ThS.BS Lê Thị Hải (nguyên Giám đốc trung tâm Khám Tư vấn Dinh dưỡng - viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho hay, ai cũng biết tôm, thịt gà, cua cá rất nhiều đạm và giàu canxi. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ thấy trẻ bị ho là kiêng không cho trẻ ăn tôm, thịt gà, không ăn các chất tanh… là hoàn toàn sai lầm.
Theo BS dinh dưỡng Lê Thị Hải, ho là do bệnh lý chứ không phải vì ăn uống. Nói ăn tôm gây ho bởi phần vỏ và càng của nó. Khi ăn tôm, nếu không bóc vỏ, bỏ càng sẽ dễ mắc ở cổ họng, gây ngứa và ho. Còn phần thịt tôm hay cua, cá thì hoàn toàn không phải nguyên nhân gây ho. Ngược lại, trong tôm, cua, cá rất giàu chất đạm và dễ tiêu hóa. Vì vậy, việc kiêng các loại món ăn mà dân gian thường nói là chất tanh khi trẻ bị ho là quan niệm hoàn toàn sai lầm.
|
Cha mẹ không nên kiêng khem thái quá khi trẻ bị ho (Ảnh minh họa). |
Đáng nói nữa là suy nghĩ kiêng thịt gà khi bị ho đã ăn sâu vào thói quen, suy nghĩ của nhiều người trong khi thịt gà chứa rất nhiều protein, nhất là kẽm. Đặc biệt, kẽm là một trong những chất dinh dưỡng rất quan trọng tham gia vào hệ thống miễn dịch, làm tăng sức đề kháng. Vì vậy, kiêng thịt gà khi ho là không nên. Trái lại, các mẹ nên cho con ăn thịt gà khi ho để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Cũng theo BS Hải, vỏ tôm, càng tôm không tốt đối với trẻ đang ho nhưng lại rất tốt khi mẹ cần tăng canxi cho trẻ. Đa phần mọi người cho rằng ăn tôm sẽ có nhiều canxi bởi thịt tôm chứa chất này và tất nhiên, bỏ hết phần vỏ và càng tôm. Nhưng thực chất, lượng canxi chủ yếu ở trong vỏ tôm và càng tôm còn phần thịt tôm chỉ cung cấp chất đạm là chính. Vì vậy, nếu muốn cung cấp canxi cho cơ thể, có thể chọn các loại tôm nhỏ cho trẻ để ăn được cả vỏ.
Trẻ bị ho nên kiêng ăn gì?
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, Không ít bậc cha mẹ cảm thấy vô cùng lo lắng khi thấy con mình ho dài ngày không dứt. Thực tế, trong thời gian bé bị ho, cần chú ý đến các thực phẩm nên kiêng kị dưới đây để nhanh chóng giúp bé khỏi bệnh.
1. Thực phẩm lạnh: Khi trẻ bị ho, không nên cho bé ăn đồ lạnh hoặc uống các loại đồ uống đông lạnh. Theo quan niệm Đông y, khi cơ thể bị nhiễm lạnh sẽ gây tổn thương cho phổi, mà ho phần lớn là do các bệnh ở phổi gây ra.
Lúc này, nếu ăn uống các thực phẩm lạnh dễ gây ra tắc khí ở phổi, khiến các triệu chứng càng nặng thêm. Đồng thời, các chứng viêm ít nhiều cũng có quan hệ đến tì. Nếu ăn uống quá nhiều thực phẩm lạnh, cũng có thể gây tổn thương tì vị, khiến chức năng tì bị suy giảm.
2. Thực phẩm béo, ngọt, vị đậm: Theo Đông y, ho phần lớn do phổi bị nhiệt gây ra. Hằng ngày, nếu trẻ ăn quá nhiều các thực phẩm béo, ngọt, vị đậm sẽ khiến cơ thể bị bốc hoả, làm triệu chứng ho nặng hơn.
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng ăn quýt có thể chữa ho, long đờm. Tuy vỏ quýt có công hiệu trị ho, long đờm, nhưng thịt quýt lại khiến cơ thể sinh nhiệt, sản sinh ra nhiều dịch đờm hơn.
Ngoài ra, cũng không nên cho bé ăn nhiều các thực phẩm chiên rán, bởi các thực phẩm này sẽ tạo thêm gánh nặng cho dạ dày, làm dịch đờm sinh ra nhiều hơn, khiến bệnh ho càng khó chữa khỏi. Các thực phẩm chứa lượng chất béo cao như lạc, hạt dưa, socola… khiến cơ thể sinh ra nhiều dịch đờm, làm bệnh ho càng nặng thêm.
3. Thực phẩm bồi bổ: Không ít bậc phụ huynh cho các bé cơ thể bị suy nhược dùng thực phẩm chức năng có tác dụng bồi bổ. Tuy nhiên khi trẻ bị ho, nên dừng việc sử dụng các thực phẩm này để tránh khiến bệnh ho khó chữa trị hơn.
Theo N.Giang/Người đưa tin