Sợ bệnh ung thư, nhiều chị em đòi cắt bỏ “cái ấy”

Google News

Thời gian gần đây, nhiều phụ nữ lo mình sẽ mắc bệnh ung thư nên đã đề nghị bác sĩ sớm cắt bỏ, ngực, buồng trứng để phòng ngừa. 

Cắt bỏ để thoát ám ảnh mắc ung thư
Tìm đến bác sĩ trong tâm trạng hoang mang, chị Bích Ngọc van xin bác sĩ được cắt bỏ tử cung, lý do là chị đã có hai con, thêm nữa, trước đây một năm, cô bạn thân của chị mất vì bệnh ung thư cổ tử cung. Quá lo lắng và sợ mình sẽ mắc phải căn bệnh chết người này nên cứ 6 tháng chị lại đi làm phiến đồ tế bào và soi cổ tử cung. Có người khuyên nên cắt tử cung sớm sẽ phòng ngừa ung thư cổ tử cung và buồng trứng nên chị nung nấu ý định cắt bỏ phần phụ. Còn chị Linh Nga, mới 32 tuổi, có 1 con trai, mới đây mẹ chị qua đời vì mắc ung thư cổ tử cung nên chị rất lo sợ mình sẽ sớm mắc căn bệnh này. Nghĩ đến con nên chị càng nung nấu ý định cắt bỏ hoàn toàn tử cung, buồng trứng. Thấy vợ cương quyết như vậy, anh chồng đã phải đưa vợ đến gặp chuyên gia ung thư để tư vấn. Mặc dù được bác sĩ phân tích là không cần thiết nhưng chị vẫn không tin và không từ bỏ kế hoạch của mình.
 
Cách đây không lâu, nhiều chị em xôn xao về trường hợp nữ minh tinh Hollywood Angelina Jolie đã cắt bỏ ngực sau khi mẹ đẻ của cô qua đời vì bị ung thư vú. Như có thêm động lực, không ít chị em đã học theo cô diễn viên này. Lan Khuê (35 tuổi, ở Hà Nội) có chị gái vừa qua đời vì ung thư vú và cách đây 3 năm, mẹ chị cũng khuất núi vì căn bệnh này nên chị luôn sống trong lo sợ mình sẽ mắc căn bệnh di truyền này. Chị đã chủ động gặp bác sĩ để xin được phẫu thuật cắt bỏ bộ ngực nhưng không được chấp nhận bởi chị vẫn đang khỏe mạnh bình thường, không có dấu hiệu ung thư. Chị đã chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn sang Thái Lan vừa phẫu thuật cắt bỏ ngực vừa tái tạo bộ ngực mới. Còn chị Mai Tuyết (Hải Phòng) chưa sinh con nhưng cũng vật vã đòi bác sĩ "thanh lý" bộ ngực vì sợ mắc bệnh ung thư vú giống mẹ. Chị này cho rằng, phải triệt tiêu mầm bệnh từ sớm như một cách dự phòng để mình không mắc ung thư.
Ung thư vú hiện đang trở thành loại bệnh thường gặp ở nữ giới và được dự báo có xu hướng tiếp tục gia tăng. Hà Nội và TP HCM là 2 địa phương có tỉ lệ người mắc bệnh ung thư vú cao nhất với tỉ lệ 30/100.000 người tại Hà Nội và 20/100.000 người tại TPHCM.
Không phải cứ cắt bỏ là không mắc ung thư
Ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng là căn bệnh đang phổ biến và nguy hiểm, gây tử vong cao cho phụ nữ. Rất nhiều chị em suy nghĩ cắt tử cung, buồng trứng, vú đi sẽ phòng được bệnh ung thư cổ tử cung nên đã không ngần ngại dấn thân vào một cuộc phẫu thuật đầy nguy cơ.
Có người cho rằng, nhiều chị em khi qua kỳ thai nghén cuối cùng thì tử cung trở nên vô ích, trở thành một cơ quan phát sinh nhiều triệu chứng và tiềm ẩn nguy cơ bị ung thư nên cần cắt bỏ. Thế nhưng, việc cắt bỏ tử cung sẽ để lại không ít hậu quả. Người phụ nữ sẽ mãn kinh ngay và đứng trước nguy cơ cao bị bệnh tim, viêm khớp và loãng xương. Ngoài ra, bệnh nhân sau khi bị cắt tử cung sẽ phải dùng liệu pháp hormone thay thế gần như suốt đời. Chỉ định cắt tử cung dễ dãi đã từng bị chỉ trích. Y văn cho thấy, hằng năm, ở Mỹ có khoảng 600.000 phụ nữ cắt tử cung thì có hơn 500.000 trường hợp là không cần thiết.
Với ung thư vú, theo bác sĩ Lê Hồng Quang - Phó trưởng Khoa Ngoại vú (Bệnh viện K Trung ương), có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư mà đột biến gene BRCA (gene gây ung thư vú) chỉ là một trong những căn nguyên của ung thư vú. “Bệnh viện đã từng tiến hành xét nghiệm cho gần 300 phụ nữ bị ung thư vú nhưng chỉ phát hiện 2 bệnh nhân mang gene BRCA. Điều đó cho thấy, gene BRCA cũng rất hiếm gặp”, bác sĩ Quang nói.
Bác sĩ Quang cho biết thêm: “Trên thực tế, nếu phát hiện mang gene BRCA1 và BRCA2 thì nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng có thể lên tới hơn 80%. Đây cũng là gene có khả năng di truyền từ mẹ sang con nên phụ nữ nào có mẹ hoặc chị em gái đã mắc ung thư mà phát hiện gene này thì khả năng mắc ung thư rất cao. Tuy vậy, không phải cứ mang gene là chắc chắn bị ung thư”.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Thuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện K, gene BRCA không những là gene có nguy cơ cao gây ra bệnh ung thư vú mà còn có thể gây ra ung thư buồng trứng, ung thư đại tràng nên không thể cắt toàn bộ để ngừa ung thư. Vì vậy, chị em cần cân nhắc trước khi cắt bỏ đi bộ phận của cơ thể với mục đích dự phòng mắc bệnh ung thư.
Theo GS-TS Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch Hội Phòng chống ung thư Việt Nam, những phụ nữ có người thân mang gene BRCA hoặc bản thân bị ung thư vú một bên nên tầm soát sớm để theo dõi, điều trị đúng quy trình chứ không nhất thiết phải cắt bỏ tuyến vú bởi phương pháp cắt và tạo hình ngực rất tốn kém. Ung thư vú là bệnh có khả năng điều trị và chữa khỏi cao nhất trong các loại ung thư. Nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, cơ hội chữa khỏi bệnh lên đến 90%. Để phòng ngừa ung thư, phụ nữ từ 20 tuổi trở lên nên khám vú định kỳ 6 tháng/lần và đi khám ngay khi thấy vùng vú có những biểu hiện bất thường.
Theo Lao động