Trước đó, ngày 7/5/2017, Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo về một chùm ca tử vong đột ngột không rõ nguyên nhân tại tỉnh Sinoe, Liberia sau khi tham dự một đám tang.
Đến ngày 10/5/2017, WHO thông báo đã xác định được nguyên nhân ban đầu của chùm ca tử vong này là do viêm màng não do não mô cầu nhóm C.
Sự kiện này bắt đầu ngày 23/4/2017 khi một trẻ 11 tuổi nhập viện với biểu hiện tiêu chảy, nôn và rối loạn tâm thần sau khi dự đám tang của một nhà lãnh đạo tôn giáo (22/4/2017), đến ngày 9/5/2017 đã ghi nhận 31 trường hợp có biểu hiện tương tự, trong đó có 13 trường hợp tử vong. Bộ Y tế Liberia đã thực hiện đáp ứng khẩn cấp với sự kiện này, các mẫu bệnh phẩm máu, nước tiểu, huyết thanh đã được thu thập và gửi về Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ để xét nghiệm các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và độc tố môi trường.
|
Ảnh minh họa. |
Ngày 8/5/2017, Bộ Y tế Liberia thông báo kết quả xét nghiệm cho thấy có 4 mẫu bệnh phẩm dương tính với não mô cầu nhóm C (Neisseria menigitidis). Trước đó các kết quả điều tra ban đầu cũng cho thấy viêm màng não dường như là nguyên nhân của các trường hợp tử vong nói trên. Việc điều tra vẫn tiếp tục được triển khai để khẳng định liệu viêm màng não do não mô cầu có phải là nguyên nhân của các trường hợp mắc bệnh khác trong vụ dịch này hay không.
Trong khi chờ đợi các kết quả xét nghiệm về độc tố, Bộ Y tế Liberia đang cân nhắc áp dụng biện pháp tiêm phòng vắc xin để khống chế vụ dịch. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục hỗ trợ điều tra về dịch tễ học và xét nghiệm để xác định chắc chắn về nguyên nhân của ổ dịch cũng như đưa ra các biện pháp phòng chống bổ sung cho vụ dịch này.
Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với WHO theo dõi chặt chẽ diễn biến sự kiện y tế công cộng này tại Liberia và kịp thời thông báo cho người dân.
Bệnh do não mô cầu
Bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Vi khuẩn não mô cầu được chia thành 13 nhóm huyết thanh, trong đó có 6 nhóm: A, B, C, W-135, X và Y có khả năng gây dịch. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%. Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Theo Minh Trí/Sức khỏe & đời sống