Vất vả lắm tôi và chồng mới đến được với nhau. Mẹ chồng vốn không thích tôi. Với bà, tôi không phải là mẫu con dâu lý tưởng bởi tôi không giỏi nữ công gia chánh.
Tôi không giỏi bếp núc, cũng không biết cách cắm hoa, pha trà, trang trí nhà cửa… Khi mới yêu, biết tiêu chí chọn con dâu của mẹ chồng tương lai, tôi áp lực vô cùng.
Tôi sợ phải sống gò bó, tuân theo những khuôn khổ cũ kỹ, hà khắc của mẹ chồng. Nhiều lần tôi muốn buông bỏ, chia tay anh.
Mỗi lần như thế, chồng tôi lại chứng minh trên đời này không còn ai yêu thương và lo lắng cho tôi như anh. Sợ mẹ và tôi bất hòa, anh hứa nỗ lực thuyết phục bà cho chúng tôi ra ở riêng.
Tình yêu của anh khiến tôi cảm động, quyết định trở thành con dâu của người mẹ chồng khó tính.
Sau khi cưới, chúng tôi ở với mẹ chồng 1 tháng trước khi ra ở riêng. Suốt một tháng ấy, tôi không đêm nào ngủ ngon. Tôi phải thức khuya dậy sớm theo đúng thời khóa biểu của mẹ chồng.
Chồng tôi cũng không khá hơn. Biết vợ không giỏi nấu nướng, anh phải nịnh mẹ nấu bữa tối hoặc tìm mọi lý do để cả nhà ra ngoài ăn.
|
Trong mắt mẹ chồng, tôi luôn là người phụ nữ lười biếng. Ảnh minh họa: P.X |
Chỉ 1 tháng mà tôi cảm giác như 1 năm. Mọi thú vui, thói quen sinh hoạt của tôi đảo lộn hoàn toàn. May mà chồng tôi luôn thông cảm, yêu chiều vợ hết mực.
Cuối cùng, một tháng ở với mẹ chồng cũng trôi qua. Chúng tôi được phép ra ở riêng. Tôi vui mừng và ngỡ sẽ được sống đúng với cuộc sống, con người của mình. Nào ngờ chưa được bao lâu, sự cố đã xảy ra.
Chồng tôi vốn là con một. Dù ra ở riêng, mẹ chồng vẫn giữ thói quen chăm anh như chăm trẻ. Bà thường xuyên đến nhà ngó nghiêng xem vợ chồng con trai sống như thế nào.
Vốn biết tôi không đảm đang nên mỗi khi đến nhà, bà luôn để ý mọi thứ. Bà hết xuống bếp lại vào nhà vệ sinh xem con trai có ăn uống đàng hoàng, quần áo có sạch sẽ, tươm tất hay không.
Một lần, bà bắt gặp cảnh chồng tôi đang giặt quần áo cho vợ. Bà bỏ về với vẻ mặt không vui. Đến tối, bà nhắn tin cho chồng tôi bảo: “Dù có yêu cũng đừng chiều vợ như thế để nó hư người ra”.
Chồng tôi giải thích rằng vợ là mẫu tay nên cần phải giữ gìn đôi tay nhưng bà không tin. Một lần khác, bà sang nhà chơi và lại thấy con trai giặt quần áo cho vợ. Bà cho rằng con trai vì quá mê vợ đã bỏ ngoài tai những răn dạy của mình.
Vốn đã ác cảm và cho rằng tôi lười biếng, bà hét vào mặt con trai, nói anh là đồ đàn bà, núp váy vợ. Xót con, bà mắng luôn tôi.
Chưa hả giận, bà gọi điện cho mẹ tôi và nói: “Tôi góa bụa, nuôi con một mình nhưng chưa bao giờ khiến nó phải khổ. Nay cưới vợ, nó ở nhà lại phải làm việc của đàn bà.
Ở công ty, nó là sếp, nói có người nghe, mắng có người sợ. Vậy mà ở nhà, nó không khác gì thằng ôsin. Nó lo kinh tế cho cả nhà mà bị đối xử như con ở. Trong khi đó, vợ nó chỉ lo giữ dáng, làm đẹp, ngồi mát ăn bát vàng”.
Chưa hết, bà còn bỉ bôi: “Tôi ngu dốt, không khéo dạy con nên để nó bị con người ta khôn lanh hơn đè đầu cưỡi cổ. Ai đời đường đường là trưởng phòng mà ở nhà lại giặt quần áo cho vợ”.
Nghe chuyện, mẹ tôi buồn lắm. Bà khóc suốt và khuyên tôi cố gắng thay đổi mình để gia đình ấm êm. Tuy vậy, chuyện cũng khiến tình cảm giữa tôi và mẹ chồng càng thêm nhạt nhòa, xa cách.
Mấy ngày sau, đợi chuyện lắng xuống, tôi giải thích với mẹ chồng rằng không phải mình ép chồng làm những việc ấy. Chỉ vì tôi phải giữ gìn đôi tay để chụp quảng cáo sản phẩm nên mới nhờ anh và anh vui vẻ chấp nhận.
Mẹ chồng vẫn không tin. Cho đến bây giờ, dù cố gắng gần gũi, thay đổi mình, bà vẫn không thôi ác cảm về tôi. Tôi cảm thấy ngột ngạt với cuộc sống như vậy.
Tôi có nên tiếp tục chịu đựng, cố gắng thay đổi những điều không thể hay chọn cách trả lại đứa con trai bé bỏng, mãi mãi phải sống trong vòng tay mẹ cho bà? Xin những người từng trải hãy cho tôi xin ý kiến.
Theo Vietnamnet