Glysophate đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (một nhánh của WHO) xếp vào loại chất gây ung thư. Tuy nhiên, hóa chất này tiếp tục xuất hiện trong thực phẩm ở Mỹ.
Một nghiên cứu mới tiết lộ, ít nhất 21 loại ngũ cốc, thanh đồ ăn nhẹ và các loại hạt tổng hợp do Cheerios, Nature Valley và Fiber One sản xuất có chứa Glysophate.
|
Honey Nut Cheerios là một trong số 21 loại ngũ cốc được tìm thấy có chứa glysophate. Ảnh: Dailymail |
Các nhà khoa học thuộc Nhóm công tác môi trường (EWG) đã tìm thấy thành phần trong ngũ cốc làm từ yến mạch do General Mill và Fiber One sản xuất ở mức cao hơn mức mà Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) cho là an toàn.
Glysophate từ lâu đã được sử dụng cho việc trồng một số cây trồng rộng rãi nhất ở Mỹ như ngô và đậu nành. Các nhóm bảo vệ người tiêu dùng đã cố gắng loại bỏ hoàn toàn hóa chất này.
Trong danh sách sản phẩm bị nhiễm loại hóa chất Glysophate có Honey Nut Cheerios - một loại ngũ cốc rất phổ biến ở Mỹ. Glysophate đã là chủ đề của một số vụ kiện. Cho đến nay, các tòa án ở California đã trao tổng cộng hơn 2,2 tỷ đô la cho ba nguyên đơn trong các vụ kiện đó.
Trẻ em sử dụng ngũ cốc rất nhiều và khả năng phơi nhiễm hóa chất này rất lớn. Nhóm nghiên cứu EWG cho hay: "Cách duy nhất để nhanh chóng loại bỏ loại chất diệt cỏ dại gây ung thư này khỏi thực phẩm dành cho trẻ em là các công ty như General Mills và Quaker sử dụng yến mạch từ những người nông dân không sử dụng Glyphosate".
Trước đó, Glyphosate là hoạt chất đã bị tòa án tại Mỹ lần thứ 2 đưa ra phán quyết là thủ phạm gây ung thư cho một người làm vườn ở Mỹ sau quá trình dài sử dụng một loại thuốc trừ cỏ do Tập đoàn Monsanto sản xuất có chứa hoạt chất Glyphosate.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ) vừa cho biết, chất Glyphosate rất phổ biến trong thuốc diệt cỏ làm tăng 41% nguy cơ mắc ung thư ở người.
Hóa chất này cũng là tâm điểm của nhiều vụ kiện, bao gồm hàng ngàn đơn kiện Monsanto, hãng hóa chất Mỹ từng cung cấp chất độc da cam (dioxin) cho quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam. Monsanto hiện đã được hãng Bayer của Đức mua lại.
Theo Thanh Vân/VietQ