Hội chứng ăn thứ... không để ăn
Mới đây, Đại tá Nguyễn Quốc Dũng - Phó Chủ nhiệm Khoa Ngoại bụng Bệnh viện Quân y 175 cho hay, ê-kíp bác sĩ vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân T.H.T, có dấu hiệu trầm cảm và thích ăn dị vật kim loại.
|
1kg dị vật trong người bệnh nhân T.H.T. Ảnh: BVCC. |
Các triệu chứng cho thấy, người này có dấu hiệu của hội chứng Pica. Bệnh nhân có triệu chứng đau bụng khoảng 1 tháng nay và khám tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương. Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương dạ dày với nhiều dị vật lạ trong bụng và được chuyển tới Bệnh viện Quân y 175.
Sau khi tiến hành hội chẩn, ê-kíp Khoa Ngoại đã tiến hành phẫu thuật lấy bỏ khoảng 1kg dị vật kim loại bị ăn mòn trong dạ dày bệnh nhân. Trong số này, có 3 bấm móng tay, hàng loạt móc sắt dùng để treo đồ, lưỡi dao, thìa và đinh, các đoạn sắt nhỏ…
Do số lượng dị vật trong bụng bệnh nhân quá nhiều, ê-kíp phải tiến hành mổ mở và chụp C - ARM (X - quang trong mổ) để tránh sót dị vật. Sau 2 tiếng, các bác sĩ thành công lấy hết dị vật. Bệnh nhân được chuyển về Khoa Ngoại bụng tiếp tục theo dõi và điều trị.
Theo Đại tá Nguyễn Quốc Dũng, bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm, thích ăn các dị vật kim loại. Đây là trường hợp hiếm gặp khi bệnh nhân có dấu hiệu của hội chứng Pica. Chuyên gia này cho biết, người mắc hội chứng này sẽ có các biểu hiện như: Răng bị hư, đi phân có máu, đau bụng, ngộ độc chì. Ngoài ra, bệnh nhân có thể tắc ruột, tổn thương dạ dày do thức ăn không tiêu hóa được.
Dấu hiệu vấn đề tâm lý
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), Pica là thói quen ăn những thứ người bình thường không ăn. Đây là chứng rối loạn ăn uống liên quan tới tâm lí. Người mắc chứng này sẽ thích ăn những vật không phải thực phẩm hay chất dinh dưỡng.
Pica hay gặp ở trẻ em từ 2 tuổi trở lên và người trẻ. Biểu hiện thích ăn những vật lạ không có chất dinh dưỡng kéo dài trên 1 tháng. Trong khi đó, từ lúc sơ sinh đến khi 2 tuổi, trẻ có xu hướng “thăm dò” đồ vật xung quanh bằng cách đưa vào miệng. Và, đây được coi là hành vi hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, khi trẻ trên 2 tuổi, phụ huynh được khuyến cáo thận trọng trước những hành động như vậy của con.
“Trường hợp người đàn ông ở Trùng Khánh (Trung Quốc) là ví dụ. Anh ta thích ăn đất tường nhà từ lúc 5 tuổi. Càng lớn, lượng đất ăn càng tăng lên. Mặc gia đình thuyết phục, mỗi tuần anh phải đi tìm bức tường nào đó để khoét”, chuyên gia dẫn chứng.
Bên cạnh đó, Pica cũng xảy ra với những thói quen ăn uống kì dị theo văn hóa cộng đồng.
Theo bác sĩ Phúc, các nghiên cứu chỉ ra rằng, Pica phổ biến hơn ở trẻ em, phụ nữ có thai, nhóm người thuộc tầng lớp kinh tế - xã hội thấp, trẻ em bị khuyết tật phát triển (ví dụ trẻ tự kỷ). Ngoài ra, tỉ lệ mắc Pica ở những người căng thẳng liên quan đến gia đình cũng cao hơn. Pica có thể là một triệu chứng của bệnh thiếu máu (thiếu sắt) và mất cân bằng hóa học khác.
“Tôi đã gặp những bà bầu thèm ăn đất, thạch cao, gạch non, nhưng, sau khi đẻ thì hết. Những bệnh nhân thiếu máu cũng vậy, sẽ dẫn đến thiếu sắt, chưa kể các nguyên tố vi lượng khác. Như vậy, Pica trong trường hợp này chỉ là triệu chứng phản ánh tình trạng thiếu chất. Bổ sung, ăn uống đầy đủ vi chất là khỏi”, chuyên gia chia sẻ.
Ngoài những yếu tố thể chất, bác sĩ Phúc cho rằng, Pica hay gặp nhiều do nguyên nhân tâm lí, như: Trẻ chậm phát triển trí tuệ, tự kỉ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tâm thần phân liệt. Do đó, phụ huynh cần hết sức chú ý tới một số hành vi của con, như: Ngồi hay rung đùi, nắm chặt tay, giật tóc, xoắn đuôi tóc rồi đút vào miệng qua 1 bên mép, kéo gấu áo lên xoắn lại rồi nhai ngậm... Bởi, đó là những biểu hiện vấn đề tâm lí dễ dẫn đến Pica.
Động vật cũng mắc Pica
“Không chỉ con người, các loài động vật như lợn, gia súc, cừu cũng mắc chứng Pica. Nhưng, động cơ của các loài động vật khác có thể chỉ đơn giản là quá đói hoặc nuốt nhầm, không giống con người cố ý, dẫn đến mất kiểm soát”, chuyên gia cho biết.
Nói về lý do không ít người có thể ăn các đồ sắc, nhọn, bác sĩ Phúc giải đáp, hệ thống đường tiêu hóa của chúng ta vẫn có khả năng “chịu lỗi” nhất định. Đối với những dị vật hoàn toàn khó tiêu, hệ tiêu hóa sẽ cố gắng đào thải chúng ra ngoài bằng phân. Từ đó, giảm thiểu thiệt hại.
“Tôi đã gặp không ít phạm nhân nuốt kim khâu, lưỡi dao nam cạo râu, nhưng không sao. Tuy nhiên, nuốt dị vật sắc nhọn nguy cơ gây thủng ruột rất cao. Nuốt nhiều dị vật có thể gây tắc ruột cực kì nguy hiểm”, bác sĩ Trần Văn Phúc nhấn mạnh.
Theo Vân Huyền/Giaoducthoidai.vn