Những bi kịch gia đình chỉ vì sinh con một bề
Câu chuyện sinh tới 8 người con chỉ để có được thằng “cu tí” nối dõi tông đường ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) là một điển hình. Bà M. (ngoài 60 tuổi) đã phải đẻ từ năm 18 tuổi cho đến khi gần 50 tuổi chỉ vì chồng là con trưởng, phải cố sinh con trai để trông nom hương hỏa cho dòng họ sau này.
Là gia đình thuần nông, miếng cơm manh áo trông cả vào mấy sào ruộng nên khi đẻ đến đứa con thứ 4, bà M. đã bắt đầu thấy sợ, dẫu ngày ấy nuôi con theo kiểu “trời sinh trời dưỡng”, không vất vả, tốn kém như bây giờ.
Thế nhưng, chồng và gia đình chồng có tư tưởng phải sinh con nối dõi nên bà M. vẫn phải đẻ tiếp đứa con thứ 5, thứ 6. Cho đến khi quá tuổi sinh nở, chồng bà mới dừng lại ở người con thứ 8 dù vẫn chưa sinh được “thằng cu”.
Suốt 20 năm ròng, 8 lần sinh nở, người phụ nữ ngoài 60 không chỉ vất vả vì liên tục mang nặng đẻ đau mà còn phải chịu sự tra tấn về tinh thần. Từ đứa con thứ 5 trở đi, bà hầu như sinh con trong nước mắt vì “tuyền đẻ ra giống cái”. Mỗi lần mang bầu là một lần bà lo sợ, chẳng may lại sinh con gái thì hứng đủ sự giày vò từ gia đình chồng.
Chồng bà vì không sinh được con trai nên chán nản lao vào rượu, hễ say sưa là chửi bới, đánh đập vợ con. Nhà 10 miệng ăn do một tay người phụ nữ “chèo chống” nên kinh tế khó khăn, con cái nheo nhóc, không được ăn học đầy đủ. 8 đứa con mà bà chỉ có thể cho 3 đứa học hết cấp 3, còn lại đều dừng ở bậc trung học.
Đến khi chồng bà qua đời do uống rượu quá nhiều, cuộc sống của bà mới đỡ khổ hơn một chút vì không bị chồng đánh đập và chửi bới là “con đàn bà không biết đẻ” nữa. Tuy thế, người phụ nữ đã lên đến chức bà ngoại hàng ngày vẫn phải tần tảo chợ búa, đồng áng kiếm tiền nuôi cô con gái út vừa bước sang lớp 9.
|
Nhiều bi kịch đã xảy ra đối với những người còn có tư tưởng lạc hậu, khát con trai… |
Tương tự, trường hợp của bà C. (Hải Dương) cũng là một bi kịch chỉ vì… cố sinh con trai.
Lấy chồng là con trưởng, bà biết rõ nhiệm vụ của mình là phải sinh con trai. Nhưng suốt 6 lần mang nặng đẻ đau bà vẫn chưa hoàn thành được nhiệm vụ đó.
37 tuổi, bà C. mang bầu người con thứ 7. Và lần này, may mắn đã mỉm cười, bà sinh hạ được một thằng cu. Cậu con trai ra đời, bà C. như trút đi gánh nặng mà theo như bà nói là đã trả được món nợ lớn cho nhà chồng.
Khó khăn lắm mới có được người nối dõi tông đường nên cậu con trai út được gia đình cưng chiều hết mực. Từ chuyện ăn mặc cho đến chuyện học hành nhất nhất đều nghe theo người con độc tôn.
Chiều quá sinh hư, cậu con trai sinh năm 1996 này nhanh quen với việc được đáp ứng mọi nhu cầu và tự ý làm mọi chuyện. Lên đến năm lớp 9, H. (tên con trai bà C.) bắt đầu biết đến điện tử, cờ bạc, rượu chè và… ma túy. Không lâu sau, H. bỏ học, sống cầu bơ, cầu bất, đi theo con đường tệ nạn.
Nhìn đứa con trai duy nhất trong nhà còm nhom vì nghiên ngập, bà C. thắt lòng. Nhà có người nghiện, của cải, vật dụng cứ “đội nón” ra đi. Chẳng những thế, gia đình bà còn chịu đủ mọi điều tiếng, sự hắt hủi của hàng xóm láng giềng, bởi cứ hễ mất đồ là họ nghi cho con trai bà lấy.
Bao năm qua, không ít lần bà C. ao ước “giá như ngày xưa không đẻ cố”. 6 cô con gái giờ đã yên bề gia thất nhưng vợ chồng bà vẫn chưa được một phút thanh thản bởi người con trai tệ nạn vẫn hàng ngày gây họa.
Luật phạt nặng khi chọn giới tính thai nhi khiến nhiều người vui mừng
Một trong những quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế (có hiệu lực từ 15/11/2020) đã quy định về xử phạt với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.
Trong đó, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi: Đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực ép buộc người khác áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
|
Khi Nghị định 117 bắt đầu có hiệu lực, đông đảo người dân tỏ ra đồng tính với luật mới này. |
Đặc biệt, phạt tiền đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi; cung cấp dụng cụ, thuốc, vật tư để có được giới tính thai nhi; nghiên cứu các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
Ngoài ra, có thể bị phạt đến 20 triệu đồng với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
Trường hợp cá nhân, cơ sở y tế hay phòng khám biết người mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lựa chọn giới tính mà vẫn thực hiện phá thai sẽ bị phạt 15-20 triệu đồng kèm theo tước giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong 6- 12 tháng.
Nghị định 117 chính thức có hiệu lực, các chuyên gia dân số kỳ vọng, khi văn bản này đi vào đời sống sẽ giúp giảm nhanh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đang đứng thứ 2 khu vực châu Á về tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh với tỉ lệ 111,5 bé trai/100 bé gái, chỉ đứng sau Trung Quốc với tỉ lệ 117-118 bé trai/100 gái. Ở Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, tỉ lệ này chỉ ở mức 110-111/100.
Tổng cục Dân số cảnh báo, nếu Việt Nam không có các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, đến 2050 sẽ có 3-4,3 triệu đàn ông không thể lấy được vợ kèm theo đó là hàng loạt hệ luỵ về xã hội.
Khi Nghị định 117 bắt đầu có hiệu lực, đông đảo người dân tỏ ra đồng tính với luật mới này. Mọi người đều hy vọng nghị định này sẽ có tác dụng giảm thiểu tình trang mất cân bằng giới tính và cải thiện sự bình đẳng giới trong xã hội.
Ngay khi biết Nghị định 117 ra đời, chị Lê Phương (30 tuổi, ở Hà Nam) mừng rỡ bày bỏ: “Thật may mắn khi có quy định mới về việc phạt nặng các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi sẽ giúp giảm thiểu tình trạng “trọng nam kinh nữ” và giúp người phụ nữ bớt những gánh nặng trong việc sinh con trai nối dõi. Tôi nghĩ rằng con cái là của trời cho, cứ để tự nhiên vẫn tốt hơn.
Đồng quan điểm với chị Phương, chị Trần Tuyết chia sẻ: “Thời buổi này chỉ cần sinh được đứa con khỏe mạnh thông minh là điều may mắn lắm rồi. Với tỷ lệ vô sinh ngày càng cao hiện nay, chúng ta càng nên quý trọng việc mang thai dù là trai hay gái. Còn hành động siêu âm hay phá thai để lựa chọn giới tính của đứa trẻ thực sự là việc thất đức, tôi nghĩ cần phải phạt thật nặng”.
Cũng về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Khiêm (Hà Nội) cho biết: “Là bố của hai cô công chúa xinh đẹp nhưng tôi chưa bao giờ có ý định ép vợ sinh thêm con trai hay muốn can thiệp để lựa chọn giới tính của các con. Đối với tôi, việc có hai đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn và khỏe mạnh là niềm hạnh phúc lớn lao. Thực sự, hai con gái tôi rất tình cảm và quan tâm tới bố mẹ. Hai vợ chồng tôi sẽ cố gắng nuôi các con trưởng thành rồi sau đó hưởng thụ tuổi già cùng nhau”.
Thảo Nguyên