Những sai lầm khi ăn uống làm bệnh viêm đại tràng ngày càng nặng
Bệnh càng nặng thì người bệnh lại càng kiêng khem kỹ, chính việc kiêng khem cẩn thận lại là nguyên nhân khiến bệnh nặng hơn và lâu khỏi. Dưới đây là những sai lầm trong việc ăn uống của người bệnh viêm đại tràng hay mắc phải:
Sai lầm vì chỉ ăn những thức ăn cho là lành
Các món ăn như cháo loãng, cháo thịt nạc, rau luộc, thịt kho, thịt rim, thịt hấp, muối vừng, muối lạc,…là những món mà người bệnh ăn thường xuyên và rất hạn chế ăn thịt bò, thịt gà, thịt vịt, cá, tôm, cua, ốc,… nên cơ thể bị thiếu chất, mất cân bằng dinh dưỡng. Thực tế nếu người bệnh chỉ ăn thịt lợn mà ít ăn các loại thịt gia cầm và hải sản thì không đủ các axit amin thiết yếu cho cơ thể và các khoáng chất quan trọng.
|
Nhiều người viêm đại tràng mắc sai lầm vì không dám ăn nhiều loại thức ăn, trái cây, rau quả cùng một lúc vì sợ đau bụng, đi ngoài (Ảnh minh họa) |
Không dám ăn nhiều loại thức ăn, trái cây, rau quả cùng một lúc vì sợ đau bụng, đi ngoài. Chính việc kiêng khem quá mức lâu ngày dẫn đến thiếu chất, suy dinh dưỡng, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, người uể oải, dần dần héo mòn, sức đề kháng suy giảm, phát sinh sang các bệnh khác. Vì vậy, bệnh không những không khỏi mà còn trầm trọng hơn.
Không bao giờ ăn cá
Cá là một nguồn dinh dưỡng tốt, cung cấp nhiều đạm, vi tamin và khoáng chất quan trọng, đặc biệt các loại các có chứa axit béo không no rất tốt cho sức khỏe như omega 3, nhất là các loại cá biển. Nhưng người viêm đại tràng lại gần như đoạn tuyệt với cá, nên càng làm thiếu hụt dinh dưỡng khiến cơ thể ngày càng suy kiệt.
Không bổ sung chất xơ hòa tan
Người bệnh viêm đại tràng ít ăn các loại rau sống, trái cây, các món rau củ vì sợ khi ăn vào đại tràng bị cọ xát mạnh vào các ổ viêm loét dễ tái phát mà không hề biết rằng trong các loại rau củ quả lại chứa nhiều chất xơ hòa tan – là thức ăn cho lợi khuẩn phát triển. Nên việc không cung cấp đủ thức ăn càng làm suy giảm lợi khuẩn, gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột làm rối loạn tiêu hóa càng nặng hơn.
Nguy hiểm hơn, không ăn đầy đủ các loại rau quả tươi sống sẽ thiếu vitamin trầm trọng làm sức đề kháng suy yếu dần. Đặc biệt, thiếu vitamin nhóm B (là thức ăn cho não bộ) dẫn đến trầm cảm, stress làm lợi khuẩn chết hàng loạt cũng làm cho rối loạn tiêu hóa trầm trọng.
Chế độ ăn uống tốt nhất cho người viêm đại tràng
Với người mắc viêm đại tràng, việc thay đổi chế độ dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng. Bạn cần một chế độ ăn đầy đủ các thành phần dinh dưỡng theo cách tính sau: Chất đạm (protein): 1g/kg/1ngày. Năng lượng: 30-35 kcal/kg. Chất béo: Ăn hạn chế, không quá 15g/ngày.
Khi bị táo bón, bạn cần giảm chất béo, tăng chất xơ (đặc biệt là dưới dạng hòa tan như pectin, insulin, oligofructose…). Ăn làm nhiều bữa nhỏ, khoảng hơn 2 tiếng lại ăn một bữa. Khi bị tiêu chảy, bạn cần tránh hẳn chất xơ dạng không tan như cellulose để thành ruột khỏi bị cọ xát. Không ăn rau sống, trái cây khô, trái cây đóng hộp. Nếu ăn trái cây tươi thì phải gọt bỏ vỏ.
Bạn cũng nên tránh chất kích thích như: Cà phê, sôcôla, trà vì chúng có chứa chất kích thích phá vỡ quá trình tiêu hóa, gây triệu chứng khó chịu, gây khó khăn trong quá trình điều trị bệnh. Các loại nước uống chứa chất kích thích và những nước uống đóng chai đều không tốt cho bệnh viêm đại tràng vì chúng gây đầy hơi, trướng bụng. Tránh các thức ăn cứng như rau sống, ngô luộc ảnh hưởng đến vết loét. Đặc biệt ngô là loại thức ăn bạn càng nên tránh vì chúng là những thức ăn khó tiêu hóa.
Theo Phương Vũ/ Gia đình Việt Nam