Những sự thật gây sốc phía sau mác “Thực phẩm chức năng”

Google News

Đơn vị sản xuất thường quảng cáo rằng các mặt hàng thực phẩm chức năng là thực phẩm bổ sung, là thuốc bổ chứ không phải thuốc chữa bệnh và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Thực tế cho thấy, xung quanh những sản phẩm này có rất nhiều vấn đề.
 

Theo một phân tích của hãng Reports and Data, thị trường thực phẩm chức năng toàn cầu đến năm 2018 có giá trị lên tới 124,8 tỉ USD và dự kiến sẽ tăng trưởng tới 6,4% mỗi năm, đạt mức 210,3 tỉ USD vào năm 2026.
Tại Mỹ, theo một thống kê, thị trường thực phẩm chức năng ở nước nước này đã tăng trưởng không ngừng. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, ngành công nghiệp thực phẩm chức năng ở nước này có doanh số đã tăng gấp 10 lần trong 25 năm qua.
Hơn một nửa số người Mỹ trưởng thành dùng ít nhất một loại thực phẩm chức năng một cách thường xuyên, khiến ngành công nghiệp trị giá 35 tỷ USD này không ngừng phát triển tăng vọt. Doanh thu của ngành thực phẩm chức năng ở Mỹ đã tăng từ 96,8 tỷ USD năm 2007 nhảy vọt lên 150 tỷ USD năm 2013.
Những loại thực phẩm chức năng giá rẻ được cho là đã trở thành “bữa phụ” của nhiều người nghèo tại Mỹ - những người do không đủ điều kiện để ăn rau xanh và hoa quả mỗi ngày nên đã tìm tới các loại thực phẩm chức năng để bổ sung các loại vitamin và chất cần thiết.
Tuy nhiên, sự lan tràn của các sản phẩm này cũng dẫn tới nhiều vấn đề. Đầu tháng 6 vừa qua, dư luận Mỹ xôn xao trước việc FDA phát đi cảnh báo về những lo ngại về an toàn liên quan đến thành phần có tên vinpocetine có trong các loại thực phẩm chức năng, đặc biệt lo ngại về việc sử dụng thành phần này của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Theo một báo cáo của Chương trình Chất độc quốc gia của Viện Y tế Quốc gia Mỹ, vinpocetine là một hợp chất có mặt trong nhiều loại thực phẩm chức năng. Những sản phẩm có chứa chất này hoặc kết hợp với các thành phần khác được quảng cáo giúp cải thiện chức năng của não bộ, cải thiện thị lực, trí nhớ và khả năng tập trung; tăng cường năng lượng, giúp giảm cân hoặc giảm mỡ trong cơ thể nhanh chóng.
Một số sản phẩm có chứa chất trên cũng được giới thiệu có chức năng phòng ngừa say tàu xe và điều trị các triệu chứng mãn kinh, hội chứng mệt mỏi mãn tính, rối loạn co giật, rối loạn thính giác và mắt. Tuy nhiên, trong cảnh báo được phát đi đầu tháng 6, FDA cho hay, theo các dữ liệu mà cơ quan này xem xét, việc tiêu thụ vinpocetine có liên quan đến những tác dụng bất lợi đối với việc sinh sản.
Theo FDA, những phát hiện này là đặc biệt đáng lo ngại vì các sản phẩm có chứa vinpocetine thường được sử dụng rộng rãi cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Cảnh báo của FDA cho biết, các nhà khoa học đã nghiên cứu về tác động của vinpocetine tới phụ nữ mang thai đã kết luận rằng chất này làm giảm trọng lượng của thai nhi và tăng khả năng sảy thai.
Theo FDA, ở một số nước khác, vinpocetine được điều chỉnh với tư cách một thành phần dược được bán khi có chỉ định của bác sỹ. Tuy nhiên, tại Mỹ, các sản phẩm như vinpocetine được bán dưới dạng thực phẩm chức năng nên không bị xem xét về các tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả được áp dụng với các loại dược phẩm.
Điều này có nghĩa là FDA không xem xét từng sản phẩm có chứa vinpocetine hoặc việc dán nhãn mác trên các sản phẩm này trước khi chúng được bán cho người tiêu dùng. Vì vậy, cùng với việc cảnh báo người tiêu dùng, FDA trong khuyến cáo hồi tháng 6/2019 cũng khuyến nghị các công ty tiếp thị các thực phẩm chức năng có chứa vinpocetine đánh giá nhãn sản phẩm của họ để đảm bảo việc đưa ra các cảnh báo an toàn đối với việc sử dụng sản sản phẩm cho phụ nữ mang thai và phụ nữ có thể mang thai.
Nhung su that gay soc phia sau mac “Thuc pham chuc nang”
Ảnh minh họa 
Liên tiếp những cảnh báo
Trước đó, tháng 3/2014, FDA cũng phát đi cảnh báo về thực phẩm chức năng giảm cân có tên Super fat burner viên nhộng, Maxi Gold viên nhộng và Esmeralda viên nang chứa sisbutramine và phenolphtalein gây nguy hại cho sức khỏe.
Theo khuyến cáo, sisbutramine ngoài việc làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim còn là một chất cực kỳ nguy hại khi tương tác với các thuốc khác. Vào năm 2010, thuốc có chứa sisbutramine đã bị loại khỏi thị trường Mỹ do liên quan đến tính an toàn của bệnh nhân tim mạch. Còn phenolphtalein nguy cơ gây co thắt cơ, rối loạn dạ dày, ung thư.
Cũng trong thời gian qua, giới chức Mỹ đã phát hiện nhiều vụ việc các công ty lợi dụng sự thiếu sót của các quy định pháp luật và tâm lý tiêu dùng của phần lớn người dân để bày bán thực phẩm chức năng có thành phần không đúng theo như mô tả ghi trên nhãn mác.
Tháng 2/2015, Văn phòng Tổng chưởng lý bang New York đã ra thông báo cấm lưu hành một số loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược, do không đảm bảo chất lượng và có chứa một số thành phần không được ghi rõ trên bao bì.
Trong số các sản phẩm bị cấm lưu hành đợt đó có các sản phẩm như nhân sâm Hàn Quốc Gingseng, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị trầm cảm St. John's Wort, thực phẩm chức năng tăng cường tuần hoàn não Gingko Biloba, thực phẩm chức năng Garlic chiết xuất từ tỏi, thực phẩm chức năng tăng sức đề kháng Echinacea, thực phẩm chức năng giúp ngủ ngon Valerian Root và thực phẩm chức năng bổ tiền liệt tuyến Saw Palmetto mang nhãn hiệu của các nhà sản xuất GNC, Up & Up, Finest Nutrition và Spring Valley.
Trước đó, Văn phòng Tổng chưởng lý bang New York đã gửi thư tới 4 tập đoàn bán lẻ hàng đầu gồm Walmart, Walgreens, GNC và Target đề nghị ngừng bán ngay lập tức các sản phẩm nói trên tại tất cả các cửa hàng trên địa bàn.
Động thái của giới chức tư pháp bang New York của Mỹ được tiến hành sau khi các kết quả thử nghiệm trên 78 hộp thực phẩm chức năng mang các nhãn hiệu trên cho thấy chỉ có 21% sản phẩm có chứa thành phần thảo dược như tuyên bố trên bao bì. Trong khi đó, có tới 79% (tương đương 4/5 sản phẩm) không chứa các thảo dược như quảng cáo.
Đặc biệt, theo thông báo của giới chức New York, có tới 39% số thực phẩm chức năng có chứa một số chất không được nêu trên bao bì. Các sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng của tập đoàn Walmart cho kết quả tồi tệ nhất, khi chỉ 4% số sản phẩm được thử nghiệm có chứa thảo dược công bố trên bao bì sản phẩm.
Giữa năm 2018, Trung tâm Khoa học vì lợi ích cộng đồng – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi an toàn thực phẩm và dinh dưỡng - 6 trong số 10 loại thực phẩm bổ sung được quảng cáo có thành phần chiết xuất từ bạch quả (ginkgo biloba) được tổ chức thử nghiệm độc lập ConsumerLab.com xét nghiệm cho thấy không đạt chất lượng như công bố.
Cụ thể, những viên thuốc này được phát hiện có ít thành phần bạch quả hơn so với quảng cáo hoặc có bằng chứng cho thấy các sản phẩm này sử dụng nhiều nguyên liệu thực vật có giá rẻ hơn thay vì thành phần như được công bố.
Trung tâm Khoa học vì lợi ích cộng đồng cũng khẳng định, phần lớn các loại thực phẩm chức năng có chứa thành phần ginkgo biloba đã được chứng minh là không hiệu quả trong việc cải thiện trí nhớ và lưu thông máu lên não. Trung tâm này trong bối cảnh như vậy kiến nghị FDA sử dụng thẩm quyền thực thi của cơ quan này để thu giữ các sản phẩm bị pha trộn trên thị trường.
Theo Giám đốc điều hành trung tâm Laura MacCleery, FDA nên hành động để bảo vệ người tiêu dùng khỏi lãng phí tiền của vào những viên thuốc không đem đến các lợi ích như nhà sản xuất tuyên bố và thậm chí có thể cũng không chứa các thành phần như được ghi trên bao bì.
Cũng trong năm ngoái, Thư viện dược phẩm quốc gia của Viện sức khỏe quốc gia Mỹ trong một nghiên cứu về cải thiện chất lượng được tiến hành dựa trên việc phân tích các cảnh báo được FDA đưa ra từ năm 2007 đến năm 2016 cho hay, trong quãng thời gian trên, tổng cộng đã có tới 776 sản phẩm thực phẩm chức năng đã bị phát hiện có các thành phần dược phẩm không được phê chuẩn. Các sản phẩm này thường là các sản phẩm được quảng cáo có tác dụng tăng cường năng lực tình dục, giảm cân hoặc tăng cơ cơ bắp.
Điển hình, giới chức Mỹ đã phát hiện thuốc kích thích tăng trưởng cơ bắp steroid có trong một số thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng tạo cơ bắp.
Còn trong nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo tăng cường tình dục lại có chứa sildenafil - thành phần hoạt chất có trong Viagra còn sibutramine được phát hiện trong các sản phẩm được tiếp thị có tác dụng hỗ trợ giảm cân. Theo kết quả nghiên cứu, hơn 150 loại thực phẩm chức năng đã bị phát hiện có chứa nhiều hơn một thành phần không được phê duyệt.
Phó giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard đồng thời là bác sĩ nội khoa tại tổ chức Cambridge Health Alliance Pieter Cohen trong 2 nghiên cứu được thực hiện vào các năm 2014 và 2017 đã phát hiện trong 12 sản phẩm thực phẩm chức năng mà ông và các cộng sự đã ngẫu nhiên mua được có sự hiện diện của một số chất kích thích đã bị FDA cấm do các rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe bao gồm DMAA, DMBA, BMPEA, methylsynephrine và oxilofrine.
Các chất này bị cấm sử dụng trong dược phẩm nhưng lại thường được phát hiện trong các loại thực phẩm chức năng. Mới đây nhất, tháng 2/2019, FDA cũng đã yêu cầu 17 công ty sản xuất thực phẩm chức năng tại nước này giải trình về việc bán ra thị trường hơn 58 loại sản phẩm với quảng cáo là có thể chữa được nhiều bệnh lý nghiêm trọng, trong đó có cả Alzheimer.
Cuối cùng, các công ty này đã phải công khai nhận trách nhiệm và trả lại tiền kèm theo lời cam kết không tổn hại đến sức khỏe của người mua hàng.
Khó kiểm soát?
Hiện nay, trên thế giới chưa có một định nghĩa đầy đủ về thực phẩm chức năng. Theo Hiệp hội thông tin thực phẩm quốc tế, thực phẩm chức năng là sản phẩm cung cấp các lợi ích cho sức khỏe cao hơn mức dinh dưỡng cơ bản.
Còn các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản định nghĩa thực phẩm chức năng là sản phẩm ngoài chức năng cung cấp chất dinh dưỡng còn có chức năng giảm các yếu tố bệnh như giảm cholesterol, giảm huyết áp, chống táo bón, cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột...
Hiệp hội nghiên cứu thực phẩm châu Âu Leatherhead trong khi đó định nghĩa thực phẩm chức năng là thực phẩm được chế biến từ thành phần thiên nhiên, được sử dụng như một phần của chế độ ăn hàng ngày, có khả năng có tác dụng sinh lý nào đó.
Thực phẩm bổ sung hay thực phẩm chức năng thường không được coi là các sản phẩm thay thế thuốc chữa bệnh, “vô thưởng vô phạt” nên việc kinh doanh sản phẩm này từ lâu đã được quy định và quản lý rất lỏng lẻo không chỉ tại Mỹ mà còn tại nhiều các quốc gia khác trên thế giới.
Tại Mỹ, FDA không kiểm soát thực phẩm chức năng nghiêm ngặt như đối với các loại thuốc chữa bệnh. Các loại sản phẩm này có thể lưu hành tại Mỹ mà không cần có sự chấp thuận của FDA. Các hãng kinh doanh thực phẩm chức năng được toàn quyền quyết định về hàm lượng và thành phần nguyên liệu. FDA chỉ coi 1 loại thực phẩm chức năng là bất hợp pháp khi loại sản phẩm đó không chứa các thành phần ghi trên bao bì hoặc bị nhiễm các thành phần có hại.
Chính vì vậy, FDA hồi đầu năm đã công bố những nỗ lực mới để tăng cường việc quản lý các loại thực phẩm chức năng bằng cách hiện đại hóa khung pháp lý của cơ quan này.
Trong đó, FDA cho biết, cảnh báo an toàn hiện chỉ là một trong nhiều bước đi mà họ đang thực hiện để thích ứng với thực tế của ngành công nghiệp thực phẩm chức năng đang phát triển mạnh mẽ.
Khẳng định việc bảo vệ công chúng khỏi các loại thực phẩm chức năng không an toàn là ưu tiên hàng đầu, FDA cho hay cũng đã tạo ra Hiệp hội An toàn Thực vật để thúc đẩy những tiến bộ khoa học trong việc đánh giá sự an toàn của các thành phần thực vật và hỗn hợp trong các loại thực phẩm chức năng.
FDA cũng cho biết đang tham vấn các bên về việc đổi mới các quy định về trách nhiệm của các bên trong ngành công nghiệp thực phẩm chức năng.
Theo Minh Ngọc / Câu chuyện Pháp luật