Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu ngày nghỉ lễ dịp đất nước thống nhất, cửa ngõ Sài Gòn lại kẹt cứng. Mặc cái nóng, những người con miền Tây đội nắng, đi bằng phương tiện xe máy để về quê trong dịp lễ. Đây là việc thường niên, nhưng năm nay, giữa đợt nắng nóng trong cả nước và hạn mặn nghiêm trọng ở miền Tây, quyết tâm về quê vẫn dâng cao trong nhiều người.
Thùy Trang, bạn trẻ đồng nghiệp của tôi ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cùng bạn trai về quê bằng xe máy nói: “Chạy từ Sài Gòn về ngán lắm, nắng ‘bể đầu’, nhưng về quê dịp lễ Tết vẫn là điều hạnh phúc hơn, khiến mình vượt qua được cái mệt, cái nắng nóng đường xa”.
Trong khi đó, một đứa em đồng nghiệp khác - Trần Văn Thành - quê ở Gò Công, Tiền Giang cũng bày tỏ: “Lễ nghỉ dài ngày mà không về sao được anh. Má em bả chờ, tội nghiệp”. Thế là đùm túm về quê, Thành chở vợ và cậu con trai 9 tuổi trên chiếc xe máy lỉnh kỉnh đồ đạc, chọn dậy sớm đi cho mát. “Chớ trời này mà chạy lúc trưa chắc về quê má nhìn không ra”, Thành cười hoan hỷ.
Những cuộc về quê ngày lễ luôn mang một cảm xúc tốt lành nhiều hơn là những cảm xúc tiêu cực khác như mệt mỏi, đường xa, kẹt xe, hay thậm chí chạy đường xa nguy hiểm.
|
Vườn quê của mẹ. Ảnh: L.Đ.L |
Thường, sau mỗi chuyến về quê, Thành và vợ con sẽ “gom” của má một mớ đặc sản quê, từ sợi hủ tiếu đến cái cây non cha anh vừa ươm, “đem lên trồng ở ban công, chăm sóc cho đỡ nhớ quê”. Năm nay cũng vậy. Ngày lên, cậu gửi cho tôi 2 trái bưởi, bảo “mẹ em gửi, anh ăn lấy thảo”.
Quê là nơi con người sinh ra, lớn lên, gắn bó suốt cả tuổi thơ nên nhiều kỷ niệm và tất nhiên nằm sâu trong tim mình. Tôi có ông bạn lớn hơn vài chục tuổi - lẽ nên gọi chú, nhưng anh kêu “chú cứ gọi bằng anh cho anh trẻ ít tuổi” - đã định cư ở Úc khá lâu nhưng tự dưng càng lớn tuổi càng muốn về Việt Nam. Anh bảo, quê nhà có sức hút lạ lắm, kêu tôi mai mốt lớn tuổi hơn sẽ rõ.
Thực sự, không cần đợi lớn tuổi. Ở tuổi này - trung niên - tôi bắt đầu nhớ quê da diết hơn và cũng thường sắp lịch về nhà dày hơn lúc trẻ. Có lẽ, đến một lúc, con người nhận ra, bôn ba kiếm thật nhiều tiền nhưng thiếu cái gốc quê, không kết nối được với mảnh đất mình sinh ra thì cũng như cái cây nhìn bên ngoài thì xanh tốt nhưng đã mục rỗng bên trong. Một cơn gió lớn có thể gãy ngang, tróc gốc.
Tôi hay chơi với những người lớn hơn mình. Có những người bằng tuổi mẹ tôi nhưng vẫn bảo, “xưng anh em đi mày”, chắc do tôi già. Nhưng quả thực, có những người bạn lớn tuổi hơn, mình có lợi rất nhiều. Không phải tiền bạc mà là kinh nghiệm sống, lắng nghe được những trăn trở của họ để rồi tự rút ra được một bài học gì đó, chuẩn bị trước cho hành trình già đi thật sự (là tất yếu, đương nhiên) của mình.
Rồi, tự nhiên tôi nhớ tác giả Vũ Thế Thành. Ông viết trong Những thằng già nhớ mẹ (NXB Hội Nhà Văn) rằng: “Tuổi càng cao, càng dễ quên chuyện trước mắt, nhưng càng nhớ chuyện xa xôi. Tuổi đời, tình đời trải miết rồi, nay nhớ về mẹ, thấy mình còn biết bao điều thiếu sót và ray rứt, cứ giá mà... giá mà...”.
Trong thế giới “mở” của ngày hôm nay, định nghĩa về “công dân toàn cầu” không còn xa lạ khi dường như những người trẻ ở quê lớn lên đều tha hương mưu sinh. Gần thì từ miền Tây lên Sài Gòn, xa thì từ những tỉnh thành miền Trung, miền Bắc vào TP HCM, mải miết kiếm tiền, lập sự nghiệp, lập gia đình, lo cho con cái…
Vòng lặp của con người đó khó tránh. Nhưng làm sao để những cuộc tha hương ấy vẫn đong đầy kết nối giữa những người thân thuộc, xóm giềng, bà con, dòng họ là câu chuyện văn hóa “đi để trở về” thật đẹp. Có nhiều cuộc đi-về không chỉ trong ranh giới tỉnh này, thành phố khác mà giữa Việt Nam với bao nhiêu quốc gia khác, cách hàng chục giờ bay. Vậy đó, nhưng họ vẫn về! Đất quê, tình yêu ấy thôi thúc.
Người già ở làng quê Việt những ngày này hẳn sẽ rất vui, như má của Thành hay gia đình của Trang, hai trong số những con người có quê ở miền Tây tôi biết.
Tôi hiểu cảm xúc đó của họ vì tôi cũng là người xa quê, xa mẹ.
Vài hôm trước, tôi xem phim của Lý Hải. Lật mặt 7 - bộ phim vừa ra rạp đã làm nóng phòng vé - cũng có lý do, vì đã chạm tới cảm xúc của nhiều người. Tôi khóc, vì bộ phim đã kể những câu chuyện rất thật, những lát cắt rất đời từ gia đình điển hình của bà Hai, nhân vật chính của bộ phim.
Sinh con đông là “đặc sản” của xã hội Việt Nam những năm tám mấy, chín mươi của thế kỷ trước, đến nỗi từ hội hè đến trường học, xóm thôn đến phố thị đều kêu gọi kế hoạch hóa gia đình. Sinh con để nhờ, vì thời đó chủ yếu làm nông nghiệp, ai có nhiều nhân lực thì có thể cuốc đất, vỡ điền, làm ăn đỡ vất vả hơn. Nhưng rồi, xã hội công nghiệp, việc rời làng quê của những người trẻ thế hệ 8X, 9X đã quá quen thuộc. Kế đó là những gia đình thế hệ mới đa địa phương được biểu hiện. Về quê là câu chuyện tính toán của họ, lễ 30/4 về nhà nội, Tết nguyên đán về nhà ngoại, rồi đảo lại.
Về với mẹ là gạch đầu dòng mang tính biểu tượng của việc trở về với bến thương yêu đang đợi chờ ta. Ở đó, có người già cần những đứa con đứa cháu về thăm để nấu bữa ăn ngon, món quê, đặc sản, kể chuyện hồi xưa. Rồi lại đùm túm gửi đi mớ quà quê. Cha mẹ nào chẳng vậy.
Với những người con, về quê dịp lễ (hoặc sau lễ như tôi) cũng là cách làm mới tâm hồn, kết nối yêu thương. Gia đình với tôi là thuốc chữa lành tốt nhất. Vì vậy, đường về quê có thể khá vất vả, đôi khi tốn kém, nhưng “du lịch về nhà” mang một ý nghĩa thiêng liêng, sâu thẳm nên tôi cũng như nhiều người luôn để ở dạng ưu tiên số một.
“Ba mẹ ngày càng lớn tuổi. Người già sống bằng ngày bằng tháng. Có dịp thì về quê”. Đó là lời khuyên của những ông bà cụ lớn tuổi dành cho lớp trẻ xa quê như tôi. Tôi nhớ rồi rưng rức như lúc ngồi trong rạp phim xem Lật mặt 7, muốn chạy ù về nhà ôm mẹ, nói cám ơn, chứ không cần phải rong ruổi ở đâu đâu chỉ để chụp choẹt, check-in trên mạng xã hội.
Mà, thực ra, tôi thấy mấy hình mộc mạc đồng quê của mình cùng với mảnh vườn có bàn tay mẹ tôi chăm sóc, mỗi khi check-in đều đông đảo lượt xem, bình luận, thả tim hơn hẳn. Về nhà cũng “sống ảo” được mà!
Theo Lưu Đình Long/Vietnamnet