Kể từ khi chào đời cách đây 6 năm, cô con gái đã trở thành trung tâm thế giới của Park Eun-jeong. Nó cũng đánh một dấu mốc mới trong cuộc hôn nhân của cô: một mối quan hệ không tình dục, đồng hành hơn với chồng.
“Sau khi em bé chào đời, chúng tôi dần dần đi vào một mối quan hệ không tình dục. Tôi mệt mỏi vì phải chăm sóc con và làm việc nhà. Chồng tôi cũng trông kiệt sức khi anh ấy đi làm về. Anh ấy cũng không còn chủ động nữa”, Park, 43 tuổi, sống tại Seoul, cho biết.
|
Nhiều cặp vợ chồng Hàn Quốc không quan hệ tình dục trong thời gian dài. |
Con gái hiện 6 tuổi, nhưng cặp đôi vẫn giữ nguyên cách sắp xếp việc ngủ nghỉ giống như từ khi cô bé chào đời: con gái ngủ chung phòng với mẹ, bố ngủ ở phòng riêng để tránh làm gián đoạn giấc ngủ của hai mẹ con vì anh thường về nhà muộn, thức khuya và dậy sớm.
Mặc dù Park không hoàn toàn hài lòng với tình hình, cô cũng không thấy có vấn đề gì đáng kể. Việc thiếu sự gần gũi về mặt tình dục giữa cô và chồng không đủ để trở thành lý do khiến gia đình tan vỡ - điều sẽ có tác động thay đổi cả cuộc sống của đứa con.
“Làm sao tôi có thể chia cắt con gái khỏi bố con bé chỉ vì mối quan hệ giữa chúng tôi đã nguội lạnh và chúng tôi không còn quan hệ tình dục nữa?”, cô nói.
Tờ Korea Herald không thể phỏng vấn chồng của Park, nhưng nếu anh và vợ cùng quan điểm, họ có thể được phân loại là "cặp đôi không tình dục", theo định nghĩa của bác sĩ tâm thần người Nhật Teruo Abe. Thuật ngữ lần đầu tiên được ông giới thiệu vào năm 1991, ám chỉ "những cặp đôi đã kết hôn, không có bất kỳ lý do cụ thể nào, không quan hệ tình dục trong một tháng hoặc hơn theo thỏa thuận chung".
Dữ liệu về các cặp đôi kết hôn không tình dục rất hiếm, đặc biệt là ở Hàn Quốc. Nhưng có thể khẳng định rằng cuộc hôn nhân không tình dục như của Park không phải là ít ở Hàn Quốc.
Một cuộc khảo sát năm 2016 đối với 1.090 người Hàn Quốc do phòng khám tình dục duy nhất ở nước này, phòng khám S Clinic ở Seoul do bác sĩ Kang Dong-woo điều hành, công bố cho thấy 35,1% số cặp vợ chồng được hỏi không quan hệ tình dục. Theo nghiên cứu này, Hàn Quốc có tỷ lệ hôn nhân không tình dục cao thứ hai trong số các quốc gia được khảo sát, sau Nhật Bản với 44,6%, trong khi mức trung bình toàn cầu là 20%.
"Quá mệt" để quan hệ tình dục
Nhiều chuyên gia Hàn Quốc đồng tình với phát hiện của bác sĩ Kang năm 2016 rằng tỷ lệ hôn nhân không tình dục ở xứ củ sâm cao hơn so với các nước khác.
Theo lời giải thích của Bae Jeong-weon, người đứng đầu Trung tâm Văn hóa tình dục vui vẻ tại Seoul, nơi cung cấp dịch vụ tư vấn và giáo dục liên quan đến tình dục, nhiều người Hàn Quốc đơn giản là quá mệt mỏi để quan hệ tình dục.
“Người Hàn Quốc có cuộc sống bận rộn, dành phần lớn năng lượng của họ cho các vai trò chung. Giờ làm việc dài, sự cạnh tranh cao ở công ty và thường phải tham gia tiệc sau giờ làm khiến mọi người hoàn toàn kiệt sức. Khi về đến nhà, họ quá mệt mỏi để đầu tư vào các mối quan hệ cá nhân”, Bae, cựu chủ tịch Hiệp hội Sức khỏe Tình dục Hàn Quốc, cho biết.
Theo bà, vì mọi người thường không nghĩ nhiều đến tầm quan trọng của các mối quan hệ cá nhân nên họ thường không nhận ra niềm vui mà những mối quan hệ đó có thể mang lại.
"Sau khi dành hết năng lượng cho công việc, mọi người sẽ ngã vật ra giường và lướt điện thoại. Họ cười khi xem các nội dung hài hước, và nhận được một lượng dopamine nhỏ từ đó", bà nói.
Kim Jung-min (46 tuổi, sống tại Seoul) hoàn toàn đồng ý. Anh cho biết không nhớ lần cuối cùng mình quan hệ tình dục với vợ là khi nào.
“Tôi ngủ quên khi đang chơi game trên điện thoại hoặc đọc truyện tranh trên web trong khi vợ tôi lướt Instagram hoặc các diễn đàn trực tuyến dành cho các bà mẹ”, anh nói.
Hai vợ chồng ngủ chung giường, nhưng quay lưng lại với nhau. Theo Kim, tư thế này không phải là cố ý, cũng không phản ánh bất kỳ sự căng thẳng nào trong mối quan hệ của cả hai, nó chỉ đơn giản hình thành như một cách để tránh áng sáng màn hình điện thoại của mình làm phiền đối phương.
“Thỉnh thoảng, tôi nghĩ chúng tôi nên thử kết nối lại về mặt tình dục. Nhưng khi nghĩ đến những cuộc họp vào sáng sớm và các dự án đang triển khai, tôi cảm thấy quá mệt mỏi”, anh nói.
Nhận thức về hôn nhân
Giải thích về tỷ lệ hôn nhân không tình dục cao ở Hàn Quốc, Lim Choon-hee, giáo sư khoa Nghiên cứu Trẻ em và Gia đình tại Đại học Quốc gia Kunsan, chỉ ra sự khác biệt trong cách mọi người nhìn nhận về hôn nhân giữa các nền văn hóa.
"Ở phương Tây (ngày nay), hôn nhân (thường) có nghĩa là sự kết hợp giữa hai cá nhân, độc lập với gia đình ban đầu của họ. Trong những xã hội như vậy, mối quan hệ tình dục và kết nối tình cảm của cặp đôi là chìa khóa cho sự ổn định và thỏa mãn của hôn nhân", Lim viết trong bài báo "Nghiên cứu về trải nghiệm không tình dục của phụ nữ đã kết hôn ở độ tuổi 30 và 40", đồng tác giả với Shin Min-jeong vào năm 2021.
Tuy nhiên, Lim cũng chỉ ra sự trái ngược rằng "ý nghĩa của hôn nhân ở Hàn Quốc hiện đại là sự kết hợp giữa các gia đình hơn là giữa các cá nhân, coi trọng các giá trị vật chất hơn là tình yêu hay tình cảm".
Theo bà, tình trạng này giải thích tại sao ảnh hưởng của gia đình ban đầu vẫn còn mạnh mẽ ngay cả sau khi bắt đầu một gia đình mới, và xu hướng các cặp đôi ưu tiên con cái, hoặc gia đình mà họ tạo dựng, hơn là hạnh phúc của chính họ trong mối quan hệ với nhau.
Han Seong-yeul, giáo sư danh dự ngành tâm lý học tại Đại học Korea, giải thích: “Ở các nước phương Tây, cặp đôi là trung tâm của hôn nhân. Văn hóa liên tục khẳng định rằng hai bên bị hấp dẫn về mặt tình dục với nhau bằng cách thú nhận tình yêu của họ và thể hiện tình yêu trước mọi người, chẳng hạn như bằng cách hôn nhau ở nơi công cộng". Ông cũng lưu ý rằng phòng ngủ của cặp đôi là "dành riêng" cho họ, và thậm chí trẻ sơ sinh thường ngủ riêng.
Theo Han, trong vài trăm năm trở lại đây ở Hàn Quốc, cấu trúc gia đình vẫn tập trung theo chế độ gia trưởng quanh người cha và con trai - những người đàn ông là trụ cột tài chính của gia đình.
Trong thời đại Joseon (1392-1910), mọi người kết hôn vì nhu cầu kinh tế xã hội của gia đình. Thông thường, chồng và vợ sống ở những không gian khác nhau trong nhà: chồng ở "sarangbang" và vợ ở "anbang". Theo Han, họ sẽ chỉ ngủ cùng nhau vào những ngày lành được chọn trước nhằm mục đích thụ thai con trai.
“Đối với các cặp vợ chồng Hàn Quốc, mục đích chính của tình dục là sinh con đẻ cái”, ông lập luận. Cha mẹ không được phép thể hiện tình yêu hoặc ham muốn tình dục trước mặt con cái.
Tình dục có quan trọng?
Yang So-young, luật sư ly hôn với 24 năm kinh nghiệm, cho biết 80-90% khách hàng muốn ly hôn của cô là những người có hôn nhân không tình dục. 10% còn lại là một trong hai người có ham muốn tình dục cao hơn đáng kể so với người kia, gây ra căng thẳng.
"Nhưng trong 24 năm hành nghề, tôi chưa bao giờ thấy khách hàng nào nêu rõ lý do chính dẫn đến ly hôn là do thiếu sex. Có thể đó là một nguyên nhân tiềm ẩn, nhưng không ai thừa nhận, có lẽ vì việc thừa nhận điều đó có thể khiến họ có vẻ thiếu hiểu biết hoặc như thể họ đang hành động theo bản năng thấp hèn", Yang nói.
"Các cặp đôi Hàn Quốc hiếm khi nói chuyện cởi mở về tình dục. Họ thảo luận về tài chính, nuôi dạy con cái và các vấn đề với gia đình đối phương, nhưng không phải tình dục. Ngay cả khi có vấn đề (liên quan đến tình dục) phát sinh, họ cũng không cố gắng giải quyết chúng", cô nói thêm.
Nhiều chuyên gia đồng ý rằng một mối quan hệ lành mạnh và có giao tiếp về tình dục có thể tăng cường sự thân mật và giúp giải quyết các vấn đề khác trong hôn nhân. Tuy nhiên, giáo sư Lim khuyên không nên đưa ra những tuyên bố chung chung dựa trên đời sống tình dục của bất kỳ cặp đôi nào đã kết hôn hoặc không có đời sống tình dục.
Ngày nay, trên truyền thông Hàn Quốc, tình trạng không quan hệ tình dục ở các cặp vợ chồng thường được mô tả là dấu hiệu của xung đột sắp xảy ra hoặc là dấu hiệu của một cuộc hôn nhân không ổn định.
Lim cho rằng không quan hệ tình dục có thể là một cách để một số cặp đôi chung sống hòa bình với nhau. "Trong những trường hợp như vậy, các cặp đôi không quan hệ tình dục có thể duy trì mối quan hệ hòa bình mà không có bất hòa nghiêm trọng", bà nói.
Theo Mai An/Znews