Giấc ngủ là điều quý giá với sức khỏe của con người, nhiều nghiên cứu cho thấy, ngủ 7-8 tiếng mỗi đêm sẽ giúp cho não của bạn hoạt động tốt. Thiếu ngủ, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới những tác động xấu lên thể chất của bạn.
Giấc ngủ của mỗi người là khác nhau cả về thời gian ngủ lẫn cách nằm ngủ và nhiều yếu tố khác. Thế nhưng, giấc ngủ ngon cũng có những tiêu chuẩn chung của nó bao gồm 2 yếu tố: ngủ sâu và đủ giấc.
Người trường thành cần ngủ 6 – 8 tiếng 1 ngày. Trong khi đó, thời gian ngủ của trẻ em và thanh thiếu niên sẽ nhiều hơn là 10 – 12 tiếng.
Bạn sẽ vẫn mệt mỏi, đau đầu nếu nằm trên giường suốt 8 tiếng nhưng trằn trọc, tỉnh dậy lúc 3h sáng. Điều này có liên quan đến chất lượng giấc ngủ.
|
Ảnh minh họa |
Chất lượng của chất ngủ ở chỗ bạn phải ngủ sâu giấc và không bị giật mình tỉnh giấc quá nhiều lần. Một giấc ngủ liền mạch và sâu sẽ cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe của bạn và giúp ích cải thiện các bệnh lý khác của cơ thể.
Thiếu ngủ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động trí óc, đặc biệt là học tập và ghi nhớ. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giấc ngủ có vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta học tập và làm việc tốt hơn. Nói cách khác, chúng ta sẽ có thời gian nghỉ ngơi hợp lý để trí nhớ được đảm bảo.
30% chúng ta không có giấc ngủ ngon. Không ít người thường xuyên tỉnh dậy giữa đêm.
Lý do nằm ở đâu?
Theo bác sĩ khoa học Jose Colon, khoảng 4 – 6 lần tỉnh giấc giữa đêm được coi là hiện tượng bình thường đối với mỗi người. Một số người sẽ cần ngủ nhiều hơn, số khác cần ít hơn. Bởi vậy, bạn cần tìm ra cơ chế phù hợp với mình.
Tuy nhiên, nếu bạn thấy mệt mỏi khi tỉnh dậy, bạn cần xem xét lại thời gian ngủ của mình. Thiếu ngủ có thể dẫn tới mệt mỏi, dễ cáu giận và mất tập trung.
Nóng bức
Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ, cảm giác nóng bức khiến người ta khó ngủ và rất dễ bị tỉnh giấc giữa đêm. Nhiệt độ môi trường xung quanh, chăn đệm… đều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Thiếu vitamin D
Các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard đã phát hiện ra rằng, thiếu vitamin D là một trong những lí do làm suy giảm chất lượng giấc ngủ. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ của con người, từ đó ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng ta.
Vấn đề về tuyến giáp
Tuyến giáp hoạt động quá mức có thể dẫn đến tim đập nhanh, tăng lượng adrenaline tiết ra trong cơ thể, gây ra chứng mất ngủ lo âu. Bên cạnh đó, hoạt động của tuyến giáp kém làm tăng khả năng mắc chứng ngưng thở khi ngủ lên 35%.
Say rượu
Khi uống rượu, khoảng mấy tiếng đầu sau đó, cơ thể đang chuyển hóa rượu, khiến chúng ta có cảm giác buồn ngủ và ngủ rất nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này sẽ gây tỉnh giấc, có cảm giác bồn chồn vào giữa đêm, chất lượng giấc ngủ suy giảm.
Những lý do khiến bạn thường xuyên bị tỉnh giấc giữa đêm và cách để hạn chế tình trạng này.
Stress và trầm cảm
Stress làm kích thích, kéo sự chú ý của não bộ khiến cơ thể bị trằn trọc khó ngủ, ngủ rất dễ bị tỉnh giấc, dẫn đến mất ngủ.
Trầm cảm là biểu hiện của việc tăng cảm xúc tiêu cực. Bệnh nhân bị trầm cảm thường lo lắng, đánh giá thấp năng lực của bản thân, bi quan về những khó khăn xung quanh mình. Thức dậy vào giữa đêm là một triệu chứng phổ biến của bệnh nhân trầm cảm nhẹ.
Cúm mùa
Dị ứng theo mùa, cảm lạnh…có thể gây ra ngạt mũi, sổ mũi vào ban đêm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Các yếu tố khác cũng cản trở đường thở như vẹo vách ngăn mũi, polyp mũi, phì đại amidan.
THeo Trang Dung/ Người đưa tin