Chim sợ cành cong đi tìm... cành thẳng
Chị Hoàng Hải Yến (Bắc Ninh) đã qua một đời chồng và có một bé gái 6 tuổi, về với anh Nguyễn Đình Chính (Thanh Hóa), cũng có một cậu con trai 3 tuổi sau 2 năm quen biết và tìm hiểu.
Duyên phận đưa họ đến với nhau khi anh Chính đưa con trai rời quê đến làm công nhân tại công ty nơi chị Yến đang làm, không những vậy anh Chính còn ở trọ gần nhà chị Yến. Đều là những người đã từng tổn thương bởi hôn nhân tan vỡ nên chẳng dễ dàng gì để họ đủ dũng khí cho mình thêm cơ hội kiếm tìm hạnh phúc. Điều họ mong cũng chỉ là hạnh phúc đời thường với những bữa cơm rộn ràng câu chuyện, giọng ê a của cậu trai nhỏ, giọng lảnh lót của chị gái lớn tỏ vẻ biết nhiều.
|
Trong căn nhà của cặp vợ chồng mà người đời gọi bằng cái tên đầy cay đắng “rổ rá cạp lại” đã có những lúc vang lên tiếng cười đùa - ảnh minh họa. |
“Tôi lấy chồng khi mới 18 tuổi, cái tuổi ngoài yêu ra chẳng biết gì. Hai vợ chồng trẻ con về sống với nhau 10 ngày thì tới 9 ngày đánh cãi nhau. Chồng tôi khi đó hơn tôi 2 tuổi, ngoài việc suốt ngày đốt thời gian ở quán game ra thì chỉ ngủ và ăn ”, chị Yến nhớ lại.
Bế tắc, chị Yến quyết định ly hôn, chị ra khỏi nhà chồng với đứa con 2 tuổi cùng một vali hành lý không thể nhẹ hơn.
“Tôi trở về sống với mẹ đẻ, hàng ngày mẹ trông con giúp để tôi đi làm, cuộc sống ngày qua ngày cũng gọi là êm đềm. Nhưng 2 năm sau, mẹ tôi mất do mắc bệnh hiểm nghèo, tôi gặp anh Chính cũng vào thời gian này. Anh làm cùng công ty lại ở trọ ngay cạnh nhà tôi nên sáng sáng anh hay gọi tôi cùng đi làm với lý do “tiết kiệm tiền xăng” cho tôi. Rồi chúng tôi cởi mở với nhau hơn, anh thường hỏi tôi về cách chăm con, dạy con, thỉnh thoảng giúp tôi thay cái bóng điện hỏng, lau dầu cho mấy cái quạt cây,...
Tình cảm cứ thế dần nảy nở, nhưng chúng tôi đều là những người từng đổ vỡ hôn nhân, như con chim sợ cành cong, cứ rụt rè sợ tổn thương lần nữa. Được sự động viên của anh chị em cùng công ty, cuối cùng chúng tôi quyết định cùng nhau tìm hạnh phúc một lần nữa....”, chị Yến kể.
Những ngày đầu về sống chung, anh chị rất tâm đầu ý hợp, hai đứa trẻ cũng nhanh chóng quen và tíu tít chơi đùa bên nhau. Con gái chị ngoan ngoãn gọi anh là bố và con trai anh cũng chẳng ngại ngùng khi gọi chị: “Mẹ ơi!”. Chị coi con riêng của anh như con đẻ của mình và anh cũng vậy. Trong căn nhà của cặp vợ chồng mà người đời gọi bằng cái tên đầy cay đắng “rổ rá cạp lại” tối tối lại vang tiếng cười đùa.
Cùng hoàn cảnh như chị Yến, chị Khoa (Bắc Giang) đến với anh Quang (Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) khi anh đã có 2 cậu con trai riêng, đứa lớn đã 17 và đứa sau cũng đã 13. Lúc quyết định lấy anh, cả nhà anh Quang đều nhìn chị với ánh mắt ái ngại, chị gái anh nắm tay chị bảo: “Lấy Quang em sẽ khổ và vất vả lắm. Hai thằng con trai nghịch ngợm vô cùng, Quang thì không có việc làm”, thế nhưng có lẽ do chưa từng trải qua hôn nhân nên với chị, cuộc sống đôi lứa vẫn tràn màu hồng. Và bởi khi ấy chị tin, cứ cho đi yêu thương là sẽ nhận lại thương yêu.
Và những mâu thuẫn phát sinh
Sự đồng cảm vì có chung một hoàn cảnh, một nỗi niềm là chất xúc tác dẫn đến tình yêu của hai mảnh đời không còn tròn trịa. Họ đến với nhau như một sự tiếp sức mà mỗi người cần thiết trên đường đua cuộc đời. Nhưng cuộc đời lại không thẳng tắp và không hề bằng phẳng...
Mâu thuẫn bắt đầu phát sinh từ những chuyện nhỏ nhặt trong gia đình chưa kịp ấm tiếng cười hạnh phúc của vợ chồng chị Yến anh Chính. Đầu tiên chỉ là chuyện của 2 đứa trẻ. Do vẫn là trẻ con nên chơi với nhau không được hòa thuận, nhiều lần bé Nam (con trai riêng của anh Chính) dùng đồ chơi, ghế đánh vào người bé Ngọc (con riêng của chị Yến), bé Ngọc vừa khóc vừa một mực đuổi bé Nam ra khỏi nhà với lý do: “Đây là nhà chị, em và ba Chính chỉ ở nhờ thôi”.
Anh Chính nghe vậy bỏ về phòng vì tự ái, chị quay lại gắt con gái ăn nói lung tung. Từ đó bé Ngọc càng ghét bé Nam và hầu như không còn tíu tít với chồng của mẹ.
“Những ngày về nhà chơi với ba ruột và ông bà nội, không biết họ tiêm nhiễm vào đầu bé Ngọc những suy nghĩ gì mà từ đó con bé rất cứng đầu, không còn tíu tít với anh Chính và bé Nam như trước. Tôi có hỏi thì con bé bảo, ba Chính và em Nam là người xấu, rồi họ sẽ cướp mẹ của con. Họ chỉ giả vờ yêu quý con thôi, nghe con nói vậy, tôi buồn vô cùng”, chị Yến trải lòng.
Chị Yến tiếp tục câu chuyện: “Năm bé Ngọc nghỉ hè chuẩn bị lên lớp 2 tôi sinh thêm con với chồng. Bé được 1 tháng thì nhà anh Chính yêu cầu hai vợ chồng đưa các con về nhà nội vài ba tháng. Do mắc công việc nên anh Chính chỉ đưa mẹ con tôi về rồi đi ngay.
Những ngày ở nhà chồng, chứng kiến cách đối xử của mẹ chồng với con gái mà tôi đau từng khúc ruột. Một đứa trẻ chưa tròn 7 tuổi phải vo gạo nấu cơm cho cả nhà mà chưa hề được ai động viên khích lệ, cơm nhão cơm khô đều bị mắng. Mẹ chồng tôi bình thường không buồn nhìn con gái tôi nhưng khi cần gì sai vặt đều gọi tên nó. Bữa ăn thì miếng nào ngon bà gắp cho bé Nam, con gái tôi bà hầu như không đả động tới.
Bao nhiêu uất ức dồn tụ lại, tôi điện thoại tâm sự với chồng thì anh bảo tôi nhỏ nhen, con bé lớn rồi cũng phải để cho nó tập làm việc nhà. Hàng xóm sang chơi, khen tôi dịu dàng với bé Nam thì mẹ chồng tôi chép miệng: “Ôi dời, mấy đời bánh đúc có xương”, tôi ngồi trong buồng mà nước mắt rơi như mưa”.
Hết một tháng ở nhà chồng, lấy lý do cần người bế cháu, anh Chính đón mẹ lên ở cùng, và chuyện bất đồng trong gia đình cũng vì thế tăng thêm. Anh Chính cho rằng chị phân biệt đối xử, không biết điều, hay nói quá sự việc. Mẹ chồng chị thì cứ có mặt con trai là rất vồ vập bé Ngọc, nhưng cứ khuất mắt anh là bà coi con riêng của chị Yến như cái gai trong mắt.
Nhiều lần, vì xót con nên chị Yến nói với mẹ chồng: “Con không mong mẹ thương yêu bé Ngọc như bé Nam, nhưng xin mẹ, đừng đối xử quá đáng với con bé như thế, nó chỉ là một đứa trẻ, nó có tội gì đâu”, chỉ thế thôi mà bà khóc lóc rồi nói lại với anh Chính rằng chị hỗn, chị coi thường mẹ chồng, chị cậy nhà cửa là của chị nên không coi nhà chồng ra gì.
Vai gầy gánh vác
Còn chị Khoa, ngay những ngày đầu về sống với anh Quang chị đã nhận thấy hôn nhân của mình không hề bằng phẳng, mọi chuyện sẽ chẳng đơn giản như những gì chị mơ ước.
“Về với anh tôi mới thấy hết những nhọc nhằn, hai con của anh gọi tôi là dì. Anh không đi làm, chỉ suốt ngày quanh quẩn ở nhà, chán thì đi uống rượu say bí tỉ. Hai con của anh, đứa lớn nghỉ học từ sớm, chẳng chịu đi làm gì, suốt ngày chơi bời. Đứa thứ 2 cũng lười học.
Mọi gánh nặng kinh tế đổ lên đầu tôi. Với đồng lương 5 triệu đồng/tháng, tôi vừa phải lo học hành cho đứa bé, đứa lớn thỉnh thoảng lại: “Dì cho con vài đồng”, nó xin chẳng lẽ không cho. Cuộc sống thiếu trước hụt sau, đến khi tôi sinh con lại càng khó khăn gấp bội”, chị Khoa kể.
Quay đi lau vội giọt nước mắt đọng nơi khóe mắt, chị Khoa tiếp tục câu chuyện của mình: “Bé được 2 tháng tôi phải xin công ty cho đi làm sớm, giao con ở nhà cho chồng trông nom. Nhà gần công ty nên sáng tôi vắt sữa vào bình để chồng cho con ăn, trưa tranh thủ về với bé. Để con ở nhà mà tôi không thể yên tâm được, vì anh ấy nghiện rượu, say suốt.
Có lần chồng tôi đang ngồi nhậu với bạn, thằng bé khóc đòi ăn, anh ấy bực mình, ném cả chai rượu về phía cái xe nôi thằng bé đang nằm. Hàng xóm nghe tiếng trẻ khóc thét, tiếng đổ vỡ chạy sang thì tá hỏa trước cảnh mảnh thủy tinh tứ tung”.
Đến khi con trai lớn của anh Quang lấy vợ, nhưng chẳng được bao lâu, đôi vợ chồng trẻ vì bất hòa nên chia tay chóng vánh. Thêm một đứa trẻ 2 tuổi được giao vào tay chị chăm bẵm vì bố nó không kiếm ra tiền.
Cuộc hôn nhân trước tan vỡ không có nghĩa là đàn bà hay đàn ông không được quyền mưu cầu hạnh phúc nữa. Thế nhưng, chuyện tái hôn vẫn là một vấn đề nan giải với người trong cuộc khi mà họ đã có con riêng. Chị Yến, chị Khoa rồi những người chung cảnh sẽ làm gì để cân bằng cuộc sống của mình, tìm lại hạnh phúc trong cuộc hôn nhân vốn dĩ đã không dễ dàng mà có được? Những người chồng sẽ hành động ra sao?
Theo Phong Linh/ĐSPL