Một bà mẹ chồng sống ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã nghỉ hưu. Lương hưu tổng cộng của hai ông bà cũng được một khoản kha khá nên tuổi già vui thú điền viên, cùng nhau đi du lịch, ăn uống, thưởng ngoạn cảnh đẹp quê hương. Nhưng từ khi con trai lấy vợ thì mâu thuẫn ập đến.
Đôi vợ chồng già không hài lòng lắm về cô con dâu mà con trai họ tìm được bởi ông bà thông gia hầu như không có thu nhập, con dâu họ còn một người em trai. Nhưng con trai quyết lấy nên hai ông bà cũng đành nhượng bộ.
Một năm sau, con dâu có thai và sinh được một bé trai. Dù có không ưng con dâu thế nào đi chăng nữa thì ông bà vẫn rất thương cháu, cho cháu một khoản tiền và thường xuyên đến phụ giúp. Con dâu gần hết thời gian nghỉ sinh, sắp đi làm trở lại nên ngỏ ý muốn nhờ ông bà chăm sóc cháu.
Mẹ chồng là người rất hiện đại, bà thích cháu nhưng không muốn ôm đồm chăm cháu vì như vậy tuổi già của ông bà lại trở nên vất vả. Ngại nảy sinh mâu thuẫn với các con vì cháu nên mẹ chồng đưa ra 3 điều kiện với con dâu, bà sẽ đến giúp chăm cháu ngay lập tức nếu con dâu đồng ý:
- Tiền sinh hoạt gia đình hàng tháng khoảng 4.000 tệ (hơn 14 triệu VND), bố mẹ chồng sẽ góp với con dâu 2.000 nhân dân tệ (khoảng 7 triệu đồng) và con dâu sẽ trả 2.000 nhân dân tệ. Vì tiền của con trai phải trả nợ thế chấp, mua xe nên 2.000 tệ này con dâu phải trả từ tiền lương của mình chứ không phải tiền của chồng.
- Hai ông bà cũng cần được nghỉ ngơi, vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.
- Bố mẹ ở đây để giúp chăm cháu chứ không phải người trông trẻ nhận lương, nên cơm 3 bữa cho gia đình ông bà có thể lo, song nếu con dâu tan làm sớm hoặc không đi làm thì nên chủ động giúp việc nhà, đừng xem bố mẹ chồng như người giúp việc.
Con dâu vừa nghe mặt đã đổi sắc. Cô ấy hét lên: "Bố mẹ đừng đi quá xa!".
|
Con dâu tham lam vừa muốn bố mẹ chồng trông cháu vừa muốn được cầm tiền khiến mẹ chồng ngán ngẩm. Ảnh minh họa
|
Con dâu đưa ra lý do là lương hưu của bố mẹ chồng hàng tháng không hề nhỏ, ông bà lại có cả tiền tiết kiệm. Tiền không thiếu mà về già có tiêu được bao nhiêu. Trong khi cô đi làm mỗi tháng chỉ có 7.000 tệ (khoảng 25 triệu đồng), cần được bù cho chứ sao lại phải chi ra 2000 tệ?
Ngoài điểm không thể chấp nhận nhất này, con dâu cũng cho biết cô đã rất mệt mỏi sau khi đi làm cả tuần, lại còn phải trông con tiếp 2 ngày cuối tuần để cho ông bà nghỉ ngơi, thư giãn có phải là phản khoa học hay không.
Thấy con dâu không đồng ý, mẹ chồng đưa ra gợi ý khác là ông bà sẽ bỏ tiền thuê bảo mẫu giúp trông cháu cho đến khi cháu đi học. Tuy nhiên, bảo mẫu do ông bà tìm nên họ có quyền quản lý và trả lương. Kế hoạch này có vẻ tốt cho tất cả mọi người: Em bé được chăm sóc, ông bà không quá vất vả, con dâu cũng không cần lấy tiền nữa.
Không ngờ, con dâu nghe xong vẫn không hài lòng. Thì ra con dâu có kế hoạch riêng. Cô ấy không muốn chi ra 2000 tệ vì vẫn lén đưa mẹ mỗi tháng 2500 tệ (gần 9 triệu VND) để dành dụm cho em trai mua nhà. Nếu phải chi tiền thì cô ấy không còn tiền đưa về cho em trai nữa. Phương án ông bà thuê giúp việc, ông bà quản lý và trả lương thẳng cho giúp việc cũng không được vì cô ấy không được cầm tiền, lại vẫn phải lo sinh hoạt phí cho cả nhà.
Cộng đồng mạng sau khi đọc hết câu chuyện của bà mẹ chồng Thượng Hải thì đã cho rằng con dâu chưa hợp lý.
Thứ nhất, lương hưu của bố mẹ chồng cao đến đâu không cần biết, nhưng đó là tiền của riêng nên họ có quyền chi tiêu theo ý muốn, hoặc giữ lại cũng là quyền của họ. Thật vô lý khi đôi vợ chồng già đã vất vả gần hết cuộc đời lại phải dành tiền tiết kiệm của mình lo cho tổ ấm nhỏ của con trai và con dâu.
Đối với gia đình nhà ngoại, cô ấy có thể giúp đỡ nhưng phải vừa theo sức của mình và không ảnh hưởng đến khả năng nuôi con, chăm lo cho gia đình riêng của cô ấy. Nếu là một người chị tốt, cô ấy nên khuyến khích em trai mình tự lực cánh sinh, tự phấn đấu mua nhà mới, chứ không nên trông chờ hoàn toàn vào bố mẹ và chị để có được tài sản của riêng mình.
Hôn nhân muốn bền vững phải 'môn đăng hộ đối'?
Nói đến "môn đăng hộ đối", người ta thường liên tưởng đến thời phong kiến xa xưa, khi mà hôn nhân coi trọng việc gia đình bên nam và bên nữ phải tương xứng nhau về giai cấp, tài sản, địa vị xã hội.
Đến hiện tại, tưởng như không còn quan niệm này, nhưng khi mà nam nữ bình đẳng, được tự do yêu nhau và kết hôn, một số người trong cuộc đã nhận ra rằng một cuộc hôn nhân bền vững, hòa hợp ít ra cũng có yếu tố cấu thành của "môn đăng hộ đối". Có đúng như vậy không?
|
Có thể nói rằng, môn đăng hộ đối không hẳn là quan niệm xấu. Nó là lăng kính để chọn lựa tình yêu, bỏ qua những tình yêu sét đánh, chớp nhoáng. Ảnh minh họa
|
Trong một cuộc khảo sát lớn mang tên "Khảo sát về các quan hệ và hôn nhân ở Trung Quốc" do các phương tiện truyền thông khắp nước này thực hiện, đã có 21.694 người độc thân Trung Quốc, độ tuổi từ 23-35 được hỏi trong khoảng thời gian 1 tháng khảo sát, trong số đó 2/3 là nữ.
Kết quả cho thấy những người độc thân này đang ngày càng quay về cách tiếp cận truyền thống với hôn nhân, từ chuyện thông qua mai mối cho đến cân đo xem đối tượng có "môn đăng hộ đối" với mình trên phương diện tiêu chuẩn xã hội hay không.
Hơn 60% người độc thân được hỏi cho biết họ tin rằng "môn đăng hộ đối," tương xứng về mặt xã hội là một yếu tố quan trọng trong việc tìm ý trung nhân. Nhóm này viện dẫn kinh nghiệm xã hội, nền tảng gia đình là có lợi cho một cuộc hôn nhân thành công.
Thái Khang Vĩnh – MC truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc trong chương trình "Khang Hy đến rồi" từng nói: "Môn đăng hộ đối theo quan điểm cá nhân tôi phải là sự cân bằng về trình độ văn hóa cũng như hoàn cảnh sống của hai con người. Hoàn cảnh sống không giống nhau sẽ có thế giới quan khác nhau. Nếu hai người có khoảng cách lớn giữa ba sự tương đồng, dù họ yêu nhau nhiều đến đâu, cuối cùng sẽ gặp rất nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống thực".
Nam MC kỳ cựu này lấy ví dụ, người vợ muốn đi xem một bộ phim, nhưng chồng lại gạt đi "Tại sao lại phải tiêu số tiền đó trong khi có thể xem video ở nhà". Hay như bạn muốn theo học một lớp tiếng Anh, chồng lại quát "Chẳng học được gì ở những lớp xô bồ như vậy đâu". Bạn muốn có những chuyến đi kỷ niệm lãng mạn, nhưng vợ lại cho rằng việc làm đó quá lãng phí...
"Trong hôn nhân không chỉ có trăng sao, hoa lá trên trời mà còn là dầu, mắm muối của thực tế. Nếu bạn muốn nhìn thấy nhau trong những vấn đề tầm thường này, bạn phải chọn những người có giá trị tương tự như mình", Thái Khang Vĩnh nói.
"Người ta yêu nhau bởi năm giác quan, nhưng sống với nhau nhờ ba điều tương đồng: tri thức, kinh tế và tình yêu thương của gia đình", ông Tạ Phúc Chiêm, giáo sư Viện khoa học xã hội Trung Quốc khẳng định, đồng thời nhấn mạnh "Trong chuyện cổ tích, chưa bao giờ người ta nhắc tới việc sau khi kết hôn với hoàng tử, Lọ Lem sống có thực sự hạnh phúc hay không? Cũng không ai đưa ra một ví dụ cụ thể về việc một thiên kim tiểu thư nhà giàu có thực sự hòa hợp với một ông chồng xuất thân từ gia đình nghèo hay không?".
Có thể nói rằng, môn đăng hộ đối không hẳn là quan niệm xấu. Nó là lăng kính để chọn lựa tình yêu, bỏ qua những tình yêu sét đánh, chớp nhoáng.
Nó hứa hẹn cân bằng không chỉ ở xuất phát điểm, kinh tế, văn hóa, đẳng cấp mà còn ở tính cách, nhu cầu giao tiếp… Sự xuất thân tương thích làm các cặp đôi dễ đồng điệu hơn trong việc nắm bắt được nhau.
Tuy nhiên, sự cân nhắc, tính toán chỉ nên nằm ở một mức độ nhất định, như hình thức bổ trợ, tìm kiếm bạn đời. Điều quan trọng nhất của một cuộc hôn nhân bền vững vẫn phải xuất phát từ tình yêu thương, bao dung và thấu hiểu của mỗi người dành cho nhau.
Theo Thư Di/Gia đình & Xã hội