Ẩm thực Nhật Bản trở nên phổ biến trên toàn thế giới nhờ nét đặc trưng của hương vị và nguyên liệu được sử dụng một cách độc đáo. Trong đó, món ăn nổi tiếng hàng đầu và trở thành biểu tượng khi nhắc về xứ sở Phù Tang là sushi.
Sushi có nhiều loại khác nhau, thực khách có thể thưởng thức món ăn này như món khai vị hay món chính. Thực đơn của nhà hàng sushi phục vụ một loạt kiểu sushi có hình dạng và nguyên liệu phong phú. Với những thực khách chưa quen, việc gọi món có thể gây bối rối.
Sushi nói chung
Trái với suy nghĩ của nhiều người, điểm đặc trưng của sushi không phải là cá. Thay vào đó, từ "sushi" dùng để mô tả cách chế biến phần cơm được sử dụng để làm sushi.
Bất kỳ sự kết hợp các thành phần nào với cơm trộn giấm và được phục vụ thành những miếng vừa ăn đều được coi là sushi.
Cơm trong sushi được nấu từ một loại gạo hạt ngắn sau đó trộn với giấm. Món cơm này có hương vị độc đáo và có độ kết dính tốt, giúp dễ dàng tạo hình cho sushi. Thành phần khác của món ăn thường là rong biển và cá sống, bên cạnh đó cũng có các loại hải sản được nấu chín như tôm, lươn, bạch tuộc... Ngoài ra, các loại thịt, trứng và rau củ quả như dưa chuột, quả bơ... cũng được sử dụng.
Sushi được chia thành 2 loại cơ bản: maki dạng cuộn và nigiri được làm theo miếng. Sự khác nhau chủ yếu ở cách chuẩn bị và trình bày.
Maki sushi
Maki là loại sushi truyền thống quen thuộc nhất. Với loại sushi này, cá, rau và cơm được xếp chồng lên nhau rồi cuộn lại trong một lá rong biển, sau đó cắt thành từng miếng tròn vừa ăn.
Nigiri sushi
Nigiri sushi không cuộn như maki. Thay vào đó, một lát mỏng cá sống hoặc nấu chín được xếp trên miếng cơm. Trong tiếng Nhật, từ "nigiri" có nghĩa "hai ngón tay", dùng để chỉ kích thước của phần cơm.
Phân biệt Maki và Nigiri
Thành phần chính
Maki: Một cuộn maki sushi sẽ thường có cơm trộn giấm, cá, rau, lá rong biển và các thành phần khác. Bên ngoài có thể rắc thêm trứng cá, hạt mè...
Nigiri: Nigiri thường được phục vụ như một loại sushi không có lá rong biển, với sự kết hợp cơm trộn giấm và cá là phổ biến nhất.
Một lát cá sống mỏng, như cá hồi hay cá ngừ, là topping chuẩn cho nigiri. Chỉ những loại cá đặc biệt, được đảm bảo chất lượng an toàn để ăn mà không cần nấu chín, mới được sử dụng cho món ăn này. Tuy nhiên, đầu bếp cũng có thể sử dụng các loại thực phẩm khác và đôi khi một số loại nigiri cũng được ăn kèm với rong biển khô.
Cách sử dụng cơm
Cách chế biến cơm trộn giấm trong nigiri khác với maki. Cơm trong maki được cuộn lại, trong khi với nigiri, cơm được ép bằng tay. Các đầu bếp làm sushi thường sử dụng ngón trỏ để ấn tạo hình cho miếng cơm.
Hình thức
Maki: Món sushi này có hình thức quen thuộc là các cuộn hình trụ được cắt thành những miếng tròn. Trong đó, loại cơ bản nhất là cơm cuộn trong lá rong biển khô. Bên cạnh đó, maki sushi có một biến thể được gọi là uramaki, dạng sushi cuộn với lớp cơm ở bên ngoài.
Nigiri: Những miếng nigiri có hình bầu dục với lát cá sống đặt trên một phần cơm hình chữ nhật có kích thước vừa ăn. Một số loại nigiri có thể thêm chút wasabi để kết dính giữa cá và cơm hoặc có thể dùng một miếng rong biển khô để buộc lại.
Cách thưởng thức
Hầu hết người Nhật ăn sushi bằng tay, đặc biệt với nigiri sushi (những miếng chỉ gồm thịt/cá bên trên cơm). Thực khách có thể thưởng thức các loại sushi cùng gia vị đi kèm như gừng ngâm chua, mù tạt và nước tương.
Đối tượng thực khách
Maki: Maki sushi còn được gọi là sushi dành cho người mới bắt đầu vì đây không chỉ là món phổ biến nhất mà còn là món khá "lành". Nếu muốn thử ăn sushi nhưng không thích cá sống, thực khách có thể lựa chọn những cuộn maki với thành phần đều được nấu chín hoặc nguyên liệu chay như bơ, dưa chuột.
Nigiri: Mặt khác, nigiri sushi dành cho những người sành ăn và quen thuộc với món sushi truyền thống. Khi ăn, thực khách có thể cảm nhận hương vị tươi ngon của hải sản chất lượng cao.
Theo Uyên Hoàng / Khoevadep