1. Căng thẳng
Căng thẳng, mệt mỏi làm giảm kích thích tố chịu trách nhiệm về kinh nguyệt. Khi đó ngày đèn đỏ của bạn sẽ bị chậm lại. Nếu thấy lượng công việc đang nhiều lên, các mối quan hệ trong cuộc sống đang khiến bạn suy nghĩ cả ngày thì có thể bạn rơi vào lý do này. Hãy thử tập yoga nhẹ nhàng, vấn đề có thể được khắc phục.
|
Căng thẳng, mệt mỏi làm giảm kích thích tố chịu trách nhiệm về kinh nguyệt. Ảnh minh họa. |
2. Tuyến giáp có vấn đề
Tuyến giáp tiết ra hormone chỉ đạo các hoạt động nội tiết trong cơ thể, trong đó có chu kỳ kinh nguyệt. Nếu bị cường giáp (tuyến giáp đang tiết hormone dư thừa) thì bạn sẽ gặp trục trặc về kinh nguyệt. Nếu thấy kèm theo triệu chứng tăng thèm ăn nhưng lại giảm cân đột ngột, nhịp tim nhanh, lo lắng khó chịu thì bạn có nhiều nguy cơ gặp vấn đề tuyến giáp. Khi có các dấu hiệu này bạn nên đi khám nội tiết để điều trị ngay.
3. Thay đổi thói quen
Bạn có vừa mới di chuyển chỗ ở, thay đổi múi giờ sinh hoạt, chuyển công việc mới, thức ngủ vào giờ khác trước không? Những sự thay đổi thói quen trên có thể làm chậm chu kỳ kinh của bạn. Trong trường hợp này, bạn không cần quá lo lắng, khi cuộc sống ổn định trở lại, kinh nguyệt của bạn sẽ lại bình thường.
4. U nang buồng trứng
Mất kinh là dấu hiệu thường gặp ở những người có u nang buồng trứng. Nếu bạn có cảm giác tức nặng ở bụng dưới thì nguy cơ cao hơn. Tuy nhiên nhiều trường hợp, triệu chứng của u nang buồng trứng không rõ ràng mà chỉ tình cờ phát hiện ra khi siêu âm. Vì vậy nếu mất kinh không rõ lý do, bạn nên đi siêu âm.
5. Tập thể dục cường độ cao
Thể dục cường độ cao làm giảm lượng chất béo quá nhiều nên ảnh hưởng tới các hoạt động của cơ thể, trong đó có kinh nguyệt. Vì thế hãy xem lại chế độ tập luyện của bạn.
6. Các loại thuốc
Các loại thuốc trị bệnh cũng ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng nên làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn chỉ dùng thuốc trong khoảng thời gian ngắn thì kỳ kinh của bạn sẽ nhanh chóng trở lại. Nhưng nếu bạn phải dùng thuốc điều trị thời gian dài thì hãy báo với bác sĩ điều trị.
Theo Người Đưa Tin