Chuyện đời thấm đẫm nước mắt
Chúng tôi đến "xóm chạy thận" tại phố 9, phường Quảng Thắng, TP. Thanh Hóa (Thanh Hóa) vào một ngày đông lạnh tê tái, cái lạnh làm cho không khí nơi xóm trọ trở nên vắng lặng và buồn hơn.
Những khuôn mặt khô vằn nứt nẻ, những manh áo mỏng manh không đủ để che hết đi đôi cánh tay chi chít khối u (cầu chạy thận) và những vết kim tiêm, nhưng ai nấy đều ánh lên vẻ mặt vui vẻ, chào đón khách bằng một thái độ thân thiết.
Xóm chạy thận thuộc Tổ 3, phố 9, phường Quảng Thắng của những bệnh nhân suy thận mạn.
Bác T.T.L. (54 tuổi, trú tại huyện Thiệu Hóa) kê chiếc ghế nhựa ra hành lang vừa nhặt rau, vừa chia sẻ: "Tôi bị suy thận giai đoạn cuối, ở xóm trọ này cũng được 7 năm rồi. Chồng mất sớm, hai cô con gái lấy chồng hoàn cảnh cũng khó khăn, nên từ năm 2015 khi phát hiện bị suy thận mạn giai đoạn cuối, tôi khăn gói một mình xuống bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị. Không thu nhập, không chỗ ở, không người thân bên cạnh, có những lúc nỗi cô đơn, buồn tủi lắm muốn buông xuôi mặc kệ số phận nhưng nghĩ đến con cái, gia đình nên tôi lại gượng đứng dậy, tiếp tục chống chọi với bệnh tật".
Câu chuyện của bác L. bị ngắt quãng khi anh H.V.T. (34 tuổi, trú tại huyện Thường Xuân) từ trong phòng trọ chật chội bước ra. Thấy người lạ, anh T. khẽ gật đầu chào, với tính cách hòa đồng, thân thiện anh bắt nhịp với câu chuyện cùng mọi người.
Anh T. phát hiện suy thận năm 2013, ở cái tuổi đẹp nhất trong cuộc đời. Không ai ngờ T. khỏe mạnh, to cao, hoạt bát, đáng lẽ được sống hết mình với những ước mơ, hoài bão lại rơi vào cảnh từng ngày chống chọi với những cơn đau về thể xác và những mặc cảm về tinh thần.
Anh H.V.T. buổn tủi khi kể về số phận mình.
Anh T. kể, phát hiện bệnh khi vừa lấy vợ sinh con. Từ lao động chính trong nhà, T. trở thành bệnh nhân với những ngày dài triền miên gắn liền với bệnh viện, cuộc sống gia đình cũng đảo lộn từ đó, vì khổ quá vợ tôi đã bỏ bố con anh ra đi.
"Tôi phải gửi con cho ông bà nội chăm sóc để lên đây chữa bệnh và đi làm thuê kiếm thêm tiền thuốc men, sinh hoạt. Nhiều lúc nhớ con lắm, nhưng biết làm thế nào, chỉ có thể lấy ảnh con ra xem hoặc chờ đến tối gọi một cuộc điện thoại nghe giọng nó là thấy vui lắm rồi", anh T. bật khóc kể. Nỗi nhớ thương con nhỏ khiến giọng anh như nghẹn lại. Sự mạnh mẽ của người đàn ông đã giúp anh kìm nén để không bật khóc.
Cánh tay chi chít khối u (cầu chạy thận) và những vết kim tiêm của bệnh nhân chạy thận.
Để có tiền trang trải cho sinh hoạt và thuốc men, ở xóm trọ này, ai còn sức thì cố gắng đi làm, có những người vừa rút kim truyền, lại vào guồng đi kiếm sống. Một tuần 3 lần, họ gắn với bệnh viện, những ngày còn lại họ chọn những công việc khác nhau để mưu sinh. Người khỏe thì đi bán nước, chạy xe ôm… Người yếu hơn thì chọn những công việc nhẹ nhàng hơn như nhặt ve chai…
Sau khi chạy thận xong, anh H. lại trở lại với công việc chạy xe ôm của mình để kiếm sống.
Tương tự, anh N.V.H. (43 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Lộc) phải chạy thận từ năm 30 tuổi. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố mẹ sống chủ yếu nhờ vào vài sào ruộng, cái ăn lo còn chưa đủ, nói gì đến có khoản tiền dư gửi cho anh mỗi tháng. Vì thế, ngoài thời gian đến bệnh viện, anh lại dọn hàng để bán nước, khi thì chạy xe ôm kiếm sống. Chỉ hôm nào sức khỏe yếu, anh mới dám nghỉ một ngày.
"Sợ nhất là mùa lạnh, lắm hôm đang lái xe chở khách thấy trong người hoa mắt hoa mũi phải dừng lại giữa chừng để xe không bị ngã", anh H. kể.
Tình người trong hoạn nạn
Được biết, "xóm chạy thận" tồn tại cách đây hơn chục năm. Cũng chẳng ai biết được cái tên xóm đặc biệt ra đời từ khi nào, ai đặt cả. Mọi người đến đây rồi cùng nhau sinh sống, chữa bệnh tạo nên "xóm chạy thận" như một đại gia đình.
Xóm trọ hiện tại có 7 phòng, mỗi phòng chỉ khoảng 10m2, tồi tàn, ẩm thấp, là chỗ ở cho 8 bệnh nhân và 2 người nhà chăm nuôi. Từ năm 2021, nhờ sự kết nối và kêu gọi hỗ trợ của Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chi phí thuê trọ được một nhà hảo tâm hỗ trợ hoàn toàn.
Các bệnh nhân dựa vào nhau chống trọi với bệnh tật.
Bệnh nhân trong xóm là những người dân ở các huyện trong tỉnh Thanh Hóa mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối. Hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, do bệnh tật, sức khỏe yếu nên phải thuê trọ gần bệnh viện để tiện cho việc chạy thận mỗi tuần. Thời gian điều trị của mỗi người khác nhau, ít thì 4-5 năm trong khi người điều trị nhiều nhất thời gian cũng xấp xỉ 15 năm.
"Vào đây là biết người bệnh chung hoàn cảnh rồi. Không ai muốn bước chân vào đây làm gì cả nhưng bệnh tật biết làm sao. Mọi người cố gắng giúp đỡ nhau để vượt lên bệnh tật tiếp tục sống được ngày nào vui tươi ngày đó", anh H.V.T. chia sẻ.
Nhiều tổ chức, cá nhân đến hỏi thăm, động viên các bệnh nhân chạy thận.
Trong số những bệnh nhân chạy thận có rất ít người được người nhà ở bên cạnh chăm sóc, đa số đành phải nương tựa vào nhau để chống chọi với bệnh tật. Người còn khỏe chăm sóc người yếu hơn, cũng có khi phải nhờ đến hàng xóm, láng giềng nơi đây.
Bên trong những căn phòng trọ thiếu thốn đủ thứ ấy, chúng tôi cảm nhận được rất rõ tình người, sự yêu thương san sẻ mà những bệnh nhân trong xóm trọ dành cho nhau. Dù những bệnh nhân suy thận biết họ không có phép màu nào trong cuộc sống, dù vẫn hằng ngày đối diện với đau đớn, mệt mỏi, nhưng tình cảm trân quý, sự đùm bọc và mái ấm mà họ dành cho nhau chính là niềm tin, hy vọng và động lực để vượt qua khó khăn, bệnh tật. Trước ngưỡng sinh tử, họ vẫn bên nhau, nương tựa vào nhau để kiếm tìm sự sống, đợi chờ một phép màu…
Mỗi người một hoàn cảnh nhưng cùng chung số phận, suốt đời phải gắn liền với giường bệnh. Ở đó, lằn ranh giữa sự sống và cái chết như sợi chỉ mong manh vì cách ngày phải lên viện chạy thận, nhiều lúc biến chứng không lên viện kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao…
Gắng gượng tỏ ra lạc quan, yêu đời nhưng sâu thẳm trong lòng họ là nỗi đau bệnh tật, tinh thần sa sút nhưng phải cố gắng để gia đình và người thân không lo lắng. Họ cần lắm sự sẻ chia của cộng đồng về vật chất cũng như tinh thần để vượt qua bệnh tật.
Theo Gia Hân/SKĐS