Quả thị có tên khoa học là Diospyros decandra Lour. Quả tròn, màu vàng, mọng nước và thường chia thành 6 - 8 múi. Trong một nghiên cứu gần đây, khi so sánh 19 loại trái cây trong đó có nhiều loại trái có mặt ở Việt Nam thì tác giả nhận thấy hàm lượng flavonoid tương đối cao.
Flavonoid là một trong những hoạt chất tự nhiên có mặt rộng rãi nhất trong thực vật và là phân nhóm quan trọng trong các hợp chất phenol. Flavonoid có nhiều tác dụng được biết đến như: chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, chống dị ứng và chống lão hóa.
Nghiên cứu cũng cho thấy quả thị có tác dụng chống oxy hóa nhẹ, bổ sung vitamin C và đường. Ngoài ra, trong một nghiên cứu khác cho thấy quả thị có tác dụng bổ máu, kháng khuẩn, kháng nấm và kháng sốt rét.
|
Quả thị chỉ để ngửi chứ không nên ăn. |
Như vậy, quả thị cũng khá hấp dẫn về mặt dinh dưỡng. Tại sao lại không nên ăn quả thị?
Xét về mặt hàm lượng dinh dưỡng, quả thị có đường, chứa một lượng vitamin C vừa phải, có tác dụng bổ máu, chống oxy hóa v.v... cũng là một loại trái cây hữu ích. Tuy nhiên, ăn thị lại có hại cho dạ dày trong hai trường hợp: ăn quả chưa chín và ăn lúc đói.
Trong trái thị có chứa nhiều tannin, gặp acid trong dạ dày kết lại thành khối, cứng lại như đá không tiêu, dẫn đến tắc ruột, sỏi dạ dày. Lúc đói thì acid trong dạ dày nhiều và quả thị lúc còn xanh thì đặc biệt nhiều tannin, do đó bạn không nên ăn thị chưa chín và cũng không nên ăn thị khi bụng đói.
Cũng nên lưu ý không nên ăn nhiều, vì tannin làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột… Khi ăn nhiều sẽ vón lại, tạo thành khối bã ở khu vực ruột non.
Theo Lê Cao / VietQ