|
Ảnh minh họa. |
Nhà có con nhỏ, lại bận bịu nhiều công việc nên tôi bàn với ông xã tìm thuê người giúp việc. Chúng tôi tính toán các kiểu và quyết định tìm một người phụ nữ tầm hơn 30 tuổi, làm ban ngày từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, mức lương thỏa thuận. Công việc cũng không quá vất vả, chủ yếu là dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ phơi phóng, nấu ăn. Còn việc trông bé hay những chuyện khác như dọn vườn cây, trồng hoa..., vợ chồng tôi vẫn sẽ tự làm. Cứ nghĩ khi điều kiện đưa ra quá thuận lợi như thế thì chúng tôi sẽ nhanh chóng tìm được người giúp việc ưng ý. Nhưng đời đúng là không như mơ.
Phải cả tháng sau, bên trung tâm mới tìm được người phù hợp với yêu cầu của chúng tôi. Chị Giang, giúp việc nhà tôi, 35 tuổi. Chị đến nhà nhận việc mà cứ như đi ăn tiệc cưới khi mặc váy ngắn, trang điểm lộng lẫy, tóc buông xõa ngang bờ vai. Chị nói chị thích chưng diện, có đi đổ rác cũng phải đẹp. Thôi thì làm đẹp là quyền của chị, tôi cũng chẳng dám có ý kiến gì. Nhưng từ ngày có chị ấy, gia đình tôi lại thêm xáo trộn và tinh thần tôi luôn căng thẳng như dây đàn.
Chị giúp việc không hề để tâm vào những lời chỉ bảo của tôi. Nhà tôi có 2 chiếc máy giặt và 1 chiếc máy sấy chuyên dùng trong mùa mưa ẩm. Một chiếc máy giặt lồng đứng chuyên giặt quần áo đi làm cho chồng tôi vì anh làm quản lý ở công trường, bụi bặm nhiều. Chiếc máy giặt lồng ngang thì giặt quần áo ở nhà và đồ em bé với nước giặt riêng. Nhưng chị ấy lại lấy nước giặt của máy lồng đứng, đổ vào máy lồng ngang, làm bọt trào đầy khu giặt ủi. Tôi phải in nhãn dán lên từng chai nước giặt, vậy mà chị vẫn tiếp diễn lỗi sai trên với lý do vừa giặt đồ vừa nấu ăn nên vội quá và bị nhầm lẫn nước giặt. Chồng tôi từng bị té ngã một lần, đau vẹo cả lưng chỉ vì giẫm phải nước giặt đổ ra sàn nhà mà chị giúp việc không chịu lau đi.
Chưa kể chị còn hay nhầm lẫn giữa muối và đường, nấu ăn khi mặn khi nhạt khi ngọt. Ông xã tôi ăn không nổi, phải nấu mì gói ăn. Tôi theo dõi thì thấy chị vừa nấu vừa nghịch điện thoại; nhắc nhở rồi vẫn đâu vào đó, chẳng thay đổi gì cả.
Rồi chị còn hay "mặc thử" váy áo của tôi mỗi khi dọn dẹp. Tôi không muốn có người khác dùng đồ của mình nên đành phải cho chị luôn.
Chồng tôi bực quá, bảo tôi cho chị nghỉ. Tôi vừa nói phong thanh thôi, chị ấy đã khóc nức nở, nói đủ lý do khó khăn, cần phải làm việc kiếm tiền nuôi gia đình. Tôi lại không đành lòng, không nhẫn tâm. Mà cứ thế này mãi, nhà tôi sẽ loạn lên mất. Phải làm sao với chị giúp việc bây giờ?
Theo PV/Phụ Nữ Việt Nam