Bún chả
Nói về ẩm thực Hà Nội, chắc không thể không nhắc đến bún chả. Chẳng thế mà tổng thống Obama khi sang thăm Việt Nam cũng đã ghé thăm thưởng thức bún chả. Đây là món ăn truyền thống và bạn dễ dàng bắt gặp hàng quán ở bất kỳ đâu trên các con phố Hà Nội. Và món ăn này "gây thương nhớ" cho bất kỳ ai khi xa Hà Nội.
|
Bún chả là món ăn nhiều người muốn thưởng thức khi đến Hà Nội. Ảnh: foody |
Bún chả không quá cầu kỳ nhưng để ăn ngon thì không hẳn quán nào cũng giống nhau bởi cách pha chế nước chấm, tẩm ướp thịt. Thịt để làm bún chả ngon nhất là thịt lợn nạc vai, được chế biến thành hai loại là chả miếng và chả băm, sau đó nướng trên than hoa. Thường nhiều thực khách chọn ăn lẫn cả 2 loại chả băm và chả miếng cho đủ vị.
Khi ăn, bạn có thể ăn với bún rối hoặc lá, tùy cách lựa chọn, chấm với thứ nước mắm chua mặn ngọt được pha rất cầu kỳ gồm tỏi, ớt và không thể thiếu dưa góp làm từ đu đủ xanh. Bún chả có thể ăn vào bất kỳ thời gian nào sáng trưa, chiều, xế... và ăn kèm với đĩa rau sống xanh mướt. Nhiều quán còn có kèm nem rán cũng rất thú vị. Giá một bát bún ở Hà Nội dao động từ 30.000 - 80.000 đồng.
Bún thang
Bún thang là một món ăn tinh túy của người Hà Nội. Để làm món ăn này cần rất nhiều nguyên liệu, đòi hỏi người chế biến phải rất tỉ mỉ , công phu. Người ăn cũng phải là người tinh tế, cầu kỳ mới cảm nhận hết được vị ngon và đầy đủ mùi vị tinh tế mà món ăn mang lại.
|
Bún thang như một bức tranh màu sắc, bắt mắt. Ảnh: I.T |
Ở Hà Nội, không phải quán nào cũng làm được một bán bún thang ngon và “chuẩn”, vì thế cũng rất ít hàng bán bún thang. Bạn có thể điểm qua một số quán như ở Cầu Gỗ, Hàng Hòm, Hạ Hồi hay Giảng Võ...
Nguyên liệu chính làm nên bát bún thang bao gồm lườn gà xé, giò lụa thái sợi, bún trắng, trứng gà ráng vàng ươm thái chỉ... Bún được dùng phải là loại bún mềm sợi nhỏ, trắng tinh. Bát bún được dọn ra trông như một bức tranh rực rỡ, có sự hòa quyện hài hòa của các màu sắc trắng của bún, vàng của trứng, nâu nấm hương, xanh của hành, hồng hồng của giò lụa thái chỉ, củ cải khô...
Đặc biệt nước dùng phải được ninh từ xương và tôm he mới có vị ngọt đậm đà. Và sẽ vô cùng thiếu sót nếu ăn bún thang mà không có chút tinh dầu cà cuống sẽ làm nên vị đặc biệt. Ăn bún thang phải ăn nóng, kèm gia vị như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu. Một bát bún thang dao động từ 40.000 đến 60.000 đồng.
Bún riêu cua
Đây là món bún truyền thống lâu đời của người miền Bắc. Riêu cua là dạng canh chua được nấu từ gạch cua, thân cua giã và lọc cùng với cà chua, mỡ nước, dấm bỗng và các loại gia vị khác. Ăn bún riêu cua sẽ không thể thiếu rau sống và một chút mắm tôm cùng ớt chưng. Món ăn sẽ rất tuyệt vào bữa sáng mùa hè để bạn cảm thấy tràn trề năng lượng cho cả ngày mới.
|
Bún riêu cua hấp dẫn với màu đỏ của cà chua, màu nâu của thịt cua. Ảnh: I.T |
Bún riêu cua Hà Nội đã thay đổi khá nhiều theo thời gian. Nếu trước đây, bát bún truyền thống chỉ đơn giản những nguyên liệu kể trên, thì nay bát bún đầy đặn hơn rất nhiều với đủ các loại đồ ăn kèm như giò tai, đậu phụ, thịt bò... Dù vậy, ngày nay nhiều người vẫn thích hương vị xưa và tìm đến những hàng quán có hương vị của quá khứ. Giá mỗi bát bún riêu cua dao động từ 20.000 đến 40.000 đồng.
Bún ốc
Bún ốc vốn là món ăn đặc trưng của Hà Nội bởi sự tinh tế, cầu kỳ bởi thứ nước dùng chua chua thanh thanh, thêm chút cay của ớt chưng, hòa quyện cùng vị béo ngậy của từng con ốc, bùi bùi của đậu phụ. Bún ốc sử dụng bún rối, sợi nhỏ. Nước dùng ninh từ xương, gạn lấy nước trong. Người Hà Nội thường ăn bún ốc với các loại ốc mít, ốc nhồi hay ốc vặn, ốc đá.
|
Bún ốc nóng thơm ngon. Ảnh: cookandcraft52 |
Bún ốc không chỉ có nước dùng, ốc, đậu là đặc trưng cơ bản mà còn có thể có chuối xanh, một ít rau sống hay rau muống chẻ, giá, cần, cà chua... vừa đậm đà vừa màu sắc nức lòng tất cả thực khách. Hà Nội có rất nhiều hàng bún ốc nổi tiếng như bún ốc Bà Sáu, bún ốc chị Thêm, bún ốc Khương Thượng, bún ốc tóp mỡ Bạch Mai, bún ốc nguội Ô Quan Chưởng hay các hàng bún ốc trong ngõ chợ Đồng Xuân... Giá mỗi bát bún ốc cũng dao động, từ khoảng 25.000 đồng. Ăn bún ốc cần có ớt chưng, ăn cùng rau sống, ăn nguội hoặc ăn nóng, chấm hoặc chan.
Theo Huyền Thanh/Dân Việt