hóa sớm. Mỹ phẩm chứa nhớt ốc sên có thể làm liền sẹo, làm dịu vết bỏng, chữa viêm lỗ chân lông, mụn, làm mờ vết nám, giảm nếp nhăn và làm mờ các vết rạn da.
Tiềm ẩn rủi ro sức khỏe từ dịch nhầy ốc sên
Theo các chuyên gia, nhớt ốc sên trong mỹ phẩm đều đã được chiết xuất và xử lý. Còn mỹ việc dùng ốc sên sống làm đẹp trực tiếp trên da mặt không đảm bảo vệ sinh. Ốc sên sống ăn nhiều loại thức ăn khác nhau nên trong cơ thể ốc chứa nhiều loại giun sán, đặc biệt là ấu trùng giun lươn Angiostrongylus cantonensis. Nếu chị em nào chẳng may chọn phải con ốc sên bị nhiễm loại giun này để đắp mặt thì loại giun ký sinh này có thể xâm hại não gây viêm màng não và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
|
TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc bệnh viện Da liễu Trung ương nhận định việc sử dụng ốc sên hoặc các loại kem có chiết xuất từ ốc sên là hoàn toàn phản khoa học. Ảnh minh họa. |
ThS.BS Nguyễn Nguyên Huyền - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương cho biết: "Trong khi sử dụng mỹ phẩm tự chế từ ốc sên, ấu trùng giun lươn Angiostrongylus cantonensis có thể xâm nhập vào cơ thể người dùng do tiếp xúc với miệng. Đặc biệt, nếu vệ sinh tay không sạch, có khả năng giun lươn sẽ đi vào cơ thể người theo đường tiêu hóa rồi “tấn công” não gây viêm màng não. Ngoài ra, các loại dịch nhầy từ động vật cũng là nơi có nhiều vi khuẩn sinh sôi và trú ngụ. Khi đắp những loại dịch này không những da không đẹp lên mà có thể bị dị ứng, sưng, viêm, nổi mẩn.
Vì vậy, các chị em đừng nhầm lẫn giữa mỹ phẩm chứa tinh chất từ ốc sên và làm đẹp trực tiếp từ nhớt ốc sên. Các loại mỹ phẩm này đã qua tinh chế rất nhiều công đoạn và kỹ thuật tiên tiến, chứ không phải cứ lấy dịch nhầy, thịt ốc sên tươi mà trộn cùng. Chung quy, các chị em không nên sử dụng nhớt ốc sên tươi đắp mặt hay toàn thân vì nguy cơ nhiễm trùng, dị ứng da rất cao".
Tuy nhiên, theo TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: “Cho đến thời điểm hiện tại, tôi chưa thấy một nghiên cứu khoa học nào nghiên cứu về việc dùng ốc sên làm đẹp. Và bản thân tôi cũng không rõ trong chất nhầy của ốc sên có chứa những thành phần gì. Vì vậy mà việc sử dụng ốc sên hoặc các loại kem có chiết xuất từ ốc sên là hoàn toàn phản khoa học”.
Thảo Nguyên