Rêu sông, suối là một món ăn đã có từ lâu đời, được nhiều dân tộc như Mường, Nùng, Thái, Mông,… ưa thích. Từ lâu, món ăn này đã trở thành đặc sản không thể thiếu trong mỗi dịp lễ tết hoặc khi có khách quý.
Rêu thường mọc bám vào các gờ đá ở nơi lòng suối, chúng có quanh năm nhưng thời điểm từ tháng 11 đến tháng 3 là mùa rêu ngon nhất. Với kinh nghiệm của người Thái, người Tày, nên chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó vừa có nhiều rêu để lấy mà lại là rêu ngon.
Vì mang tính chất sinh trưởng theo mùa nên món rêu được người dân yêu quý không chỉ vì hương vị của nó mà còn vì khả năng bất ngờ mà nó mang lại.
Theo người dân Tây Bắc, các món rêu nói chung và rêu nướng nói riêng có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, có tính thanh nên giải nhiệt, rất mát, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng. Rêu chủ yếu là chất xơ còn có tác dụng giảm mỡ trong máu, và là các món ăn tốt cho những ai muốn ăn kiêng, giảm béo. Bởi vậy món rêu nướng không chỉ là thứ ăn ngon, là đặc sản của người Tày mà còn là thuốc chữa bệnh.
|
Rêu nướng là đặc sản trong mâm cỗ của người dân Tây Bắc. |
Chị Hoàng Thị Cấp - Xã Xuân Giang, Quang Bình, Hà Giang cho biết: “Khi vớt, phải đứng ở dưới suối, nước cứ chảy từ trên xuống và lấy tay quơ ngang lấy, những cái nào non nhất thì mình cầm được còn cái già thì nó vẫn bám ở đá. Rêu chỉ sống trong 7 ngày, khi nó mọc lên 3 - 4 ngày là đi vớt được rồi, còn quá 7 ngày nó trở thành màu trắng bệch và không ăn được nữa”.
Rêu tươi sau khi được lấy tại suối đêm về đem rửa thật sạch cho hết nhớt phù sa bằng cách vò và đập thật kỹ, từ đó có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, như: rêu hấp, canh rêu, rêu xào, rêu rán, nộm rêu, rêu nướng. Tuy nhiên, với nhiều người thì cách chế biến rêu ngon nhất vẫn là rêu nướng với than hồng. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng.
Để làm món Rêu nướng, sau khi làm sạch rêu xong, xé cho rêu tơi ra, thái nhỏ, sau đó nêm với các gia vị: ít sả, vài ba lá mùi tàu, vài ngọn dăm, 1 chút lá hẹ, một chút muối, mì chính và thêm 1- 2 hạt dổi, đó là gia vị mà người Tày hay sử dụng. Ngoài ra, để phù hợp với khẩu vị của từng người, bạn có thể nêm nếm các gia vị khác nhau. Sau khi trộn đều rêu với các gia vị thì gói rêu vào lá dong rồi cho lên bếp nướng.
Cũng vì số lượng có hạn nên rêu đá ngày càng có giá và trở thành hàng hóa bán ra thị trường mang lại thu nhập thời vụ cho người dân ở các bản làng còn giữ được môi trường nước sạch.
|
Vào mùa rêu mọc, người dân hái rêu có thể thu về 400 - 600 nghìn đồng/ngày. |
Với 1 kg rêu tươi đã làm sạch cát, sạn có giá bán từ 15 đến 20 ngàn đồng. Có ngày một người dân ở trên địa bàn xã Mỹ Lý có thể thu nhập từ 400 đến 600 ngàn đồng từ việc bán rêu. Tuy nhiên, công việc này cũng phụ thuộc một phần vào điều kiện thời tiết.
Sản phẩm rêu nướng cũng được nhiều người đăng bán như một đặc sản trên một số chợ mạng, mỗi gói rêu nướng có giá 30.000 đồng.
“Trước đây người dân trên địa bàn xã Mỹ Lý chỉ hái rêu về chế biến món ăn hàng ngày. Giờ đây, do môi trường và khí hậu thay đổi, rêu chỉ mọc ở các đoạn sông thuộc địa phận của các bản dọc biên giới Việt - Lào, như bản Xốp Dương, bản Chà Nga. Tận dụng rêu từ tự nhiên ban tặng, người dân ở các bản đã khai thác về làm hàng hóa bán kiếm thêm thu nhập, nhất là vào dịp Tết này khi nhu cầu thực phẩm tăng cao” - Ông Vi Khăm Đào - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An chia sẻ.
Theo Hồng Hương / Dân Việt