Không phải khi mang thai, cứ ăn đu đủ là gây hại
Cầm trên tay bản danh sách “dài dằng dặc” những thực phẩm cần “gạch tên” khỏi thực đơn hàng ngày mà mẹ chồng mới kê khai, chị Trương Thị Nguyệt (24 tuổi, sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) có phút choáng váng. Theo lời chị Nguyệt, hiện chị đang mang thai con đầu lòng ở tuần thứ 6. Vì chồng chị là con một trong nhà nên khi biết tin con dâu mang bầu, mẹ chồng chị rất phấn khởi, bắt đầu lập kế hoạch chuẩn bị để chào đón cháu đích tôn ra đời.
Tuy nhiên, chị Nguyệt cho hay, mẹ chồng chị rất kỹ tính và đặc biệt rất tin các bài thuốc từ xa xưa. Vì thế, để cháu ra đời được khỏe mạnh, bà bắt đầu lục lại những kinh nghiệm mà “các cụ” ngày xưa đã truyền lại, nào là nên ăn gì, uống gì để tốt cho thai nhi và hạn chế ăn gì để tránh gây hại. Theo bản danh sách những thực phẩm cấm kỵ không được ăn khi mang thai, mẹ chồng chị liệt kê ra rất nhiều thực phẩm, từ rau, củ, quả đến các loại đồ uống. Trong đó, chị Nguyệt chú ý đến rau ngót và đu đủ xanh vì trước đây chị thường nghĩ chúng là những thực phẩm có lợi nhiều hơn.
|
Các chuyên gia khuyến cáo, bà bầu cần hiểu rõ công dụng của một số loại thực phẩm để sử dụng an toàn và hiệu quả. Ảnh minh họa |
Chị chia sẻ: “Theo lời mẹ chồng tôi, uống nước rau ngót và ăn đu đủ xanh có thể gây sẩy thai. Tuy nhiên, sau khi sinh con thì có thể ăn được, có tác dụng lợi sữa. Tôi có hỏi bà về cơ sở khoa học của những khẳng định trên thì bà nói “các cụ” ngày xưa đã dạy thì… cấm có sai bao giờ. Cứ thế mà thực hiện theo”.
Lý giải về vấn đề trên, lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết: Mặc dù chưa có công trình nghiên cứu nào công bố khẳng định trên, nhưng thực tế cũng có một số cơ sở để đưa đến nhận định như vậy. Nghe qua thì có vẻ mâu thuẫn nhưng đúng là rau ngót và đu đủ xanh có hai mặt khi sử dụng trước và sau sinh.
Tuy nhiên, theo lương y Vũ Quốc Trung, cần làm rõ vấn đề ở chỗ, không phải khi mang thai cứ ăn đu đủ là gây hại mà phải nhấn mạnh rằng, nếu ăn đu đủ xanh, chứa nhiều nhựa mới nguy hiểm còn khi đu đủ đã chín lại có tác dụng ngược lại, cung cấp rất nhiều vitamin tốt cho thai phụ. Tương tự với rau ngót, ở đây, theo quan niệm dân gian, khi uống nước rau ngót tươi sẽ dẫn đến nguy cơ sẩy thai, hoàn toàn không phải là rau ngót đã được nấu chín. Do đó, người dân cần hiểu đúng để sử dụng hợp lý.
Hiểu rõ công dụng để sử dụng hợp lý
Phân tích về nguyên nhân đu đủ xanh có nguy cơ gây sẩy thai, lương y Vũ Quốc Trung cho biết, trong nhựa quả đu đủ xanh có chứa chất papain – một chất có khả năng phá hủy tế bào phôi thai, bào mòn niêm mạc dạ dày và làm mỏng niêm mạc tử cung. Do đó, khi mang thai, nếu ăn đu đủ còn xanh, ương hoặc nấu chưa chín, hàm lượng papain có thể xâm nhập vào cơ thể và gây ra những tác hại không mong muốn như kích thích các cơn co bóp tử cung và đẩy phôi thai ra ngoài.
Tuy nhiên, khi đu đủ đã chín, thai phụ hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng. Theo nghiên cứu, đu đủ chín chứa rất nhiều các vitamin như vitamin A, C, B1, B2… giúp cung cấp dưỡng chất cho mẹ và thai nhi phát triển, giúp thai phụ thoát khỏi chứng táo bón và ợ nóng, tăng sức đề kháng cho cả mẹ và con.
Còn trường hợp sau khi sinh, theo lương y Vũ Quốc Trung, đu đủ xanh lại được coi là thực phẩm “gọi sữa” về, rất tốt cho những sản phụ ít sữa hoặc sữa loãng. Đây chính là nguyên nhân, món móng giò hầm đu đủ hoặc đu đủ nấu canh thường được dành riêng cho phụ nữ sau mỗi cuộc đẻ.
Riêng về rau ngót, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Rau ngót chỉ gây hại trong trường hợp thai phụ giã rau ngót tươi để uống và uống với liều lượng rất cao vì khi đó, các cơ tử cung bị co thắt mạnh, gây chèn ép vào thai nhi. Bên cạnh đó, những thai phụ có tiền sử bị sẩy thai hoặc đã từng đẻ non cũng nên hạn chế uống nước rau ngót tươi.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, trước đây, khi khoa học công nghệ chưa phát triển, bà biết có trường hợp một thai phụ lỡ dính bầu nhưng không muốn sinh đã lựa chọn phương pháp uống nước rau ngót tươi liên tục để bỏ thai một cách tự nhiên và cuối cùng người phụ nữ đó đã đạt được mục đích. Do đó, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, không nên uống nước rau ngót tươi dưới dạng sinh tố hoặc nhai sống. Còn nếu nấu canh để ăn hoặc thỉnh thoảng mới dùng thì không nên quá lo lắng.
Lý giải về việc tại sao thai phụ cần tránh dùng rau ngót nhưng sản phụ thường được khuyên dùng thực phẩm này, bà Lâm cho biết, theo nghiên cứu, rau ngót có vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm… Đặc biệt, với phụ nữ sau sinh, rau ngót có tác dụng chữa sót nhau thai trong tử cung, làm sạch tử cung và khơi thông nguồn sữa. Do đó, uống nước rau ngót từ 7-10 ngày sau sinh, những nhau thai còn sót trong tử cung sẽ bị đào thải ra ngoài và hạn chế được chứng viêm nhiễm sau sinh.
Bên cạnh đó, thành phần của rau ngót có giá trị dinh dưỡng cao như protein, canxi, chất béo, sắt, đặc biệt hàm lượng vitamin C trong lá rau ngót cao hơn nhiều so với cam hoặc ổi, do đó rau ngót được các nhà khoa học biết đến như là một nguồn cung cấp vitamin C rất cao. Các món canh rau ngót nấu thịt nạc, nấu tôm… được coi là món ăn bồi dưỡng cho sản phụ sau đẻ.
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ mang thai và sau cuộc đẻ cơ thể thường yếu hơn bình thường do sức đề kháng suy giảm, do đó, cần được tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để cả mẹ và con có thể phát triển khỏe mạnh.
Với phụ nữ mang thai, nên hạn chế ăn một số thực phẩm mang tính hàn, các loại rau sống, gỏi hải sản hoặc những thực phẩm nấu lại nhiều lần. Đối với các sản phụ sau sinh, cần hạn chế các đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh hoặc đồ ăn quá ngọt. Ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp các vitamin thiết yếu để tăng sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây hại.
Theo Mai Thùy/Giadinh.net