Những số liệu thống kê gần đây cho thấy không chỉ trên thế giới mà tại Việt Nam, số lượng mâu thuẫn gia đình, ly hôn tăng đáng kể do tình trạng các thành viên ở nhà nhiều trong thời gian cách ly xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh gam màu ảm đạm ấy vẫn không ít cặp vợ chồng khẳng định ngược lại. Nhờ có thời gian nhà bên nhau nhiều hơn trước đây, có điều kiện tương tác nhiều trong ngày giúp họ hiểu nhau hơn, dễ chia sẻ. cảm thông nhau hơn. Con trẻ cũng là chiếc cầu nối quan trọng giữa vợ chồng trong thời gian ở nhà mùa dịch.
Thường ngày khi chưa có dịch, anh Hòa ở Q.9, TPHCM dậy khá sớm để tranh thủ đưa con lớn đến trường rồi tới thẳng công ty làm việc. Anh làm trưởng bộ phận hành chính cho nên yêu cầu về giờ giấc cũng khá khắt khe. Vào tới cơ quan thì công việc lu bù, giải quyết bao nhiêu việc tới tận sập tối mới về đến nhà. Loay hoay một chút rồi dùng cơm với vợ con. Hôm ngơi việc thì cơm nước xong tranh thủ nghỉ ngơi, không thì lại tranh thủ lên máy làm nốt chút công việc chưa hoàn thành ở cơ quan.
Bận rộn với bao việc chuyên môn, anh Hòa chỉ biết sau khi mình đi làm thì vợ chăm cho bé nhỏ được hơn 1 tuổi và lo việc nhà. Vợ anh vốn là nhân viên thu ngân ở siêu thị, từ khi gia đình chuyển nhà xa trung tâm thì tạm thời xin nghỉ làm có điều kiện chăm sóc, đón con đi học về. Đôi lúc mệt mỏi với công việc, về đến nhà mà thấy vợ cũng hay tỏ ra bực dọc, cáu kỉnh vì những chuyện cỏn con, anh Hòa lại phản ứng khiến vợ chồng cãi vã.
Để bảo vệ lý lẽ của mình, một trong những câu anh hay bộc phát nói ra là: "Làm việc nhà thôi, có gì mà cứ căng thẳng vậy?". Thế là khẩu chiến càng "dữ dội" hơn.
|
Những việc không tên, "mầm móng" mang lại căng thẳng vợ chồng nếu thiếu sự thông cảm. |
Một hoàn cảnh cũng tương tự đối với chị Hạnh, nhưng vị trí ngược lại. Chị là một giảng viên đại học với lịch dạy ở trường và thỉnh giảng khá dày. May mắn có được người chồng rất biết chia sẻ, do công việc ở công sở ít hơn nên anh "tình nguyện" làm tất cả mọi việc nhà, từ bếp núc, chăm sóc con cái để chị Hạnh còn có thêm thời gian học lấy bằng tiến sĩ.
Nhưng thay vì cảm thông sự sẻ chia của chồng, chị Hạnh luôn thấy việc làm, việc học của mình mới là căng thẳng, luôn "so bì" rằng chồng lo việc nhà vẫn là …"sung sướng" mỗi khi mâu thuẫn vợ chồng.
Đây là tình trạng thường xảy ra nếu gia đình giữa 2 vợ chồng chỉ có 1 người bận rộn việc xã hội. Do mỗi người một việc, ở nơi chốn khác nhau trong ngày nên người hướng ngoại ít biết được rằng đối tác ở nhà với bao việc không tên thì không nhàn và dễ chịu chút nào. Mùa dịch ở nhà là cơ hội để "2 bên" hiểu nhau hơn.
Anh Hòa, cho biết: "Gần đây toàn ở nhà, không còn quá bận việc vì hoạt động sản xuất, công ty cũng tạm ngưng, bắt tay phụ vợ một số việc nhà thì mới biết thương vợ, mới thấy thời gian ở nhà là cực không kém".
Anh cho biết, có mỗi việc giúp vợ khênh sọt đồ to vừa giặt xong ra giũ từng cái áo, cái quần phơi lên dưới nắng nóng thì đã biết vất vả hay không. Rồi nhà vốn gần đường lớn, xe chạy liên tục nên vừa lau nhà, bàn ghế xong thì lại bám bụi đầy, mà trước đây anh về thì chỉ thấy nhà luôn sạch sẽ. Anh Hòa nói: "Nhờ ở nhà với vợ nhiều mới biết mình cực bao nhiêu thì vợ cũng chả kém, nên tôi lập tức bỏ ngay những suy nghĩ so sánh ấu trĩ trước đây".
|
Diễn viên Huỳnh Đông tranh thủ thời gian ở nhà ship hàng cho vợ. |
Diễn viên Huỳnh Đông cũng có những chia sẻ tương tự. Trước đây, anh thường xuyên đi đóng phim, vợ là Á hậu PNVN Qua Ảnh Ái Châu. Từ khi sinh con, Ái Châu quyết định ở nhà để có thời gian lo cho con, lo việc nội trợ, đồng thời bán thêm các loại nước trái cây, thức ăn qua mạng.
Mặc dù thuộc tuýp người ngoài công việc chính cũng thường xuyên chia sẻ việc nhà với vợ bất cứ lúc nào nhưng Huỳnh Đông cũng "thú nhận":
"Bây giờ không đóng phim ở nhà nhiều càng khâm phục vợ hơn, tất bật "ba đầu sáu tay" mà không kêu ca gì. Thời gian cách ly xã hội, Đông đã phụ bà xã một số công việc nhà và thường xuyên đi chợ mua trái cây, rau quả về để Ái Châu chế biến thức uống, thực phẩm bán online. Rồi có lúc cũng đi ship hàng cho vợ luôn. Những việc không tên nó cứ lắt nhắt, chi li, loay hoay cái là đã hết ngày như vậy thì không thể nói là thoải mái, thậm chí là căng thẳng nữa. Cho nên Đông hoàn toàn cảm thông với vợ, thương vợ hơn cả trong những thời gian cùng ở nhà thế này. Có lúc cùng vợ livestream giới thiệu sản phẩm để bán trong mùa dịch khiến tình cảm vợ chồng thêm khăng khít hơn".
|
Với Á hậu Ái Châu, con nhỏ luôn là chiếc cầu nối tuyệt vời để vợ chồng cảm thông và thêm gắn bó. |
Nói về tình trạng ở nhà nhiều, gặp nhau cả ngày đối với nhiều người lại dễ phát sinh mâu thuẫn, Á hậu Ái Châu cho biết: "Việc này chắc có lẽ cũng tùy gia đình thôi. Nếu như mình luôn chuẩn bị cho mình một tâm thế không đối chọi nhau thì sẽ dễ kìm nén những phản ứng tiêu cực hơn. Đối với Châu, mỗi khi bực dọc chồng lại nghĩ đến con là có thể "hạ hỏa" ngay, vì con nhắc nhớ chồng cũng thương con và vì gia đình như mình".
Trong khi anh Hòa Q.9 thì cho rằng những mâu thuẫn giữa vợ chồng muôn hình vạn trạng, khó ai chỉ ai, anh nói: "Đối với tôi, nếu đã không thoải mái thì nên tạm ngưng giao tiếp một vài tiếng để "lắng dịu tình hình". Dù ở nhà, không thể đi đâu nhưng mình vẫn có thể lấy máy tính để làm việc gì đó hoặc điện thoại, đọc báo… Nhưng cơ bản là vẫn phải với thái độ thật sự muốn lắng dịu chứ không khéo làm việc gì cũng hóa thành "trêu ngươi" nhau thì lại càng bùng nổ….
Theo Minh Tuấn/ Phụ nữ Việt Nam