Hết hứng thú cải thiện mối quan hệ vợ chồng
Phương Thảo ở Hà Đông kể rằng, vợ chồng cô quen biết nhau 4 năm rồi mới tiến đến đám cưới. Chồng hơn vợ một tuổi và đều tốt nghiệp đại học. Trong thời gian 3 năm quen và yêu nhau, có một lần chồng Thảo xưng “mày- tao” vì lúc ấy Thảo cho anh ta “leo cây” rồi đi chơi với nhóm bạn về khuya. Vì nghĩ mình có lỗi nên mặc dù cảm thấy rất tổn thương, Thảo cũng đã bỏ qua và hai người tiếp tục yêu nhau. Thảo cũng nói rõ với người yêu là mình không chấp nhận cách xưng hô như vậy, vì đó là một sự sỉ nhục đối với Thảo. Thảo chưa bao giờ xưng hô với ai theo cách đó. Nếu ra đường có bực bội với ai thì cũng chỉ xưng “tôi - anh”, “tôi - chị” là hết mức. Còn việc xưng hô “mày- tao” là đã vượt qua giới hạn của sự tôn trọng. Cô không chấp nhận xảy ra lần thứ hai. Một năm sau đó họ tổ chức đám cưới.
Thế nhưng từ khi lấy nhau, chồng Thảo không hề thực hiện điều cam kết với Thảo về cách xưng hô đó nữa. Cứ động chuyện gì không hài lòng là chồng Thảo lại xưng hô “tao- mày” với vợ. Cũng vì cách xưng hô này mà Thảo rơi vào trạng thái trầm cảm, stress nặng. Khi đời sống tinh thần của Thảo ngày càng tệ đi thì cách ứng xử của chồng Thảo với vợ cũng trở nên tệ hại hơn bao giờ hết. Anh ta dùng những ngôn từ thô tục bẩn thỉu để gắn mẹ, gắn cha vào để chửi búa xua. Mặc dù Thảo đã cố gắng thay đổi bản thân rất nhiều nhưng chồng Thảo dường như càng ngày càng tệ hơn trong ứng xử. Chỉ cần một chuyện vô cùng nhỏ là chồng Thảo sẵn sàng văng tục với vợ. Ví như có một chuyện rất nhỏ là khi chồng Thảo hỏi cô về chiếc bấm móng tay. Thấy chồng hỏi, Thảo trả lời rất nhẹ nhàng là “Hôm trước anh vừa bấm xong mà. Anh thử nhớ lại xem chứ em chưa dùng”. Chuyện chỉ có thế mà chồng Thảo quay sang chửi “tao hỏi, biết thì trả lời, không thì im mẹ mồm mày đi”. Cứ khoảng 2-3 ngày thì chồng Thảo lại chửi Thảo một lần như vậy. Nhiều khi hỏi han để thể hiện quan tâm đến chồng, Thảo cũng bị anh ta nói những câu thô bỉ và xúc phạm vợ.
Lạt mềm mãi vẫn không “buộc”, không thay đổi được chồng; Thảo liền quay sang lấy “độc trị độc”. Mặc dù chưa bao giờ mày tao chi tớ với ai nhưng Thảo đã phải xưng “mày- tao” với chồng. Trước khi xưng hô theo cách đó, Thảo đã thông báo trước là: “Nếu đã là vợ chồng thì sẽ phải xưng hô giống nhau. Nếu anh thích cách xưng hô “mày –tao” như thế thì bắt đầu từ hôm nay, em sẽ chiều anh. Anh xưng “mày –tao” được thì em cũng xưng được. Anh chửi em được thì em cũng chửi anh được”.
Kể từ hôm đó, khi nào mà chồng thảo “mày- tao” thì ngay lập tức Thảo cũng “mày- tao” lại khiến xung đột trong gia đình trước đã căng thẳng, nay lại càng dễ bùng phát hơn.
Cũng là chuyện vợ chồng xưng hô “mày- tao” nhưng trường hợp của Duyên ở quận Hoàng Mai, Hà Nội lại diễn biến theo một cách khác. Lần đầu tiên vợ chồng Duyên xảy ra “hỗn chiến” cũng bởi vì trong khi cãi nhau, chồng Duyên bỗng dưng xưng “mày- tao” với cô. Ngay lúc đó, Duyên cũng đáp trả chồng bằng cách xưng hô “mày- tao” lại với chồng. Khi nghe thấy vợ xưng “mày - tao” với mình, chồng Duyên trợn mắt lên và nói rằng Duyên láo. Chồng Duyên còn súyt tát vợ vì dám xưng hô “láo” với chồng. Duyên kể rằng, từ ngày vợ chồng cãi nhau, chồng xưng hô “mày- tao” là cô cảm thấy tình cảm cứ nhạt dần đi. Mới cưới nhau được vài năm mà bao nhiêu sự thắm thiết đã không cánh mà bay. Nhiều khi Duyên thấy lo ngại cho đời sống tình cảm vợ chồng và hạnh phúc gia đình, nhưng cứ nghĩ đến việc chồng tao tao, mày mày là cô không còn hứng thú đâu để “cải thiện” mối quan hệ.
Vết đen trong tim khó xóa
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài Tư vấn tâm lý tình cảm 1088, Hà Nội, những lúc bình thường, vợ chồng có thể xưng hô là anh em, là bố nó mẹ nó, là ông xã bà xã, là cậu và tớ...Nhưng khi cãi nhau, nhiều người đã để cho cảm xúc nóng giận điều khiển dẫn đến nói ra những lời không hay ho và xưng hô với nhau như hai kẻ thù. Tuy nhiên, nếu một người có văn hóa, họ sẽ vẫn giữ được giới hạn trong ngôn từ xưng hô giữa vợ và chồng. Dù có bực đến cỡ nào thì họ vẫn biết giới hạn văn hóa có thể chấp nhận được đó là xưng anh - tôi, cô - tôi. Còn việc vợ chồng xưng hô “mày- tao” được coi là cách xưng hô vượt qua giới hạn cho phép trong mối quan hệ vợ chồng, ngoại trừ cách xưng hô “mày - tao” theo kiểu nói chuyện bình thường của người dân tộc.
Theo các chuyên gia tâm lý, có đến 99% người vợ hoặc người chồng cho rằng bản thân cảm thấy bị tổn thương khi bị người bạn đời từng đầu gối tay ấp gọi mình là “mày” xưng “tao”. Nhiều người còn tỏ ra không thể tha thứ cho việc “nhỡ miệng” này của người bạn đời. Họ cho rằng việc xưng hô đó thể hiện sự thiếu tôn trọng, thiếu tình yêu và như vậy thì rất nên... chia tay.
Bởi vậy, các chuyên gia tâm lý cho rằng, khi cãi nhau vì bất cứ lý do gì, bất kể là ai đúng, ai sai thì vợ chồng cũng không nên xưng hô “mày - tao” với nhau. Cách xưng hô mày tao sẽ khiến cả hai cảm thấy mình bị coi thường, cảm thấy không được tôn trọng. Chính những cảm xúc đó sẽ đẩy mâu thuẫn của vợ chồng lên cao. Và ngay cả khi xung đột đã được giải quyết, hai vợ chồng đã “làm lành” với nhau thì sự thiếu tôn trọng nhau trong cách xưng hô trước đó vẫn hằn sâu trong tim như vết mực trên tờ giấy trắng. Chưa kể, việc xưng hô “mày- tao” mỗi khi cãi nhau sẽ biến thành thói quen, và cứ như vậy sẽ khiến vợ chồng trở nên coi thường nhau thực sự. Bởi một trong những nguyên tắc để tránh xung đột kéo dài trong đời sống hôn nhân đó là thể hiện sự tôn trọng nhau trong cách xưng hô giữa vợ và chồng.
Việc xưng hô “mày - tao”, dù là vô tình hay cố ý cũng ít nhiều gây ra khoảng cách trong hôn nhân. Mà khoảng cách lại gây ra rất nhiều tác hại khác như: vợ chồng không còn hứng thú với nhau, chán nản, mệt mỏi, buồn phiền dẫn đến xu hướng tìm niềm vui mới bên ngoài...
Theo Ngân Khánh/Dân Việt