Tính từ thời điểm quen, yêu và cưới, vợ chồng tôi chỉ có thời gian khoảng 6 tháng.
Tôi và anh ấy tìm hiểu về gia đình, công việc, quan điểm sống, nhận thấy hợp nhau. Anh có công việc tốt, lương ở mức khá so với mặt bằng chung. Vì vậy, tôi quyết định tiến tới hôn nhân.
Nhiều bạn bè khuyên tôi nên tìm hiểu kỹ hơn, xem chồng có nợ nần hay không. Tuy nhiên, nhìn vào cách ăn tiêu của anh, tôi không nghĩ anh là người gặp khó khăn về kinh tế.
Gia đình anh không giàu sang nhưng có của ăn của để. Anh khá chịu chi, luôn là người trả tiền trong các cuộc hẹn.
Tôi ngã ngửa vì số tiền lớn bỗng dưng "không cánh mà bay" (Ảnh minh họa: IT).
Thực tế, không hiếm cô gái sau khi cưới mới ngã ngửa chồng nợ nần khắp nơi, hai người phải cùng nhau gồng gánh. Thậm chí, nhiều cặp đôi ly hôn sau vài tháng chỉ vì những khoản nợ kiểu này.
Tôi từng gợi câu chuyện về những người nợ nần, kết hôn rồi vất vả trả nợ. Tuy nhiên, anh xua tay và khẳng định bản thân không như vậy.
Anh cho rằng, những người lâm vào cảnh nợ nần là do không biết quản lý chi tiêu, đầu tư. Anh tự nhận mình là người cẩn thận. Nghe anh nói vậy, tôi phần nào vững tâm hơn.
Sau đám cưới, số tiền, vàng mà gia đình hai bên cho xấp xỉ 500 triệu đồng, chưa kể tiền mừng của bạn bè, đồng nghiệp lên đến 300 triệu đồng. Đêm tân hôn, chúng tôi ngồi đếm hơn một tiếng mới xong.
Trước đây, tôi là đứa tiết kiệm. Nhưng vì lương không cao nên có vài chục triệu đồng "phòng thân" đã là điều hạnh phúc. Sau lễ cưới, tôi và chồng có gần một tỷ đồng, quả thực như một giấc mơ.
Sau khi tính toán, tôi mừng thầm vì từ nay đỡ "gánh nặng" về tài chính. Vợ chồng chỉ cần gửi ngân hàng số tiền này lấy lãi, góp thêm tiền lương là có thể yên tâm sinh con đẻ cái.
Mấy ngày sau, tôi giục chồng đi gửi ngân hàng, anh cứ chần chừ rồi hứa cho qua chuyện. Hai tuần sau đám cưới, tôi mở tủ lấy tiền mua tủ lạnh mới, vì tủ lạnh cũ của nhà chồng chật chội, dùng đã hơn 10 năm.
Tôi cầm cọc tiền, đếm đi đếm lại chỉ còn 300 triệu đồng. Lúc đầu, tôi cứ tưởng nhà có trộm. Tuy nhiên, đó là điều không tưởng, vì bố mẹ chồng luôn ở nhà, camera lắp từ cổng vào bên trong nên khó có người lẻn vào.
Tình cờ, tôi tìm được tờ giấy viết tay được chồng cất ở dưới cuốn sách trên giá. Trong đó có ghi rõ, chồng tôi vay nợ khoản tiền một tỷ đồng và đã thanh toán được 500 triệu đồng, còn 500 triệu đồng sẽ trả sau 6 tháng nữa. Số tiền chồng thanh toán đúng bằng số tiền mừng cưới bị mất.
Nỗi lo mà bạn bè tôi cảnh báo đã xảy ra. Trước đây, tôi không hề cảnh giác.
Tối hôm đó, tôi tra hỏi chồng về tờ giấy và số tiền đã mất. Anh thừa nhận vay mượn góp vốn làm ăn với bạn trước khi cưới tôi nửa năm, nhưng không thành công dẫn đến thua lỗ.
Anh sợ rằng, nếu nói ra số tiền đang nợ, chưa chắc tôi đồng ý cưới nên quyết định giấu kín. Thậm chí, anh còn bí mật cầm tiền đi trả nợ do sợ tôi ngăn cản. Bây giờ, tôi biết nên anh không muốn che giấu nữa.
Niềm vui có tiền làm vốn lo cho cuộc sống và con cái vừa đến chưa được bao lâu, tôi rơi vào tình trạng như người mất hồn vì 500 triệu đồng "không cánh mà bay". Anh xin lỗi, động viên tôi và hứa cố gắng làm thêm việc để kiếm tiền.
Tôi không biết nói gì, đành im lặng vì tiền đã trả nợ, không thể đòi lại. Cưới chồng xong tưởng sẽ được dựa vào chồng, nào ngờ tôi phải thêm gánh nặng trên vai để "kéo cày" trả nợ.
Sau những gì đã xảy ra, tôi có cảm giác chồng không đáng tin tưởng như bản thân nghĩ. Có lẽ nào sau này, anh sẽ bí mật làm thêm việc khác mà vợ không hay biết rồi mang hậu quả về nhà?
Theo Tuệ Minh/Dân Trí