Nhiễm sán lợn không quá nguy hiểm, không nhất thiết phải xét nghiệm

Google News

(Kiến Thức) - Tính đến sáng ngày 17/3, kết quả xét nghiệm số trẻ từ Bắc Ninh đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương cho thấy, đã có 124 học sinh mắc sán lợn gạo.

Tính đến sáng ngày 17/3, kết quả xét nghiệm số trẻ từ Bắc Ninh đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương cho thấy, đã có 124 học sinh mắc sán lợn gạoTuy nhiên đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng, do BV Bệnh nhiệt đới Trung ương vẫn đang chờ kết quả của hơn 500 trường hợp đến xét nghiệm nhiễm sán lợn trong ngày 16/3.
“Nhiễm sán lợn không quá nguy hiểm”
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, sự việc xuất phát từ lúc ba phụ huynh có con đang theo học tại trường đưa con đi xét nghiệm và hai trong số đó nhận kết quả dương tính với sán lợn. Vì lo lắng cho con nên các phụ huynh đồng loạt đến bệnh viện làm xét nghiệm.
Nhiem san lon khong qua nguy hiem, khong nhat thiet phai xet nghiem
Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang lấy mẫu máu của các cháu để xét nghiệm sán lợn. Ảnh: Infonet. 
Theo ông Kính, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm sán, có thể từ đất, nước hoặc thực phẩm. Các ký sinh trùng vào cơ thể gây ra các bệnh như rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy một vài ngày, ấu trùng đi lạc chỗ, đi xuống ống tiêu hoá, chui vào phổi, gây ra hội chứng ho, nặng hơn có thể viêm phổi.
Tuy nhiên, ông Kính khẳng định "đây không phải là bệnh nguy hiểm, có thể chữa khỏi trong vòng 2 ngày". Cụ thể, theo phác đồ điều trị hiện nay, cần một - hai ngày để tiêu diệt sán trưởng thành và hai tuần diệt hết trứng sán.
"Trước mắt, phụ huynh phải bình tĩnh, vì bệnh này không nguy hiểm đến tính mạng. Viện sốt rét và ký sinh trùng sẽ về tận địa phương để điều tra về nguyên nhân cụ thể dẫn đến vụ việc này”, ông Kính nói.
Có nên xét nghiệm máu tìm xem có nhiễm giun sán không?
Xung quanh chuyện học sinh nhiễm sán ở Bắc Ninh, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM có chia sẻ trên báo Nông nghiệp Việt Nam.
Đa số khi giun sán vào cơ thể người sau một thời gian cơ thể người tự thải ra nhưng xét nghiệm vẫn dương tính rất rất lâu, cho nên dù xét nghiệm dương nhưng có thể trong người không có, không còn giun sán nào cả; Xét nghiệm giun sán rất dễ nhầm vì nhiễm giun sán này đã hết lâu rồi nhưng lại xét ra giun sán khác; Nhiễm giun sán người nhưng xét nghiệm ra giun sán chó mèo sán lợn; Chỉ bệnh nhân có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da (nổi sần, nổi cục trên da), dấu hiệu ở não như co giật, hôn mê, yếu liệt chi... và bác sĩ điều trị nghi ngờ do ký sinh trùng "chạy nhầm đường" mới cho chỉ định xét nghiệm; Trẻ nhỏ hay người lớn không có triệu chứng gì thì không nhất thiết phải làm xét nghiệm.
Đặc biệt những ý kiến cho rằng để tìm sán lợn chỉ cần làm xét nghiệm Elisa thì nên cẩn thận, vì xét nghiệm này chéo với nhiều loại giun sán, mình tìm sán lợn nhưng chỉ cần có sán khác hoặc giun nó cũng dương tính. BS Hữu Khanh khẳng định, nếu nghi ngờ ăn phải gì đó mà có thể nhiễm giun sán thì cứ uống thuốc xồ giun: chả cần lo lắng gì. Lý do: Giun sán thông thường thì mua thuốc có thành phần albendazol, mebendazol, pyrentel; Nghi sán lợn thì dùng Prazirentel hay albendazol; Xét nghiệm hay không thì cứ uống vì đâu có triệu chứng gì đâu mà lo; Thuốc xổ giun bây giờ dễ tìm và rất hiền.
Nói chung là không cần xét nghiệm và cứ uống xổ giun và cũng phải nhớ xổ giun cho thú cưng mới đảm bảo sức khỏe người thân trong gia đình. Và luôn nhớ, ăn sạch uống sạch rửa tay luôn luôn có lợi.
Để phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không ăn các thực phẩm sống như thịt heo, nem chua, thịt heo tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống (nguy cơ bệnh ấu trùng sán heo). Đồng thời, người dân cần thực hiện vệ sinh các lò mổ, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi heo thả rông.
Thảo Nguyên (TH)