Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng bị cảm cúm, đau họng, có người thậm chí còn nuốt nước bọt cũng đau. Đây thực chất là do niêm mạc xung quanh thanh môn và dây thanh bị sung huyết, phù nề, biểu hiện này thường thấy rõ sau 3 đến 5 ngày mắc bệnh.
Trong số nhiều phương pháp giảm đau họng, súc miệng bằng nước muối đã được nhiều chuyên gia khuyên dùng và nhiều người cũng đã thử.
Bác sĩ Lý Tử Anh từ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Tưởng niệm Tôn Trung Sơn thuộc Đại học Tôn Trung Sơn, Trung Quốc, dựa trên kinh nghiệm của bản thân, đã đề xuất phương pháp súc miệng bằng nước muối ưu trương (natri clorua nồng độ 2,0% trở lên) để giảm đau họng nghiêm trọng, khản tiếng, khó nuốt và các triệu chứng khác.
|
Ảnh minh họa. |
Phương pháp cụ thể như sau: Cho 5-6 gam (khoảng một nắp chai bia) muối vào 250 ml nước đun sôi để nguội, sau khi hòa tan hoàn toàn thì chuẩn bị nước muối ưu trương để súc miệng, lưu ý không được nuốt. Sau khi súc miệng, hãy nhổ nước muối ra và súc miệng lại bằng nước đun sôi để nguội.
Tại sao nước muối ưu trương có thể làm giảm cảm giác khó chịu ở cổ họng?
Bác sĩ Lý Tử Anh giải thích, có ba lý do: Thứ nhất, súc miệng bằng nước muối ưu trương có thể làm giảm sự xâm nhập của vi khuẩn trong hầu họng và sự hình thành các nút nhầy, do đó nâng cao hiệu quả đào thải chất nhầy.
Thứ hai, thay đổi áp suất thẩm thấu tại chỗ, đẩy nhanh lưu lượng nước dưới niêm mạc, giảm phù nề dưới niêm mạc hầu, từ đó giảm phản ứng viêm tại chỗ giúp giảm đau họng nặng.
Thứ ba, nước muối ưu trương tạo ra môi trường kiềm trong hầu họng khiến virus RNA khó tồn tại, giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng ở hầu họng và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Nếu chúng ta đi sâu hơn một chút, súc miệng bằng nước muối không chỉ cung cấp nguyên liệu ion clo (Cl-) để cơ thể sản xuất axit hypochlorous hóa học chống vi khuẩn mà còn loại bỏ ô nhiễm vi khuẩn thông qua hành động vật lý để đạt được tác dụng vệ sinh niêm mạc dưới tác động kép của hóa học + vật lý.
So với mùi vị của nước muối ưu trương, có lẽ mọi người dễ chấp nhận hơn việc dùng nước muối sinh lý (nước muối đẳng trương) để súc miệng và lau khoang mũi. Điều này cũng giúp giảm đau họng?
|
Ảnh minh họa. |
Bác sĩ Lý Anh Tử cho biết, nước muối sinh lý có thể làm loãng đờm và có tác dụng nhất định đối với vi khuẩn trong cổ họng, do đó đóng vai trò diệt khuẩn hoặc kháng khuẩn.
Ngoài ra, nước muối sinh lý có tính kích thích nhẹ nhất đối với niêm mạc mũi, giá trị pH gần giống với giá trị dịch cơ thể người, đồng thời có thể ức chế hiệu quả tình trạng viêm nhiễm trong khoang mũi và điều hòa môi trường vi mô trong khoang mũi.
Nhưng trong việc giảm nghẹt mũi, hiệu quả của nước muối ưu trương chắc chắn cao hơn các loại nước muối khác, vì nước muối ưu trương có tác dụng khử nước cho tế bào nên có thể cải thiện đáng kể chức năng của niêm mạc mũi và lông mao, giảm phù nề niêm mạc, được dùng để nhanh chóng giảm viêm sưng, giảm triệu chứng.
Súc miệng, lau mũi bằng nước muối thế nào cho đúng?
Chuẩn bị: Nếu đang đeo khẩu trang trước khi súc miệng nước muối hoặc lau mũi, sau khi tháo khẩu trang thì rửa tay hoặc sát khuẩn tay, lau sống mũi và hai bên trước. Sau khi hoàn thành hai bước trên, hãy súc miệng hoặc lau khoang mũi.
Súc miệng: Đầu tiên ngậm 1-2 ngụm nước muối, mỗi lần súc miệng 5-10 giây rồi nhổ ra, cố gắng súc cho đến tận cổ họng. Sau đó, ngậm một ngụm nước muối trong miệng trong 1 phút trước khi nhổ ra. Bước đầu tiên là khử nhiễm vật lý và bước sau là để lại nhiều ion clorua (Cl-) hơn cho niêm mạc cục bộ.
Lau mũi: Lấy 2 chiếc tăm bông, nhúng vào nước muối ưu trương, xoay nhẹ rồi đưa vào hốc mũi, càng vào sâu càng tốt trong hốc mũi, mỗi lỗ 1 tăm bông, không dùng chéo. Có thể lặp lại 2-3 lần để đạt được hiệu quả khử trùng vật lý đồng thời để lại nhiều ion clorua (Cl-) hơn cho niêm mạc mũi.
Sử dụng nước muối ấm (30°C - 40°C) để súc miệng hoặc lau mũi để hiệu quả khử nhiễm tốt hơn. Nếu sử dụng sản phẩm bán sẵn trên thị trường, hãy làm theo hướng dẫn sử dụng.
Mời độc giả xem thêm video: Món ăn bài thuốc từ cây Sa kê (Nguồn video: Vui sống mỗi ngày)
Kiều Dụ (Theo SH)