Lê Thị Vân (sinh năm 2002, quê ở Thanh Hóa) hiện là sinh viên khoa Công nghệ Nông nghiệp, trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Vân được biết đến với nhiều giải thưởng cao trong nghiên cứu khoa học cấp khoa, trường và tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Vân sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông và thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ đi sớm về khuya, ở ngoài đồng nhiều hơn ở nhà với nỗi lo canh cánh về sản lượng thu hoạch. "Có những lần, em buồn khi nghe mẹ than thở bị đau đầu nhiều ngày vì phải đi phun thuốc trừ sâu. Khi em lớn hơn, việc học cần nhiều học phí đồng nghĩa với việc mẹ lại phải ra đồng nhiều hơn", Vân nhớ lại.
Chính nhờ hoàn cảnh gia đình khó khăn, Vân nhận thức được tầm quan trọng của việc học và có mục tiêu rõ ràng cho tương lai đó là phát triển nông nghiệp bằng công nghệ để mẹ em không phải đi phun thuốc sâu, không phải sớm chiều lam lũ trên ruộng đồng, không phải “trông trời trông đất trông mây”, không phải lo “được mùa mất giá” …
Và điểm dừng chân đầu tiên nữ sinh 2K lựa chọn đó là khoa Công nghệ Nông nghiệp, trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội để trau dồi kiến thức về nông nghiệp cũng như tiếp cận được với nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao.
|
Vân đang thực hành tại phòng thí nghiệm. |
Không để bố mẹ thất vọng, ngay từ những năm học đầu tiên ở Đại học, Vân đã gặt hái được nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học như:
Để duy trì được phong độ học tập đứng đầu khoa, Vân đã duy trì phương pháp học nhóm là chủ yếu kết hợp với tự học. Đặc biệt, bí quyết giúp nữ sinh đạt giải cao cho giải thưởng NCKH chỉ nằm ở hai chữ "chăm chỉ".
Cô bạn có nhiều giờ ở thư viện mỗi ngày để tìm tài liệu khoa học, đọc nhiều bài báo liên quan đến vấn đề nghiên cứu để nâng cao hiểu biết của bản thân. Với các môn học đại cương nặng lý thuyết, Vân dành thêm thời gian xem các bài giảng qua các kênh học tập trên mạng xã hội và cùng một số bạn trong lớp nhắc nhở nhau ôn bài.
"Em thường chọn nơi để trải nghiệm thực tế và soi chiếu kiến thức từ sách vở ra đời sống chính tại quê nhà - nơi bố mẹ em trồng rau nuôi lợn. Vì thế, đề tài em nghiên cứu gắn với bài toán phòng trừ sâu bệnh hại cho cây lúa và em sẽ tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu này nhằm hoàn thiện sản phẩm, từ đó cùng với các bạn bên nhóm máy bay không người lái trong khoa xây dựng một quy trình. Em mong muốn mảnh ruộng của gia đình em, cũng như cả cánh đồng của quê em sẽ là những cánh đồng không dấu chân, nghĩa là việc chăm sóc sức khỏe cây trồng đều được hỗ trợ bởi công nghệ" - Vân nói.
Trở thành Đảng viên từ năm học lớp 12, Vân tự hào kể về hành trình nỗ lực suốt 3 năm để đủ điều kiện kết nạp vào Đảng. Nữ sinh đã nỗ lực học tập để luôn giữ thành tích top đầu của trường, tham gia kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, tích cực tham gia các công tác, hoạt động của đoàn trường. "Là một Đảng viên trẻ, em phải cố gắng học hỏi rất nhiều từ các anh chị, cô chú đi trước đồng thời phải là người tiên phong gương mẫu cho các bạn trong lớp. Những áp lực nhỏ ấy đã giúp em rèn luyện tính kỷ luật cho bản thân, trở nên trưởng thành hơn. Hơn hết, để cháy hết mình với sức trẻ, mang sự nhiệt huyết tình yêu đời của mình đến mọi người, em nghĩ Đảng chính là nơi để em có thể cống hiến và thực hiện ước muốn đó của bản thân", nữ sinh viên năm 2 bộc bạch.
Theo Châu Linh/ Tiền Phong