Quan niệm "ăn gì bổ nấy" có đúng không?

Google News

Bấy lâu nay, nhiều người có quan niệm rằng: “Ăn gì bổ nấy”. Ví dụ: ăn óc thì bổ óc, hay ăn tim thì bổ tim,...Điều đó có thật sự đúng như vậy không?

Ăn gì bổ nấy có đúng không?

Đã từ lâu, rất nhiều người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác tin tưởng và truyền cho nhau quan niệm “muốn khỏe cái gì thì ăn cái nấy” hay “ăn gì bổ nấy”.

Cho nên, khi trong nhà có người bị bệnh về gan, ruột hay muốn bổ sung dinh dưỡng cho “não” của trẻ, tăng trí nhớ cho người già là các chị em lại ra chợ mua gan, ruột, não heo về nấu cho người nhà mình ăn mà không cần biết chúng có “bổ thực sự” hay không.

Theo Lương y Vũ Quốc Trung, quan niệm này cực kỳ sai lầm. Bởi gan heo chứa rất nhiều ký sinh trùng, các loại vi rút có hại, nếu cho người già, trẻ nhỏ hay phụ nữ mang thai ăn sẽ khiến sức khỏe của họ nhanh giảm sút, dễ nhiễm bệnh mà không giúp gan khỏe mạnh hơn chút nào.

Quan niem
 
Tiết nếu nấu chín thì ăn không sao nhưng nếu ăn sống sẽ dễ bị ngộ độc thực phẩm, xuất huyết, phù não, sán chui màng não… Trong Đông Y cũng không có bài thuốc hay nghiên cứu nào xác nhận tiết canh có tính mát, chữa bệnh như nhiều người vẫn lầm tin.

Các nội tạng của heo như ruột già, ruột non có chứa nhiều cholesterol và protein nên ăn nhiều món được làm từ nguyên liệu này dễ bị bệnh béo phì, gan nhiễm mỡ, gout…

Đặc biệt, ruột già, ruột non nếu không chế biến kỹ, các vi khuẩn, giun sán sẽ sống sót, di chuyển vào cơ thể và gây hại cho sức khỏe của bạn.

Nhiều người cho rằng ăn não bổ não, ăn óc để chữa bệnh đau đầu là một quan niệm sai lầm nghiêm trọng. Như đã nêu ở trên, óc chứa quá nhiều cholesterol nên ăn nhiều sẽ bị cholesterol trong máu cao dẫn đến xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính dẫn đến tăng huyết áp, mà tăng huyết áp triệu chứng chính là đau đầu cho nên càng ăn óc rất có thể đau đầu càng tăng.

Quan niệm “ăn thận bổ thận” cũng hoàn toàn không đúng, nhất là những người bị suy thận cần ăn giảm chất đạm. Quan niệm “ăn tim bổ tim” cũng vậy, người bị bệnh tim mạch thường có tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nếu cứ ăn nhiều tim sẽ làm cholesterol máu tăng cao, rất nguy hiểm.

Nếu ăn nhiều tim gây nên tình trạng protein cung cấp vượt so với nhu cầu cơ thể. Protein sẽ được chuyển thành lipit và dự trữ ở mô mỡ của cơ thể. Sử dụng thừa protein quá lâu có thể sẽ dẫn tới bệnh thừa cân, béo phì, bệnh tim mạch, ung thư đại tràng và tăng đào thải canxi. Đấy là chưa kể, tỷ lệ chất béo trong tim động vật tương đối cao sẽ làm tăng nguy cơ cao hơn trước sự chuyển hóa theo quy trình của cơ thể.

Còn chuyện ăn gan có thật sự là độc? Thật ra, gan là loại phủ tạng chứa nhiều chất đạm nhất, lại chứa nhiều vitamin A và sắt nên rất tốt cho trẻ bị thiếu máu và suy dinh dưỡng. Như vậy, ăn gan là tốt chứ không phải độc. Tuy nhiên phải chọn mua gan của những động vật không bị bệnh: gan màu đỏ sẫm tươi, không có nốt sần trên mặt gan, ấn vào bề mặt vẫn còn đàn hồi tốt, tránh mua loại có màu vàng hoặc tím sẫm, có mùi hôi.

Với chân giò, món ăn thường được “trọng dụng” khi các chị em muốn lợi sữa, chân giò có nhiều dưỡng chất như vitamin, protein, sắt, canxi… nhưng nó đồng thời có chứa nhiều chất béo.

Nếu ăn món chân giò hầm thường xuyên sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa của chị em sau khi sinh, dễ bị béo phì.

Nhiều cha mẹ thấy vỏ tôm, hải sản cứng thường nghĩ chứa nhiều canxi nên ép con ăn. Trên thực tế, nguồn canxi trong tôm tập trung ở phần thịt, chân và càng. Nếu trẻ ăn vỏ rất dễ bị hóc hoặc vỏ xay không kĩ, mắc vào miệng gây đau.

Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa non yếu của trẻ cũng sẽ phải hoạt động rất “vất vả” mới tiêu hóa được. Ngoài ra, canxi từ nước hầm xương mẹ dùng nấu cháo, quấy bột cho con cũng chứa nhiều chất béo, không nên dùng quá nhiều.

Do đó, không nên áp dụng quan niệm ăn gì bổ nấy. Thay vào đó, cần cân đối thực phẩm hợp lý, thường xuyên đổi món để bổ sung protein một cách đa dang, đóng góp vào sự chuyển hóa các chất đầy đủ, tránh quá thừa hoặc quá thiếu. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung các thực phẩm như rau xanh, hoa quả, không chỉ có mỗi thịt cá.

Hay như nhiều người thực hiện chế độ dinh dưỡng không hợp lý có thể ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển các bệnh khác như một số bệnh gan, vữa xơ động mạch, sâu răng, đái tháo đường, tăng huyết áp, giảm bớt sức đề kháng với viêm nhiễm…

Gần đây vai trò của yếu tố dinh dưỡng liên quan tới một số bệnh ung thư cũng được nhiều nghiên cứu quan tâm. Những bệnh dinh dưỡng điển hình ngày càng ít đi, trong khi đó tình trạng thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng hoặc chất dinh dưỡng đơn lẻ với các triệu chứng âm thầm kín đáo còn xảy ra.

Theo Vũ Ngọc/Khoevadep