Theo TS.BS Nguyễn Vĩnh Hưng, Phó chủ tịch Hội thận Hà Nội, thế giới có khoảng 500 triệu người đang có vấn đề về bệnh lý mạn tính ở thận; khoảng 3 triệu người bệnh sống nhờ các biện pháp thay thế.
Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức, song, ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Số bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối là khoảng 800.000 người.
Người bệnh suy thận để duy trì sự sống phải chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần/tuần, tiêu tốn từ 100-150 triệu đồng/năm. Đây không chỉ là gánh nặng cho người bệnh, gia đình mà còn trở thành gánh nặng cho toàn xã hội.
|
Bệnh nhân đang được lọc thận nhân tạo tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: HQ. |
Ths.BS Nguyễn Đăng Quốc, Phó trưởng khoa Thận Tiết niệu, Trưởng đơn vị Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, cho biết trước kia, suy thận mạn tính do viêm cầu thận, hiện nay, các nguyên nhân chủ yếu là vô khuẩn, đái tháo đường, cao huyết áp.
"Theo nghiên cứu cắt ngang trên 220 bệnh theo dõi trong 6 tháng đầu năm nay, số bệnh nhân suy thận do đái tháo đường chiếm 26,8%, tăng huyết áp 33,6%, viêm cầu thận mãn chỉ 25,5%", bác sĩ Quốc cho hay.
Tăng huyết áp làm cho các mạch máu bị co lại, tình trạng này kéo dài sẽ làm tổn thương, phá hủy các mạch máu trong cơ thể, trong đó, có mạch máu nuôi dưỡng tiểu thể ở cầu thận, dẫn tới thiếu máu cung cấp tới thận. Thiếu máu kéo dài sẽ gây tổn thương thận và diễn biến thành suy thận mạn tính.
Ths.BS Nguyễn Đình Phú, Phó chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết thêm tại Việt Nam, bệnh lý suy thận chịu hậu quả nặng nề của đái tháo đường, tăng huyết áp xuất phát từ thói quen ăn uống đã thay đổi theo sự phát triển của kinh tế.
Người dân có thói quen ăn thức ăn nhiều đạm và thực phẩm chế biến hơn. Trong khi đó, lượng rau theo khuyến cáo của WHO là 400 g/ngày không được đáp ứng đủ.
"Người Việt đang tập trung quá nhiều vào ăn thịt mà quên rau, hoa quả. Điều này có thể dẫn tới rối loạn chuyển hóa gây ra các căn bệnh đái tháo đường, guot, tăng huyết áp và hệ lụy là suy thận", bác sĩ Phú nói.
Bên cạnh đó, thói quen ăn mặn gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới cũng khiến người Việt dễ mắc bệnh lý về thận.
Bác sĩ Phú khuyến cáo để bảo vệ thận, cần bảo vệ sức khỏe chung, uống đủ nước, không uống rượu bia. Người dân chú ý dự phòng bệnh đái tháo đường, huyết áp, không ăn mặn, hạn chế thịt đỏ. Bệnh nhân suy thận giai đoạn chưa phải lọc máu phải có chuyên gia dinh dưỡng để đưa ra chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Theo Hà Quyên/Zing