Những thói quen hại sức khỏe, cần thay đổi sớm

Google News

Theo WebMD, bạn cần tránh làm những việc sau đây để đảm bảo sức khỏe và duy trì năng lượng tốt nhất.

Thói quen cắn móng tay là hành động vô thức rất phổ biến ở cả người lớn lẫn trẻ em. Tưởng chừng vô hại, hành động này có thể gây nhiễm trùng da, viêm lợi cũng như dễ mắc các bệnh về giun sán.
Bên cạnh cắn móng tay, theo WebMD, bạn cần tránh làm những việc sau đây để đảm bảo sức khỏe và duy trì năng lượng tốt nhất.
Bẻ khớp ngón tay
Bên trong ngón tay là dịch khớp giữ cho các khớp di chuyển một cách linh hoạt và dễ dàng. Âm thanh mà ngón tay tạo ra khi bạn bẻ khớp chính là tiếng nổ của các bong bóng nhỏ trong chất lỏng đó. Nếu giữ thói quen xấu này trong thời gian dài, bạn có thể bị sưng các ngón tay và suy giảm khả năng cầm nắm linh hoạt.
Cắn móng tay
Hành động này có thể gây hại cho răng cũng như dẫn đến nhiễm trùng vùng da xung quanh móng tay. Bên cạnh đó, bạn cũng có nguy cơ cao lây các bệnh truyền nhiễm hoặc mắc một số bệnh khác vì thường xuyên đặt ngón tay vào miệng, nơi chứa rất nhiều vi khuẩn.
Nếu thói quen cắn móng tay xuất phát từ tâm lý căng thẳng, bạn có thể tập thể dục hoặc tìm đến bác sĩ tâm lý để giải tỏa về mặt tinh thần.
Ngủ không đủ giấc
Nghiên cứu cho thấy nghỉ ngơi không đầy đủ có thể làm tăng nồng độ cortisol, đồng thời làm giảm nồng độ testosterone.
Chia sẻ với Huffington Post, tiến sĩ Nelson Bennett, Giáo sư tiết niệu tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern (Mỹ), mức cortisol cao dẫn đến căng thẳng và lo lắng gia tăng, tăng cân, ủ rũ và giảm hiệu suất tinh thần.
Khi ngủ không đủ giấc, cơ thể phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường và trầm cảm. Chính vì thế, bạn cần duy trì thói quen ngủ đúng giờ và ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm.
Nhung thoi quen hai suc khoe, can thay doi som
 Ánh sáng xanh có thể phá hỏng giấc ngủ cũng như dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, béo phì... Ảnh: Pexels.
Đeo tai nghe với âm lượng lớn
Giữ âm lượng dưới 75 decibel và không đeo tai nghe quá một giờ sẽ giúp bạn hạn chế được nguy cơ mất thính lực khi về già. Thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn và âm thanh lớn, không chỉ tai bị tổn thương mà còn gây ảnh hưởng khả năng nhận thức.
Lướt Internet trước khi ngủ
Ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính và TV có thể làm hỏng giấc ngủ của bạn. Một số nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban đêm có thể liên quan đến các bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt), tiểu đường, béo phì và bệnh tim mạch. Chính vì thế, bạn nên giữ phòng ngủ thật tối và yên tĩnh để chất lượng giấc ngủ được nâng cao hơn.
Ngồi quá lâu
Hiện nay, hầu hết người trẻ, đặc biệt là dân văn phòng đều có thói quen ngồi một chỗ quá lâu để xử lý công việc. Điều này làm chậm quá trình trao đổi chất, đồng nghĩa với nguy cơ mắc bệnh béo phì cũng tăng cao.
Không những thế, việc ngồi quá lâu cũng liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác như bệnh xương khớp, bệnh tim. Cách dễ dàng để khắc phục vấn đề này chính là di chuyển, vận động nhẹ cơ thể mỗi 30-45 phút, sau đó mới tiếp tục trở lại công việc.
Bỏ qua việc làm sạch răng bằng chỉ nha khoa
Việc làm sạch răng bằng bàn chải là chưa đủ vì các mảng bám trên răng vẫn còn tồn tại, tích tụ vi khuẩn, chất nhờn và gây ra sâu răng. Bên cạnh đó, mảng bám tồn đọng quá nhiều cũng có thể dẫn đến bệnh nướu, một dấu hiệu liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác như đột quỵ, bệnh tim và tiểu đường.
Uống quá nhiều bia rượu
Các nghiên cứu chỉ ra rằng uống rượu thường xuyên và uống hơn 25 ly trong một tuần có thể rút ngắn tuổi thọ của bạn 4-5 năm. Đàn ông uống hơn 14 ly đồ uống có cồn mỗi tuần - và phụ nữ uống hơn 7 ly - có nhiều khả năng mắc bệnh thận, bệnh gan, các vấn đề về tiêu hóa, tim, tổn thương xương và thậm chí một số loại ung thư, theo Đại học Y Harvard (Mỹ).
Nhung thoi quen hai suc khoe, can thay doi som-Hinh-2
Thói quen ăn nhiều tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho sức khỏe. Ảnh: Shutterstock. 
Ăn quá nhiều và ăn nhanh
Nếu ăn quá nhiều thức ăn, kể cả khi đó là những thực phẩm lành mạnh cũng có thể khiến bạn tăng cân. Đây cũng là một trong những con đường ngắn nhất dẫn đến các bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp cũng như một số loại ung thư. Bạn nên kiểm tra, định lượng thức ăn hợp lý cho mỗi bữa ăn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Ăn với tốc độ quá nhanh sẽ mang đến cảm giác không đủ no, thôi thúc bạn phải ăn nhiều hơn so với nhu cầu của cơ thể. Để giải quyết vấn đề này, bạn chỉ cần ăn chậm lại, cắn nhỏ và nhai kỹ.
Dành quá nhiều thời gian một mình
Người dành quá nhiều thời gian một mình có nguy cơ cao mắc bệnh huyết áp, trầm cảm, viêm nhiễm hay thậm chí là các vấn đề về não (như bệnh Alzheimer).
Nếu cảm thấy cô đơn, bạn nên thường xuyên chia sẻ, liên lạc với gia đình hoặc bạn bè. Tham gia câu lạc bộ hoặc hình thành thói quen chơi thể thao cũng là những giải pháp ngăn ngừa các căn bệnh nguy hiểm nói trên.
Hút thuốc lá
Trong thành phần của thuốc lá chứa nicotin gây hại đến sức khỏe của người hút lẫn người hít phải khói thuốc. Người hút thuốc tăng sẽ nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, tiểu đường, đột quỵ, viêm phế quản, lao phổi.... Về lâu dài, các cơ quan như xương khớp, mắt cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ thói quen xấu này.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), ngay sau khi bạn bỏ thuốc, huyết áp và hệ tuần hoàn được cải thiện và nguy cơ mắc bệnh ung thư giảm dần mỗi năm sau đó. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình cũng sẽ được hưởng lợi từ việc bạn không hút thuốc lá vì họ sẽ không còn tiếp xúc với khói thuốc thụ động nguy hiểm.
Theo Kỳ Duyên/Znews