Tâm lý “bên trọng, bên khinh” không chỉ riêng có ở đàn ông

Google News

Lâu nay chúng ta vẫn thường chê trách cánh đàn ông là “trọng bên nội, khinh bên ngoại”. Thế nhưng cuộc sống hiện đại cho thấy tâm lý "bên trọng, bên khinh" không chỉ xảy ra ở đàn ông mà còn hiện diện trong suy nghĩ của chị em phụ nữ.

Theo các chuyên gia tâm lý của Học viện Vera Hà Anh, nhiều gia đình từ xưa đến nay có quan niệm, con gái một khi xuất giá về nhà chồng, nhà ngoại chỉ là nơi để nghĩ, để nhớ, để thương về.
Đã làm dâu nhà người ta, chị em dù muốn nghĩ cho cha mẹ ruột mình cũng khó. Dù có thương cha thương mẹ, cũng chỉ có thể Tết về biếu quà mừng thọ, nói chuyện hỏi thăm đôi lời. Còn việc trong việc ngoài, việc lớn việc nhỏ đều phải toàn tâm toàn lực lo toan cho gia đình nhà chồng. Việc "trọng nội, khinh ngoại" thật khiến nhiều chị em buồn phiền, bởi thân làm con, lớn lên lại chẳng thể giúp đỡ bố mẹ, mà phải lo toan cho gia đình nhà khác.
Cũng có nhiều chị em không phụ thuộc cuộc sống nhà chồng, hoặc có tiềm lực kinh tế mạnh áp đảo chồng, lại thiên về "trọng ngoại, khinh nội". Nhất là những đôi vợ chồng ở riêng, chị em phụ nữ không cần phải lo toan quá nhiều công việc cũng như đụng độ với bố mẹ chồng, chị em thường có thiên hướng hướng về nhà ngoại, lo lắng cho bố mẹ mình.
Tam ly “ben trong, ben khinh” khong chi rieng co o dan ong
 Ảnh minh họa
Kỳ thực cả hai thiên hướng trên không hề sai, nhưng với cách ứng xử bên trọng bên khinh như thế, sẽ thật thiệt thòi cho cả vợ chồng bạn lẫn người nhà bạn mà thôi. Trong thời buổi hiện nay, nội hay ngoại đều quan trọng như nhau. Họ đều là người đã sinh thành ra các bạn, là người nuôi lớn các bạn thành tài, và họ đều là một phần cuộc sống tương lai của bạn. Phận làm con, làm dâu, làm rể, đều cần hiếu kính với cả đôi bên.
4 cách ứng xử giúp chị em cân bằng được tình cảm nội ngoại
Chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh cho rằng, thay vì lựa chọn cách ứng xử bên trọng bên khinh, chị em hãy thử cân bằng tình cảm nội ngoại bằng những cách sau đây:
Về thăm nội, ngoại như nhau: Nếu vợ chồng bạn đã có nhà riêng, hãy dành thời gian về thăm nhà. Sẽ thật là may mắn nếu gia đình bạn sống gần nội hoặc gần ngoại, tần suất bạn về nhà sẽ nhiều hơn. Nhưng nếu ở xa, không tiện về, cuối tháng hoặc vài tháng cố gắng sắp xếp thời gian về thăm nhà và thăm đều cả nhà nội lẫn nhà ngoại khi mà có thể nhé. Thứ bố mẹ cần không phải là vật chất mà bạn gửi về cho bố mẹ, mà chính là tấm lòng hiếu thảo nhớ đến gia đình. Còn giả như vợ chồng bạn đang ở nhà chồng hay sống chung với bố mẹ vợ, các bạn cũng hãy dành thời gian về thăm gia đình mẹ đẻ của mình thường xuyên hơn để tình cảm hai bên gần gũi.
Hãy thường xuyên gọi điện thoại: Bạn là con dâu không có nghĩa bạn không cần thiết phải quan tâm, hỏi thăm bố mẹ chồng. Tương tự, con rể cũng cần thường xuyên hỏi thăm nhà vợ. Như vậy tình cảm vợ chồng mới có thể êm ấm, bố mẹ mới có thể vui lòng. Hãy thường xuyên gọi điện cho người thân ở xa thăm hỏi tình hình, bởi dù là nhà nội hay nhà ngoại đi nữa, bố mẹ ngày ngày vẫn ngóng tin vợ chồng bạn.
Vợ yêu thương bố mẹ chồng, chồng càng cần lo toan gia đình vợ: Về vấn đề này, người phụ nữ khôn khéo sẽ bàn bạc kỹ lưỡng với người đàn ông tương lai của mình trước khi lấy chồng. Để cả hai thống nhất cách mà vợ chồng bạn hiếu kính với gia đình như thế nào. Là con gái, bạn không thể để bố mẹ ruột thiệt thòi, nhưng lại rất khó để có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc nhà chồng, vì vậy đây là cách làm tốt nhất: anh đối tốt với bố mẹ tôi, tôi cũng sẽ phụng dưỡng bố mẹ anh.
Quan tâm đến cả anh em trong nhà: "Anh em như thể chân tay, rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần". Để có được cảm tình của cả nội lẫn ngoại, để khi đi đâu về đâu cũng có người yêu thương và đón tiếp bạn nồng hậu, vợ chồng bạn cần lưu tâm đến cả những người anh em họ hàng trong nhà. Hãy đối tốt, quan tâm và chia sẻ khó khăn với nhau, cho dù là anh chị em bên ngoại hay bên nội. Bởi chính họ sẽ là những người hỗ trợ nhiệt tình nhất khi bạn gặp khó khăn.
Theo Ngân Khánh/Gia đình