Theo Fierce Biotech, trường hợp của bệnh nhân này không chỉ được ghi vào lịch sử, mà còn cung cấp nhiều thông tin quý giá, có thể dẫn đến một phương pháp tiếp cận rộng rãi hơn cho 39 triệu người đang sống với virus HIV trên toàn cầu.
Theo đó, người đàn ông 60 tuổi mang quốc tịch Đức được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2009. Vào năm 2015, "bệnh nhân Berlin tiếp theo" được ghép tủy xương để hỗ trợ điều trị bệnh bạch cầu (một loại ung thư máu). Mặc dù nguy cơ tử vong là 10% khi sử dụng biện pháp này song đây lại được coi là phương thức hữu hiệu để giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của người bệnh. Vào cuối năm 2018, bệnh nhân này ngừng sử dụng thuốc kháng virus - loại thuốc làm giảm tải lượng HIV trong máu.
Người thứ 7 trên thế giới được chữa HIV nhờ liệu pháp tế bào gốc. Ảnh minh họa
Các nhà nghiên cứu cho biết gần 6 năm sau, virus HIV không còn tồn tại trong máu của bệnh nhân và cũng không còn dấu hiệu của bệnh bạch cầu.
Ở 5 trong số 7 trường hợp khỏi HIV bằng phương pháp này, bác sĩ đã tìm thấy những người hiến tặng có khiếm khuyết tự nhiên ở cả hai bản sao của một gene tạo protein có tên CCR5 trên bề mặt tế bào miễn dịch. Hầu hết chủng HIV bám vào protein này để lây nhiễm tế bào. Nếu CCR5 không hoạt động, các tế bào miễn dịch sẽ kháng HIV.
Người hiến tặng của bệnh nhân Đức mới nhất chỉ có một bản sao gene CCR5, nghĩa là các tế bào miễn dịch chỉ có một nửa lượng protein bình thường. Bệnh nhân Đức cũng có một bản sao của gene. Kết hợp hai yếu tố di truyền đó, cơ hội chữa khỏi bệnh tăng cao hơn.
Hiện tại, thế giới ghi nhận 6 người khỏi HIV bằng phương pháp tế bào gốc. Bệnh nhân đầu tiên là Timothy Ray Brown, còn gọi là "bệnh nhân Berlin". Trường hợp này được công bố năm 2008, đã thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu HIV. Ông qua đời vào năm 2020 vì một căn bệnh ung thư máu.
Người thứ hai là Adam Castillejo, hay "bệnh nhân London". Ông được ghép tế bào gốc để điều trị ung thư máu và tủy xương năm 2016, ngừng điều trị HIV năm 2017.
Năm 2018, thế giới tiếp tục ghi nhận Marc Franke, "bệnh nhân Düsseldorf". Ông được coi là đã khỏi bệnh, ngừng dùng thuốc kháng virus vào tháng 11 cùng năm.
Paul Edmonds, hay "Bệnh nhân Thành phố Hy vọng", là trường hợp chữa khỏi HIV lớn tuổi nhất tính đến nay. Ông ghép tế bào gốc năm 2019, đã được hóa trị cường độ thấp. Năm 2021, ông ngừng dùng thuốc kháng virus mà không tái phát HIV.
Bệnh nhân thứ 5 sống tại New York, là người đầu tiên có dòng máu lai khỏi HIV. Bà được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu năm 2017, đã ghép tế bào gốc có bổ sung máu cuống rốn. Điều này giúp bệnh nhân phù hợp với nhiều người hiến tặng hơn.
Bệnh nhân gần đây nhất sống ở Geneva. Ông ngừng điều trị HIV kể từ tháng 11/2021. Các nhà nghiên cứu khá thận trọng về trường hợp này, vì tế bào miễn dịch của ông không có khả năng kháng HIV.
Trường hợp được chữa khỏi HIV mới nhất này dự định sẽ được công bố tại Hội nghị quốc tế về AIDS lần thứ 25, được tổ chức tại thành phố Munich ở Đức vào tuần tới.
Giang Thu