Không chỉ tăng cường sức khỏe mà việc tập gym còn giúp cải thiện hệ tiêu hóa hỗ trợ hấp thu, hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể.
Tập gym hỗ trợ cho sức khỏe là vậy, nhưng cũng cần phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Theo nguyên tắc y học thể thao, bất kỳ ai ở điều kiện nào đều có thể tập gym miễn là cường độ, tần số, thời gian tập phù hợp vớ thể trạng từng người. Với mỗi độ tuổi, mỗi nhóm đối tượng sẽ áp dụng những phương pháp khác nhau để đạt được hiệu quả tập luyện.
Thế nhưng, gym chỉ phù hợp khi điều kiện sức khỏe cho phép, nghĩa là cơ thể khỏe mạnh bình thường, không có bệnh. Bởi gym là một môn thể thao kết hợp các yếu tố: sức mạnh, sức bền và các bài tập để tăng độ linh hoạt cho cơ thể. Vì vậy khi cơ thể yếu, có dấu hiệu ốm bệnh thì nên dừng việc tập gym để điều trị hoặc giảm bớt cường độ tập luyện để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
|
Những người có bệnh đường hô hấp, bệnh lý xương khớp, nhịp tim nhanh không nên tập gym. |
Khi mắc những bệnh sau thì không nên tập gym
Người có tiền sử liên quan đến các bệnh tim mạch: sẽ khiến vấn đề về huyết áp, nhịp tim không ổn định và nguy hiểm với sức khỏe, khi mà việc tập gym đòi hỏi rất nhiều về thể lực, sức bền. Những người này khi luyện tập cần được hướng dẫn và chỉ dẫn bởi huấn luyện viên cá nhân để có những bài tập, cường độ và mức tạ phù hợp, tránh những bài tập quá nặng sẽ làm tăng nhịp tim. Sẽ rất nguy hiểm nếu như nhịp tim lên quá cao, dễ xuất hiện các dấu hiệu của đột quỵ như: đau đầu dữ dội, choáng váng, buồn nôn, mắt mờ một bên.
Người có bệnh lý về cơ, xương khớp: Việc tập gym sẽ tác động đến xương và cơ bắp, cũng như kích thích cơ bắp phát triển. Những người có bệnh lý về cơ, xương khớp không hẳn là không nên tập gym với những bài tập quá nặng, nhưng tập thế nào để đạt hiệu quả cao nhất tốt cho sức khỏe thì nên có huấn luyện viên cá nhân để theo sát và chỉ dẫn những bài tập phù hợp, tránh ảnh hưởng cơ và xương khớp.
Người có bệnh lý về đường hô hấp: Việc tập gym là kết hợp của sức bền, sức mạnh nên nếu bạn có vấn đề về hô hấp thì việc tập cường độ cao là hoàn toàn không nên, thay vào đó là những bài tập nhẹ hoặc chuyển sang tập yoga... Ví dụ, người có tiền sử mắc bệnh hen, mặc dù đã được điều trị ổn định cũng không nên đi tập gym. Bởi vì, chính điều kiện tập luyện này lại là yếu tố nội sinh kích thích cơn hen cấp và bệnh hen tái phát. Ngoài ra những người có hệ hô hấp không khỏe mạnh, miễn dịch kém, dễ bị dị ứng bởi các yếu tố thời tiết, môi trường... thường rất dễ bị kích ứng với những môi trường đông người, với những máy tập đã thấm nhiều mồ hôi của nhiều người tập, làm cho họ có thể sẽ bị nhiễm phải virus gây bệnh còn lan truyền trên các máy tập. Chính những điều kiện tập luyện này lại là yếu tố kích thích gây bệnh về đường hô hấp của họ.
Lưu ý: Những người bị bệnh rối loạn về chuyển hoá như: tiểu đường, mỡ máu cao khi tập gym cường độ cao dễ gặp những biến chứng: cơn hạ đường huyết, tụt huyết áp hoặc xảy ra tình trạng rối loạn về nhịp tim hoặc nhịp thở trong khi tập luyện. Vì vậy nên chọn môn thể thao nhẹ nhàng hơn để tập luyện.
Nên làm gì để an toàn khi tập gym?
Trước khi tập gym cần khám sức khỏe tổng thể, có đánh giá toàn diện về thể trạng. Nên trao đổi với bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn giải pháp dinh dưỡng phù hợp trong suốt quá trình tập luyện. Sau đó trao đổi với huấn luyện viên về giáo án tập luyện cụ thể, từng thời điểm và tuân thủ nghiêm ngặt giáo án. Trong quá trình tập luyện, nên lượng sức mình, không nên cố quá sức, sẽ phản tác dụng. Nếu trong khi tập thấy đau đầu, hụt hơi, đau ngực, thì cần dừng tập ngay.
Theo SK&ĐS