Có thể tử vong vì cúm
Theo PGS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị cúm A.
Anh Nguyễn Văn L. 23 tuổi, đến bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị với triệu chứng đau đầu, mệt mỏi. Lúc đầu, anh tưởng đó là do thay đổi thời tiết nên chủ quan nhưng anh nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp. Khi đến viện, bệnh nhân đã phải thở máy và kèm theo suy đa tạng vì cúm.
|
Cúm gia cầm cũng đang diễn biến phức tạp. |
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ Đỗ Thiện Hải – Khoa Truyền nhiễm cho biết, hiện nay có nhiều trẻ bị cúm A nhập viện với triệu chứng ho, sốt.
Theo bác sĩ Hải với những bệnh cảm cúm thông thường sẽ tự khỏi sau vài ngày hoặc 1 tuần mà không cần dùng kháng sinh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị cúm diễn biến của bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, làm trẻ biếng ăn, mệt mỏi. Nếu người nhà không chăm sóc đúng cách khi trẻ bị cúm có thể làm bệnh tiến triển và gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa...
Còn tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã từng cấp cứu cho rất nhiều trường hợp phải thở máy ecmo ngoài cơ thể vì cảm cúm và chủ quan với cúm. Theo PGS Kính, bệnh cúm là bệnh đặc trưng do sự xuất hiện đột ngột các triệu chứng toàn thân như đau đầu, sốt, gai rét, đau cơ đi kèm với các biểu hiện đường hô hấp.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất rộng, thay đổi từ nhẹ, không sốt giống cảm cúm thông thường đến hội chứng nặng với biểu hiện của đường hô hấp nặng và suy đa tạng. Đặc biệt với những bệnh nhân người già, trẻ nhỏ cần chú ý bệnh cúm A.
Lo ngại dịch cúm
PGS TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết trên thế giới chủng vi rút cúm A(H1N1) lưu hành rộng khắp ở tất cả các châu lục, lưu hành cao tại các nước khu vực Trung và Tây Á.
Tại Việt Nam theo kết quả giám sát cúm trọng điểm: ghi nhận các trường hợp mắc chủ yếu là cúm A(H3N2) (80%), cúm B (11%), cúm A(H1N1) (9%). Trong thời điểm hiện nay do thời tiết lạnh, ẩm số bệnh nhân nhập viện do cúm có tăng lên.
Ngoài dịch cúm thường A (H1N1) trên thế giới còn nhiều dịch cúm đặc biệt nguy hiểm đặc biệt cúm A (H7N9).
Bệnh cúm A(H7N9) ghi nhận từ năm 2013 tại Trung Quốc đến nay vẫn chưa khống chế được. Ngày 11/01/2016, WHO thông báo 10 ca mắc cúm A(H7N9) tại Chiết Giang (6) , Giang Tô (2), Quảng Đông (1) và Giang Tây (1), trong đó 03 trường hợp tử vong. Tích lũy đến ngày 11/01/2016, trên thế giới ghi nhận 693 trường hợp mắc, trong đó có 278 trường hợp tử vong: Trung Quốc (673), Đài Loan (4), Hồng Kông (13), Malaysia (1), Canada (2).
Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam vì nước ta có đường biên giới dài với Trung Quốc, đặc biệt dịch đã xảy ra tại tỉnh Quảng Đông, nơi có sự giao lưu thương mại rất lớn với Việt Nam, trong khi việc buôn bán gia cầm nhập lậu giữa hai quốc gia còn xảy ra.
Bệnh cúm A(H5N1): dịch xảy ra từ năm 2003 đến nay vẫn đang lưu hành tại 16 quốc gia. Đặc biệt năm 2015 vẫn ghi nhận 143 trường hợp mắc, trong đó có 42 trường hợp tử vong: Ai Cập (136/39), Trung Quốc (05/01), Indonesia (02/02), tích lũy từ năm 2003 đến nay tổng số có 844 trường hợp mắc, 449 tử vong.
Tại Việt Nam mặc dù năm 2015 không ghi nhận trường hợp mắc, song dịch liên tiếp xảy ra trên các đàn gia cầm tại một số tỉnh trên phạm vi cả nước. Nguy cơ lây nhiễm sang người là rất cao do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như tập quán giết mổ và ăn uống không đảm bảo vệ sinh.
Cúm A(H5N6): ngày 09/01/2016 WHO thông báo thêm 02 trường hợp mắc cúm A(H5N6), tích lũy từ tháng 12/2014 đến nay Trung Quốc đã ghi nhận 8 trường hợp nhiễm.
Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N6) trên gia cầm tại miền Bắc, miền Trung. Cúm A(H9N2), cúm A(H5N8): đã ghi nhận trên gia cầm tại Trung Quốc.
Theo Infonet