Tai nạn của MC Đức Bảo nhiều người gặp phải, chủ quan rất nguy hiểm

Google News

MC Đức Bảo của "Chúng tôi là chiến sĩ" bất ngờ khiến người hâm mộ lo lắng khi đăng tải hình ảnh mình đang nằm trong phòng mổ. Chấn thương của MC Đức Bảo nhiều người cũng gặp phải và thường chủ quan dẫn tới biến chứng nặng nề.

MC Đức Bảo đã phải tạm rời xa công việc để nhập viện mổ dây chằng đầu gối. Nam MC bị chấn thương từ nhiều năm trước đó trong lúc chơi thể thao nhưng đến bây giờ mới được xử lý. "Đá banh xoè rách dây chằng, 4 năm sau thì đứt hẳn, giờ đã có bộ dây chằng chéo trước mới toanh" - MC "Chúng tôi là chiến sĩ" tiết lộ.
Hiện tại, nam MC đã được về nhà để tiếp tục điều trị và phục hồi chức năng. Dự kiến sau một tháng anh sẽ đi lại bình thường.
Sau những chia sẻ của Đức Bảo, rất đông nghệ sĩ Việt và người hâm mộ đã gửi lời chúc sức khỏe đến anh. MC Đức Bảo chia sẻ: “Báo cáo cả nhà em đã được về nhà để tiếp tục điều trị và phục hồi chức năng, dự là 1 tháng nữa sẽ đi lại bình thường được, cám ơn lời chúc của tất cả mọi người ạ”.
Tai nan cua MC Duc Bao nhieu nguoi gap phai, chu quan rat nguy hiem
Hình ảnh nam MC Đức Bảo chia sẻ khi phẫu thuật dây chằng đầu gối. 
Chấn thương dây chằng đầu gối là tai nạn hay gặp phải khi chơi thể thao, nhất là trong bóng đá. Nhiều cầu thủ chỉ vì tai nạn này mà đã phải tạm nghỉ thi đấu như cầu thủ Văn Thanh, cầu thủ Tuấn Anh…
Bệnh viện Việt Đức cũng đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân bị chấn thương thể thao, tập luyện nhưng không được xử trí kịp thời dẫn đến tình trạng rất nặng. PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, chấn thương dây chằng là tai nạn phổ biến trong thể thao cũng như sinh hoạt.
Đứt dây chằng khớp gối thường xảy ra sau chấn thương, khớp gối bị sưng, đau trong vài tuần đầu sau tự giảm dần. Nhiều người bị hiện tượng này thường nghĩ chấn thương phần mềm cố gắng ở nhà xoa dầu, đắp lá. Khi thấy hết sưng, đau và có thể đi lại bình thường nên người bệnh chủ quan “để mặc tự khỏi”.
Hậu quả đáng tiếc của việc chấn thương không được xử trí kịp thời dễ để lại những biến chứng đáng tiếc như rách sụn chêm thứ phát, mòn sụn, làm giảm tuổi thọ của khớp…. Không hiếm trường hợp khi đau quá không đi lại được, bệnh nhân đến khám và có chỉ định mổ nội soi. Khi tiến hành nội soi khớp gối, các bác sỹ phát hiện khớp gối đã bị thoái hóa toàn bộ, các khớp gối lỏng lẻo như người 60-70 tuổi.
Theo các chuyên gia, khớp gối là loại khớp phức tạp, hoạt động nhờ phối hợp nhiều cấu trúc, trong đó các dây chằng trong và quanh khớp gối giữ vai trò quan trọng trong sự vận động và giữ vững khớp gối. Khi bị chấn thương dây chằng đầu gối, người bệnh sẽ cảm thấy chân yếu hoặc không thật chân khi đi lại; Không thể đi bộ nhanh được, nhất là trên mặt đường không bằng phẳng… Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến teo cơ đùi, khó khăn trong đi lại. Nguy hiểm hơn, khi khớp gối đã bị thoái hóa nặng thì không thể phẫu thuật tái tạo dây chằng và phải phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, không phải tất cả các trường hợp tổn thương dây chằng đều cần can thiệp phẫu thuật. Người bệnh khi bị chấn thương khớp gối nếu xảy ra tình trạng sưng, đau kéo dài hoặc sưng, đau gối khi vận động mạnh cần đến các bệnh viện có chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình sớm để đánh giá tổn thương và có phương pháp xử lý kịp thời. Trường hợp bị chấn thương cần điều trị khỏi hẳn mới tiếp tục chơi thể thao để tránh trường hợp chấn thương cũ chưa khỏi lại bị thêm chấn thương mới, việc tập luyện về sau cũng sẽ gặp khó khăn.
Để tránh những chấn thương khi chơi thể thao, tập luyện, mọi người cần chú ý lựa chọn môn phù hợp lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe. Với những người chơi thể thao nghiệp dư có tới 60 - 70% bị các chấn thương, nguyên nhân xuất phát từ việc khởi động không đúng cách.
Trước khi tập, mọi người cần chú ý khởi động thật kỹ, tập xong thả lỏng căng cơ. Với mỗi môn thể thao tập luyện nên trang bị đầy đủ các dụng cụ chuyên dùng phù hợp với môn đó. Không tập thể thao thời gian kéo dài và tập nặng dễ sinh quá tải dẫn đến chấn thương.
Theo P.Thuận/Giadinh.net