Thiếu nước vì không khát, người già đua nhau nhập viện

Google News

Điều này đã khiến nhiều cụ ông, cụ bà lâm vào cảnh thiếu nước trầm trọng do cả ngày không uống vì chẳng thấy khát!

Các chuyên gia lão khoa cho hay: "Trung tâm cảnh báo khát” ở người già cũng “xuống cấp” theo tuổi tác. Điều này đã khiến nhiều cụ ông, cụ bà lâm vào cảnh thiếu nước trầm trọng do cả ngày không uống vì chẳng thấy khát! Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gia tăng số người cao tuổi ở TPHCM phải nhập viện trong thời tiết hiện nay.
 
Đổ bệnh vì…“giảm khả năng khát”
Cách đây ít hôm, một cụ bà 86 tuổi (trú tại quận Tân Bình, TPHCM) được người thân vội vã đưa đến Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM trong tình trạng lơ mơ, lú lẫn, giảm hoàn toàn các hoạt động chức năng. Ghi nhận bệnh sử cho thấy: Trước khi nhập viện, cụ bà vẫn ăn ngon ngủ khỏe, sinh hoạt bình thường. Tại Khoa Lão và Chăm sóc giảm nhẹ thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh nhân được các chuyên gia nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm và đưa ra chẩn đoán: Cụ bà vừa bị suy thận cấp, vừa bị nhiễm trùng phổi. Theo chuyên gia lão khoa, ở cả Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Bệnh viện Nhân dân Gia Định, những ngày nắng nóng vừa qua, trường hợp phải nhập viện cấp cứu như cụ bà trên khá nhiều!
TS.BS Thân Hà Ngọc Thể - Trưởng khoa Lão và Chăm sóc giảm nhẹ (Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM) chia sẻ: “Nguyên nhân chính khiến cụ bà bị suy thận cấp là do thiếu nước trầm trọng, bắt nguồn từ tình trạng khá giống nhau ở người già là giảm khả năng khát nước. Cơ thể mỗi người đều có một ‘trung tâm khát’ chuyên báo động khi cơ thể thiếu hụt nước. Nhờ các "tín hiệu khát" được trung tâm đặc biệt này cảnh báo, chúng ta sẽ chủ động uống nước, cơ thể sẽ luôn có đủ lượng nước cần thiết. Đáng tiếc là ở người già, "trung tâm khát" hoạt động chậm chạp, hầu như giảm hẳn. Vì vậy, nhiều người cả ngày chẳng thấy khát nước nên không uống, trong khi cơ thể vẫn thực sự cần bù nước”.
Các chuyên gia lão khoa cho hay: Người già vốn mang nhiều bệnh và phải dùng nhiều thuốc. Bên cạnh đó, khả năng thích ứng với những thay đổi về thời tiết, khí hậu, môi trường, nhiệt độ… lại kém đi. Vì vậy, tình trạng thiếu hụt nước càng tạo điều kiện để mầm bệnh trong cơ thể “trỗi dậy”. BS Thân Hà Ngọc Thể nói: “Thời điểm hiện nay, dù đã đầu mùa mưa nhưng vẫn rất nóng. Giao mùa cũng khiến thời tiết thêm phần khó chịu do có sự chênh lệnh nhiệt không nhỏ. Những yếu tố này cũng khiến người già đối mặt với các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, xương khớp…”.
Để hóa giải những rủi ro gây bệnh vì thiếu nước ở người già, các chuyên gia lưu ý: Không chỉ đối với người cao tuổi, người bình thường dù không thấy khát cũng nên uống ít nhất 1,5 lít nước/ngày, nếu được thì uống đủ 2 lít nước/ngày để đạt ngưỡng an toàn hơn. Người già cần hạn chế tối đa uống nước có ga, cồn và đá. Nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội là lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe.
Liên tục… “tái bảo trì”
Sáng 22/5, cụ bà Võ Thị Ngọc Ánh lại vào Khoa Lão và Chăm sóc giảm nhẹ (Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM) dù trước đó, cụ chỉ mới xuất viện được một ngày. “Về nhà thấy mệt lắm, vào đây có bác sỹ, y tá chăm sóc an tâm hơn, thấy khỏe hơn nhiều”, cụ Ánh giải thích việc mình “tái bảo trì” cơ thể quá nhanh chóng. Thân nhân của cụ Ánh cho biết: Vì hoàn cảnh nên không thể túc trực bên cụ 24/24h, song bệnh nhân nhiều tuổi này vẫn thấy ấm áp bởi nhiều bàn tay chuyên môn chăm lo cho mình. “Cụ Ánh cứ như khách VIP của khoa này vậy”, một nữ y tá đã nói vui về sự hiện diện thường xuyên, liên tục của bà cụ tại Khoa Lão và Chăm sóc giảm nhẹ.
Như phân tích của TS.BS Thân Hà Ngọc Thể, người già khó tránh cảnh đa bệnh, đa thuốc. Với không ít bệnh nền, lại chịu nhiều tác dụng không mong muốn của thuốc, thể trạng người già luôn thường trực trạng thái "phải vào viện". Do đó, vấn đề “bảo trì liên tục” với người già là chuyện hoàn toàn dễ hiểu, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết chuyển mùa kèm nhiều yếu tố bất lợi. Những ngày qua, số liệu từ Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM cho thấy, lượng bệnh mùa hè tăng 20%, trong đó không ít người già nhập viện điều trị. Tại Khoa Lão thuộc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, một trong những “địa chỉ đỏ” của nhiều cụ ông, cụ bà ở TPHCM và nhiều tỉnh/thành khác cũng có dấu hiệu gia tăng ca bệnh.
TS.BS Thân Hà Ngọc Thể chia sẻ: “Đa phần, bệnh lý ở người già thường không có biểu hiện đặc hiệu. Vì vậy gia đình phải hết sức lưu ý, ngay khi phát hiện người già có biểu hiện bất thường về sức khỏe, trong sinh hoạt… cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế phù hợp để kịp thời thăm khám, chẩn đoán và điều trị”.
Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi mùa nóng
Vào mùa hè nóng nực, cơ thể rất dễ bị mất nước và điện giải. Đối với người cao tuổi, điều này nhẹ thì gây ra cảm giác mệt mỏi, bủn rủn chân tay, dễ quên và cũng dễ cáu gắt, thậm chí huyết áp hạ xuống quá thấp có thể gây đột quỵ, suy tim. Do đó, kể cả khi không khát, chúng ta vẫn nên uống nước hoặc ăn nhiều trái cây, rau xanh để giữ nhiệt cho cơ thể.
Bật quạt thốc vào người hay sử dụng điều hòa ở nhiệt độ quá thấp, kéo dài có thể rất dễ gây cảm lạnh, viêm họng và viêm phổi ở người cao tuổi, nhất là vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do cơ thể bị nhiễm lạnh. Vậy nên ban đêm khi ngủ, người cao tuổi nên sử dụng quạt hoặc điều hòa chỉ nên ở nhiệt độ từ 27 - 28oC.
Người cao tuổi nên ăn đủ các bữa trong ngày và đúng giờ giấc, hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ. Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây để bổ sung chất xơ, vitamin và nước cho cơ thể. Tuy nhiên, cần tránh những loại trái cây quá ngọt như: Vải, nhãn, xoài…
Bên cạnh đó, trời nắng nóng dễ khiến thực phẩm bị hư hỏng, ôi thiu và nhiễm siêu vi, do đó người cao tuổi cần cẩn trọng trong việc ăn uống. Tránh ăn ngoài hàng quán không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng bệnh tiêu hóa.
Cơ chế điều hòa thân nhiệt giảm sút do quá trình lão hóa khiến cơ thể người cao tuổi dễ bị tăng thân nhiệt hơn. Do đó, những bộ trang phục thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi là rất cần thiết trong mùa hè oi bức.
Với những người cao tuổi có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao, cần có máy đo huyết áp cá nhân ở nhà để theo dõi thường xuyên, tránh trường hợp huyết áp hạ đột ngột hay tăng quá cao, sẽ rất nguy hiểm.
Mời quý độc giả xem video Bác sỹ vừa hút thuốc vừa khám cho bệnh nhân (nguồn Youtube):
Theo GĐ&XH