Từ đầu năm đến nay, TP HCM ghi nhận có khoảng 6.500 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng 51% so với cùng kỳ năm 2014. Trong bốn tuần trở lại đây, số ca mắc bệnh có xu hướng tăng dần mỗi tuần, với tốc độ nhanh hơn.
|
Khoa Sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1, sáng 27/8 có đến 113 ca điều trị nội trú |
Tăng hơn 50%
Mùa dịch năm nay đến sớm hơn chín tuần so với năm 2014. Các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận ở tất cả các quận/ huyện nhưng một số quận/ huyện trọng điểm của bệnh SXH như Q.8, Tân Bình, Bình Chánh, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp đã chiếm 50% số ca mắc nhập viện của toàn thành phố.
Sáng 27/8, Khoa SXH, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 có đến 113 ca nằm điều trị nội trú; trong khi vài ngày trước chỉ 80-90 ca, còn lúc chưa vào mùa chỉ chưa đến 30 ca.
Số ca mắc SXH nhiều nên phòng bệnh được kê đến chín giường, mỗi giường hai ba trẻ nằm ghép; một số phụ huynh còn trải chiếu để con nằm dọc hành lang của khoa. Tại phòng cấp cứu của khoa có bảy bệnh nhi (BN) bị SXH nặng buộc phải truyền dịch, máu… liên tục.
Ngồi bên cạnh con, chị Hoa, mẹ bé trai L.L.T. (2,5 tuổi, tạm trú ở Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Ba ngày đầu thấy con bị sốt, không chảy mũi nên tôi không nghĩ bị SXH, chỉ ra tiệm thuốc gần nhà mua thuốc hạ sốt. Đến ngày thứ tư bé bị co giật, nôn ói, tôi đưa bé nhập viện ngay thì các bác sĩ (BS) nói bé bị SXH nặng, cần theo dõi sát”.
BV Nhi Đồng 1 đã có một ca tử vong do SXH là bé gái Tr.H.L. (11 tuổi, nhà ở Long An). BN nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, rối loạn đông máu do sốc SXH nặng.
Ngay khi nhập viện, các BS cho thở máy, truyền máu, sử dụng kháng sinh nhưng sau khoảng ba ngày điều trị, tình trạng sốc vẫn tiếp tục kéo dài và tử vong.
BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức, BV Nhi Đồng 1 cảnh báo: “Số ca SXH chuyển sang nặng không tăng nhưng mức độ nặng lại nguy hiểm hơn như: cần thở máy truyền máu, huyết tương, tiểu cầu nhiều hơn. Không chỉ có trẻ em mà số người lớn mắc SXH cũng tăng mạnh”
Cùng ngày 27/8, khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 có đến 65 trẻ đang nằm điều trị nội trú; trong đó có bốn ca đang ở giai đoạn nặng như: sốc sâu, xuất huyết nhiều, tổn thương đa cơ quan do suy gan, suy thận… Từ đầu mùa dịch đến nay, tại BV Nhi Đồng 2 đã có ba ca tử vong; trong đó ca gần nhất cách đây vài ngày là trường hợp của bé gái L.Q.T. (hai tuổi, nhà ở Bình Dương).
Trước đó, bé T. mắc SXH nhưng BS một phòng mạch tư cho rằng BN bị viêm đường hô hấp trên. Sau hai ngày điều trị, bệnh không giảm nên bé được người nhà đưa vào một BV địa phương; sau đó BN tiếp tục rơi vào tình trạng sốc nặng, sốc sâu và không bắt được mạch.
Lập tức, các BS BV Nhi Đồng 2 được thông báo và xuống hỗ trợ, đưa BN về điều trị nhưng cuối cùng bé T. tử vong ở ngày thứ năm mắc bệnh.
BS Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 cho biết: “Số ca SXH nhập viện tăng mạnh cách đây bốn tuần; trước đó, mỗi ngày BV chỉ có khoảng 30 ca điều trị nội trú. Nếu như năm 2014, số ca mắc SXH ít nhất so với hai năm trước đó thì năm 2015, số ca bệnh tăng mạnh.
30% ca mổ bị chẩn đoán sai
BS Nguyễn Trần Nam khuyến cáo: 30% ca mắc SXH bị bỏ sót vì BS không chẩn đoán ra bệnh dù đã khám và xét nghiệm. Bên cạnh những ca khó chẩn đoán do bệnh xuất hiện triệu chứng trễ thì nhiều trường hợp do BS phòng mạch thiếu kinh nghiệm.
Hầu hết trẻ được chẩn đoán ban đầu là viêm mũi, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phổi đơn thuần; trong đó có 15% trường hợp trẻ có kèm tiêu chảy, nôn ói nên bị nghi do rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Trẻ bị chẩn đoán sai thường mắc bệnh dưới ba ngày nên phụ huynh chủ quan, cho trẻ uống những thuốc hạ sốt thông thường, tự điều trị mà không đưa trẻ đến BV.
Vì phát hiện trễ, không điều trị kịp nên không ít trường hợp rơi vào giai đoạn sốc, điều trị rất khó khăn; nhất là trẻ nhỏ dưới một tuổi, trẻ thừa cân, béo phì hay mắc các bệnh mạn tính như thận, máu, tim mạch…
BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM khuyến cáo: chu kỳ của dịch SXH bắt đầu tăng nhanh từ tháng 6 và đạt đỉnh vào tháng 12. Hiện thành phố đang vào mùa mưa, là yếu tố thuận lợi để bệnh SXH phát triển mạnh, có khả năng gây ra dịch lớn và lan rộng.
Khi ngành y tế giám sát tại một số phường/xã đã ghi nhận bệnh SXH đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp do nhiều hộ dân vẫn dùng các vật chứa nước tồn đọng lăng quăng. Dự báo mùa mưa năm nay, bệnh SXH sẽ bùng phát thành dịch.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, trong bốn tuần qua, số ca mắc SXH tại TP HCM khoảng 1.200 ca, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ trung bình ba năm trước và đã xuất hiện những ổ dịch khu trú ở các phường/xã.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP cho biết: kết quả giám sát sáu tháng đầu năm cho thấy, type vi-rút D1chiếm ưu thế. Dù đã nỗ lực trong kiểm soát dịch bệnh nhưng kết quả vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra, nhất là ở khía cạnh tuyên truyền diệt lăng quăng ở hộ gia đình.
Bên cạnh việc thay đổi thói quen diệt muỗi, lăng quăng, dành thời gian tổng vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm hàng tuần, người dân cần báo ngay với các cơ sở y tế của phường/ xã nếu phát hiện trong gia đình hay hàng xóm có người mắc bệnh SXH để việc dập dịch diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.
Theo Báo Phụ Nữ TP HCM