Ngày 10/7, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, trong số hơn 40.000 mũi tiêm vắc-xin ComBE Five trong năm 2018 và 2019, có 4,9% trường hợp gặp các phản ứng sau tiêm, trong đó có 2 trẻ có phản ứng nặng phải nhập viện.
Cụ thể, lúc 8h30 ngày 17/5, bé gái L.M.P.T (3 tháng tuổi), được tiêm vắc xin ComBE Five và uống vắc xin OPV lần 1 tại trạm y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Sau tiêm, bé được theo dõi tại trạm y tế 30 phút, không phát hiện bất thường, mẹ bé đưa bé ra về và được nhân viên trạm y tế hướng dẫn theo dõi, chăm sóc bé tại nhà trong 48 giờ tiếp theo.
Đến 10h50 cùng ngày (tức là khoảng 2 giờ 20 phút sau tiêm), mẹ phát hiện bé khóc thét, diễn biến tím tái, lịm người nên đã nhanh chóng đưa bé đến ngay trạm y tế.
Tại đây, bé được bác sĩ của trạm nhanh chóng khám và xử trí tiêm thuốc hồi sức cấp cứu Adrenaline theo phác đồ xử trí phản vệ của Bộ Y tế; đồng thời trạm y tế báo ngay cho Bệnh viện quận Thủ Đức điều xe cấp cứu đưa bé về tiếp tục theo dõi điều trị tại bệnh viện. Bé được xuất viện sau 2 ngày điều trị, sức khỏe ổn định.
Trường hợp thứ 2 là bé trai H. 2 tháng tuổi, tiêm vắc-xin ComBE Five và uống vắc-xin OPV lần thứ 1 tại Trạm Y tế phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú vào sáng 26/6/2019. Sau tiêm chủng, bé được theo dõi tại tram y tế 30 phút nhưng cũng không có dấu hiệu bất thường.
Đến trưa, bé có dấu hiệu khóc nấc, khó thở, da xanh tái, sau đó chuyển sang tím tại, lịm người. Bé được khẩn trương đưa trở lại Trạm Y tế sau đó chuyển lên Bệnh viện quận Tân Phú. Sau điều trị, bệnh nhi được xuất viện về nhà trong tình trạng ổn định.
Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm chủng của Sở Y tế kết luận đây là 2 trường hợp phản ứng phản vệ độ III xảy ra sau tiêm chủng vắc xin ComBE Five. Cả hai trường hợp sốc phản vệ sau tiêm ComBE Five đều được phát hiện kịp thời và được trạm y tế phường xã cấp cứu đúng phác đồ xứ trí phản vệ của Bộ Y tế.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, năm 2018, thành phố có 64.910 trẻ cần được tiêm vắc xin phòng 5 bệnh: bạch hầu; ho gà; uốn ván; viêm gan B và viêm màng não mủ do Hib. Song thống kê, chỉ có 7.322 trẻ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin ComBe Five.
Còn 6 tháng đầu năm 2019, Thành phố có 17.710 trẻ cần tiêm vắc xin 5 trong 1 và mới chỉ có 2.005 trẻ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin này. Tính chung tổng số trẻ được tiêm mũi 1, mũi 2 và đủ 3 mũi trong năm 2018 và 2019, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tiêm 40.117 mũi vắc xin ComBE Five.
Trong số hơn 40.000 mũi tiêm này có 1.975 trẻ có phản ứng sau tiêm, chiếm 4,9%, chủ yếu là các phản ứng nhẹ như sốt, quấy khóc, sưng chỗ tiêm…Tuy nhiên, có đến 95 trường hợp phải nhập viện, trong đó có 2 trường hợp có phản ứng nặng độ III sau tiêm chủng.
Trước đó, trong tháng 1/2019, Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Y tế Dự phòng đã phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 1 tổ chức 10 lớp tập huấn về “Khám, sàng lọc và theo dõi sau tiêm chủng” cho hơn 800 nhân viên y tế thực hiện tiêm chủng mở rộng tại tất cả các trạm y tế, phường xã, trung tâm y tế quận, huyện.
Sau đó, Sở Y tế cũng đã ban hành các quy định tăng cường công tác tiêm chủng an toàn và hiệu quả, chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn tiêm chủng. Công văn yêu cầu các cơ sở tiêm chủng phải phối hợp với các bệnh viện gần nhất để sẵn sàng xử lý các tình huống phản ứng nặng sau tiêm chủng.
An Lê