Ca mổ nối da đầu nhỏ tuổi nhất trên thế giới
Mới đây, TS.BS Đào Văn Giang - Phó trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình thẩm mỹ, BV Hữu nghị Việt Đức được gặp lại cô bé bệnh nhi trong ca phẫu thuật nối da đầu mà ông thực hiện cách đây 2 năm đã thành công kỳ diệu.
Cô bé hồi phục một cách ngoạn mục với mái tóc đen dài, vui đùa cùng các bác sĩ, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Ít ai biết, cách đây 2 năm, cô bé chính là nạn nhân trong một vụ tai nạn hy hữu khiến toàn bộ da đầu bị lột văng ra ngoài, lộ cả xương sọ.
Đến khi bác sĩ hỏi mảnh da đầu bị lột đâu để ghép, gia đình mới cuống cuồng gọi người nhà quay lại hiện trường để tìm. May mắn khi mang đến viện, mảnh da đầu vẫn còn gần như nguyên vẹn, chỉ dập một số chỗ.
Trước đó 8 tiếng, trong lúc chờ đèn đỏ bé C. và ông nội không may bị xe tải tông từ phía sau. Người ông không qua khỏi còn bé Quỳnh Trâm bị xe tải cuốn vào gầm. Tài xế không nhìn thấy nên tiếp tục cho lùi xe khiến toàn bộ da dầu của bé bị lột văng. Ekip 10 bác sĩ khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình thẩm mỹ và gây mê đã dùng kĩ thuật vi phẫu nối ghép lại da đầu cho bé. Ca mổ kéo dài 7 tiếng.
|
BS Giang vui mừng gặp lại bệnh nhi trong ca mổ nối da đầu thần kỳ cách đây 2 năm. |
“Đây là ca mổ thành công ngoài tưởng tượng, là ca mổ nối da đầu thành công duy nhất ở trẻ em tại Việt Nam và là ca nhỏ tuổi nhất trên thế giới thành công cho tới hiện tại”, BS Giang chia sẻ.
Với trẻ em, việc nối vi phẫu gặp nhiều khó khăn do mạch máu có kích thước rất nhỏ, khoảng 0,6-0,7mm, nguy cơ tắc mạch sau nối cao. Sự hồi phục của cô bé thực sự là một phép màu dưới đôi bàn tay “vàng” của các bác sỹ khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình thẩm mỹ, BV Hữu nghị Việt Đức.
Đưa bệnh nhi trở về từ cửa tử
Bé Dương Minh Phát, bệnh nhi bị đâm xuyên sọ khi mới chào đời được 11 ngày, đến Tết 2018 đã được 31 tháng tuổi, biết đi, biết nói, hiếu động với những trò nghịch ngợm của tuổi lên 3.
Còn nhớ buổi sáng định mệnh, vào khoảng 3 giờ sáng ngày 8-8-2015, chị Võ Thị Hồng Duyên (32 tuổi, ngụ Vĩnh Long) và con trai mới 11 ngày tuổi đang nằm ngủ trong khoa Sơ sinh BV Đa khoa Vĩnh Long thì phát hiện có bóng người phụ nữ lảng vảng, chị Duyên hốt hoảng la lên vì tưởng trộm thì bất ngờ bị người phụ nữ này dùng dao đâm một nhát chí mạng vào trán của con mình.
Bé Phát, con trai chị Duyên bị con dao cắm thẳng vào sọ, được chuyển sang cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
|
Hình ảnh chụp sọ não bé 11 ngày tuổi bị dao đâm xuyên sọ |
“Khi bệnh nhi nhập viện, qua thăm khám lâm sàng chúng tôi xác định đây là ca bệnh khẩn nguy, cần phải được can thiệp càng sớm càng tốt, nếu không sẽ vĩnh viễn mất cháu bé. Ngay lập tức, hệ thống báo động đỏ được kích hoạt, tất cả chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực: Ngoại, Mắt, Hồi sức sơ sinh, Gây mê, Phẫu thuật Thần kinh Sọ não… của bệnh viện đã có mặt để hội chẩn", BS Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay.
Sau khi tiến hành chụp CT-Scan, các bác sĩ phát hiện, phần lưỡi (11cm) của con dao dài 27cm đâm từ hốc mắt bên trái xuyên qua sọ não và kết thúc đỉnh đầu bên phải, mũi của lưỡi dao đâm gần xuyên qua đỉnh đầu bên phải.
Nhớ lại hình ảnh trên, BS Trung Hiếu phải thốt lên: “Trong đời làm phẫu thuật, tôi chưa gặp trường hợp bé sơ sinh nào bị một tai nạn khủng khiếp đến như vậy. Nhìn vào kết quả trên, rất khó để đánh giá tổn thương nên không thể lường trước được những tình huống có thể xảy ra khi phẫu thuật, chỉ cần lệch mũi dao sẽ gây chảy máu, khiến cháu bé tử vong ngay trên bàn mổ.”
Sau khoảng 3 giờ phẫu thuật, ekip mổ đã lấy được lưỡi dao ra khỏi đầu cháu bé. Loại dao đâm xuyên đầu bé là một loại dao bầu, dài 28 cm, ngang 2,7cm. Phần dao đâm ngập vào đầu khoảng 11cm.
Cứu sống em bé bị sắt đâm thủng tim phổi
Tháng 10/2016, trường hợp cậu bé 5 tuổi (TP HCM) ngã từ tầng 3 xuống, bị hàng rào sắt đâm xuyên tim, phổi cũng là một ca phẫu thuật đặc biệt đã cứu sống cháu bé một cách thần kì.
BS Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM khi đó được mời khẩn cấp đến Bệnh viện Thống Nhất (TP. HCM) để mổ cấp cứu cho bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ đã thảo luận chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút ngay trên bàn mổ và thống nhất ý kiến bỏ qua khâu siêu âm, chụp X-quang. Tổng cộng, có khoảng 20 người, trong đó có 3 bác sĩ chuyên phẫu thuật tim, phổi có mặt tại phòng mổ để tiến hành ca cấp cứu.
Mất hơn một giờ căng thẳng, các bác sỹ mới khâu kín thành công một lỗ thủng tim và hai lỗ thủng ở phổi cùng với hai vết rách nữa ở vùng thùy dưới phổi bên phải, mỗi vết rách khoảng 3cm.
Do bệnh nhi bị mất máu quá nhiều, bệnh nhi còn bị 2, 3 vết thương ở thành ngực, đội ngũ y tế phải khâu các vết thương hở, hồi sức tích cực, liên tục tiếp tổng cộng 5 đơn vị máu cho bé. Có thời điểm, tim bệnh nhi đã ngưng đập nhưng nhờ bóp bóng kịp thời nên hoạt động trở lại.
|
BS Hiếu thăm bệnh nhi bị sắt đâm thủng tim, phổi sau phẫu thuật |
Ca mổ kết thúc lúc hơn nửa đêm đã đưa đứa trẻ thoát khỏi cửa tử. Ngoài các vết thủng, các bác sĩ còn xác định bé bị gãy xương sườn và một đốt sống lưng. Tổn thương này khiến hai chân bé bị yếu, tuy nhiên khả năng hồi phục vận động tương đối cao.
BS Hiếu cho rằng đây là trường hợp bị thủng tim, thủng phổi được phẫu thuật thành công do rất nhiều yếu tố, trong đó có cả may mắn.
Hồi sinh bàn tay dứt lìa cho bé gái 31 tháng tuổi
Bé gái 31 tháng tuổi sinh sống tại Hà Giang trong lúc chơi đùa không may bị máy cắt cỏ cắt đứt rời bàn tay trái. Bệnh nhi được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu. Các bác sĩ đã tiến hành sơ cứu, cầm máu vết thương, bảo quản bàn tay đứt rời trong đá lạnh và chuyển bệnh nhi về bệnh viện tuyến cuối.
Ngày 22/6/2018, tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, sau gần 4 giờ đồng hồ, các bác sĩ khoa Phẫu thuật bàn tay và vi phẫu đã nối lại bàn tay bị đứt rời cho bé gái.
Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp khó do yếu tố chủ quan bởi bệnh nhân còn bé nên mạch máu rất nhỏ đòi hỏi sự tỉ mỉ, kinh nghiệm của các kỹ thuật viên. Hơn nữa, thời gian bàn tay bị đứt rời khá lâu nên khả năng sống lại không cao trong khi bệnh nhi có thể gặp nhiều biến chứng ngay từ khâu gây mê đến phẫu thuật và hậu phẫu.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm và sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, bàn tay bệnh nhi đã sống lại và dần hồi phục nhờ phục hồi chức năng.
Sự hồi phục kỳ diệu cũng là nhận định của bệnh nhân không may bị đứt vành tai được các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E) phẫu thuật.
Bệnh nhân 27 tuổi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng vành tai trái bị cắn đứt cùng nhiều vết xước gây chảy máu ở vùng mặt. Kết luận qua thăm khám của bác sĩ cho biết bệnh nhân bị mất toàn bộ vùng gờ luân và một phần dái tai và lộ sụn vành tai. Những tổn thương trên có khả năng gây nhiễm trùng, mất thẩm mỹ, hạn chế khả năng nghe của bệnh nhân.
Phẫu thuật để giảm tổn thương là yêu cầu cấp thiết nhưng vành tai bị đứt rời không được tìm thấy đẩy bác sĩ vào tình thế khó. Các bác sĩ đã tiến hành làm sạch vết thương, cắt lọc phần nham nhở, cầm máu, dùng kháng sinh, chống viêm trước khi phẫu thuật tái tạo lại vành tai nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như phục hồi chức năng hứng sóng âm của vành tai.
Theo ThS. BS. Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E), do không tìm thấy phần tai bị đứt rời nên ê kíp quyết định sử dụng phần vạt da sau tai để tái tạo vành tai cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, tai là bộ phận cấu tạo phức tạp nên ca phẫu thuật diễn ra 2 lần. Lần 1, bác sĩ dùng trụ da sau tai để che phủ tổn thương. Lần 2, bác sĩ cắt cuống vạt trụ da và tạo hình vành theo không gian 3 chiều để đảm bảo tính thẩm mỹ và chức năng hứng sóng âm. Hai ca phẫu thuật cách nhau hơn 20 ngày. Trong thời gian này, cả bác sĩ và bệnh nhân đều “nín thở” bởi tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại là tai nạn hi hữu, đòi hỏi kỹ thuật vi phẫu cao.
Theo BS. Minh, phẫu thuật tái tạo vành tai là dạng phẫu thuật phức tạp và khó thực hiện. Bởi vành tai có cấu trúc đặc biệt bao gồm lớp sụn mỏng ở giữa có hình dáng lồi lõm, bao phủ hai mặt sụn là lớp da mỏng… Hơn nữa, phẫu thuật này đòi hỏi tính thẩm mỹ cao nên những người thực hiện có kinh nghiệm và mắt thẩm mỹ tinh tế để vừa trả lại hình dáng, chức năng cho tai nhưng cũng khéo léo giấu các vết sẹo do phẫu thuật để lại. Kết quả kỳ diệu sau hai lần phẫu thuật là bệnh nhân đã được “trả lại” vành tai gần nguyên vẹn như cũ.
An Lê (TH)