Theo BS Trương Hữu Khanh, rụng tóc là một trong số nhiều triệu chứng của người bệnh sau khi khỏi COVID-19. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân. Cụ thể sau COVID, người bệnh sẽ bị mệt mỏi, kém khả năng ăn uống, hấp thu vì vậy không đảm bảo dinh dưỡng, thiếu chất dẫn đến triệu chứng rụng tóc.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị COVID-19, bệnh nhân cũng phải sử dụng nhiều loại thuốc điều trị nên có khả năng gây ảnh hưởng đến vấn đề rụng tóc. Đặc biệt, vấn đề bất ổn về tâm lý do dịch bệnh như căng thẳng, lo âu là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rụng tóc sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Thông thường, tóc sẽ rụng rõ rệt từ 2 - 3 tháng sau khi bị mắc COVID-19 và có thể kéo dài từ 6 - 9 tháng. Việc này gây bất tiện trong sinh hoạt và ảnh hưởng đến thẩm mỹ vì vậy, bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 bị rụng tóc cần bổ sung thêm sắt, kẽm, vitamin nhóm 3B, vitamin B5… Các chất này có trong thức ăn, hoa quả và sữa.
|
Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Hải Dương. Ảnh: Bộ Y tế |
“Hầu hết sau đó tình trạng này sẽ giảm bớt, tóc ngừng rụng nhưng để khắc phục điều này, cần phải có một thời gian để phục hồi, có thể kéo dài từ 3-6 tháng. Có bệnh nhân mới bổ sung chất, vitamin sau một thời gian ngắn đã than phiền tình trạng không cải thiện là không đúng”, BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Bác sĩ chia sẻ thêm, kiệt sức sau COVID-19 như bạn rất nhiều người gặp, điều cần nhất là người bệnh phải tẩm bổ để hồi phục trở lại. Bạn cũng cần ngủ đủ giấc, tập thở, tập thể dục nhưng lưu ý là đừng quá sức vì cái gì cũng cần có thời gian, không nên gắng sức tập ở mức như khi mình chưa bệnh.
Tại Hội thảo Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức, Th.BS Dương Duy Khoa (ĐH Y dược TP.HCM) cũng nhấn mạnh, hậu COVID-19 xuất hiện khoảng 4 tuần khi người bệnh khỏi COVID-19. Theo định nghĩa của WHO, tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 nghi ngờ hoặc xác nhận thường là 3 tháng kể từ khi khởi phát triệu chứng COVID-19 và kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích được bằng chẩn đoán khác.
Đây là hội chứng gồm nhiều triệu chứng, phổ biến là mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức. Nhưng cũng có những triệu chứng khác (hồi hộp, đau nhức cơ…) gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
BS Duy Khoa nói, bệnh COVID-19 là phổ bệnh rộng, bệnh nhân nặng phải nhập viện hoặc ICU điều trị sẽ có nguy cơ mắc hậu COVID-19 hơn. Hậu COVID gây tổn thương đa cơ quan, triệu chứng thường gặp là mệt mỏi, yếu cơ, đau khớp, sau đó khó thở, ho, rồi lo âu, trầm cảm, đau ngực. Trong đó có vấn đề về da là rụng tóc.
Các triệu chứng giảm dần theo thời gian. Nhiều bệnh nhân COVID-19 sau khi xuất viện có sự phục hồi tốt về thể chất và chức năng trong suốt 1 năm theo dõi, đồng thời có thể trở về với công việc và cuộc sống ban đầu. Yếu tố khiến người bệnh dễ có triệu chứng hậu COVID-19 sẽ là tuổi, giới tính nữ và người bệnh có trên 5 triệu chứng khi mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ bị hội chứng hậu COVID ở mốc 28 ngày và 56 ngày. Các triệu chứng thường đi kèm với nhau, ví dụ mệt mỏi sẽ đi kèm với đau đầu, khó thở.
BS Duy Khoa cũng nói thêm, người mắc COVID-19, trước đó không có triệu chứng vẫn có thể phát triển thành hậu COVID-19. Ví dụ trẻ em thường có triệu chứng nhẹ nhưng vẫn phát triển thành hội chứng hậu COVID-19.
Về tác động lên da gây rụng tóc, BS Duy Khoa nhấn mạnh, đây là triệu chứng gặp ở khoảng 20% người bệnh khỏi COVID-19, thậm chí sau 12 tháng vẫn rụng tóc. Để giải quyết tình trạng này, bác sĩ phải lấy người bệnh làm trung tâm, đầu tiên phải trấn an họ việc rụng tóc sẽ giảm theo thời gian và có khả năng phục hồi.
“Trường hợp ảnh hưởng đến thẩm mỹ, bệnh nhân có thể khắc phục bằng cách dùng tóc giả, xăm thẩm mỹ dùng hoạt huyết dạng bôi giúp tóc phục hồi”, BS Duy Khoa chia sẻ thêm.
Theo Ngọc Trang/Vietnamnet.vn