Người phụ nữ vỡ thai ngoài tử cung mất 2,5 lít máu

Google News

Thai ngoài tử cung bị vỡ là một tình trạng cấp cứu trong sản khoa thường gặp, xảy ra bất cứ khi nào, rất nguy hiểm vì có thể khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng do chảy máu ồ ạt.

Mang thai ngoài tử cung là tình trạng nghiêm trọng nhưng có thể được kiểm soát và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Phụ nữ cần nâng cao nhận thức về tình trạng này và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình.
Người phụ nữ trẻ vỡ thai ngoài tử cung mất 2,5 lít máu
Ngày 22/11, Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho biết, mới đây bác sĩ của Trung tâm đã cứu sống bệnh nhân nữ bị vỡ thai ngoài tử cung mất khoảng 2,5 lít máu.
Chị D.T.N.D. (29 tuổi, ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc trong tình trạng đau bụng và máu chảy. Qua các xét nghiệm cận lâm sàng, ê kíp trực chẩn đoán chị D., bị vỡ thai ngoài tử cung.
Kíp bác sĩ nhanh chóng chỉ định phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân. Trong vùng bụng nhiều máu loãng và máu đông, khối thai ngoài tử cung bên vòi trứng phải có đoạn bóng vỡ, máu chảy ồ ạt. Lượng máu của bệnh nhân mất khoảng 2,5 lít.
Nguoi phu nu vo thai ngoai tu cung mat 2,5 lit mau
 Mang thai ngoài tử cung là tình trạng nghiêm trọng nhưng có thể được kiểm soát và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm - Ảnh minh họa
Ê kíp phẫu thuật đã cắt đốt toàn bộ vòi trứng kèm khối thai đến góc tử cung. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được truyền máu và chuyển về khoa sản để tiếp tục điều trị.
Được biết, thai ngoài tử cung bị vỡ là một tình trạng cấp cứu trong sản khoa thường gặp, xảy ra bất cứ khi nào, rất nguy hiểm vì có thể khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng do chảy máu ồ ạt. Thai ngoài tử cung nói chung và thai ngoài tử cung bị vỡ nói riêng cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Yếu tố nguy cơ gây thai ngoài tử cung gồm: người có tiền sử bị thai ngoài tử cung, nạo phá thai, viêm nhiễm phụ khoa, viêm vòi trứng, dị dạng cơ quan sinh dục, từng phẫu thuật vùng chậu …
Thai ngoài tử cung có thể phát hiện sớm nhờ các triệu chứng: trễ kinh, đau bụng dưới, ra huyết âm đạo bất thường…
Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể không xuất hiện và chỉ phát hiện tình cờ khi đi khám thai, hoặc xuất hiện riêng lẻ không đồng thời với nhau, đặc biệt khi người phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều, cho đến khi khối thai bị vỡ gây đau và mất máu mới tìm đến khoa cấp cứu các bệnh viện hoặc bệnh nhân bị choáng ngất được đưa vào viện cấp cứu.
Vì vậy, chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần cảnh giác thai ngoài tử cung, nếu có hiện tượng trễ kinh hoặc ra máu âm đạo bất thường, đau bụng dưới, ra huyết âm đạo rỉ rả kéo dài, nhất là nếu đau tăng dần, mệt nhiều, vã mồ hôi, ngất xỉu… cần phải được vào khám ngay tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.
Phát hiện sớm bảo tồn khả năng sinh sản
TS. BS. Đỗ Tuấn Đạt, trưởng khoa A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh phát triển bên ngoài tử cung. 90% chửa ngoài tử cung là chửa tại vòi trứng.
Các yếu tố nguy cơ của thai ngoài tử cung bao gồm: Mang thai ngoài tử cung trước đây; Có tiền sử phẫu thuật vòi trứng; Có tiền sử phẫu thuật vùng chậu hoặc bụng; Một số bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs); Bệnh viêm vùng chậu; Lạc nội mạc tử cung.
Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ: Hút thuốc lá; Tuổi trên 35 tuổi; Tiền sử vô sinh; Hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Khoảng một nửa số phụ nữ mang thai ngoài tử cung không có các yếu tố nguy cơ đã biết. Phụ nữ trong độ tuổi hoạt động tình dục cần cảnh giác với những thay đổi của cơ thể, đặc biệt nếu gặp phải các triệu chứng mang thai ngoài tử cung:
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Đau lưng dưới
- Đau nhẹ ở bụng hoặc xương chậu
- Chuột rút nhẹ ở một bên xương chậu
Nếu chảy máu âm đạo bất thường và đau vùng chậu, bạn cần thông báo cho bác sĩ sản phụ khoa. Khi thai ngoài tử cung phát triển, đặc biệt là nếu ống dẫn trứng bị vỡ, các triệu chứng nghiêm trọng hơn gồm:
- Đau đột ngột, dữ dội ở bụng hoặc xương chậu
- Đau vai
- Yếu, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Ngay khi gặp những dấu hiệu ban đầu trên, bạn cần khám với bác sĩ sản phụ khoa chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm, tránh trường hợp phát hiện muộn gây chảy máu bên trong, ngất xỉu thậm chí tử vong.
BS Nguyễn Hương Trà, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cảnh báo: Nếu bạn từng mang thai ngoài tử cung, bạn có nguy cơ lặp lại điều này ở những lần mang thai sau.
Vì vậy, trong lần mang thai tiếp theo, hãy cảnh giác với các dấu hiệu và triệu chứng của thai ngoài tử cung cho đến khi bác sĩ xác nhận thai nhi đang phát triển ở đúng vị trí.
Cách phòng ngừa thai ngoài tử cung tái phát:
- Thời gian an toàn để có thai trở lại ít nhất là sau điều trị thai ngoài tử cung 6 tháng.
- Khuyến cáo sau 3 tháng điều trị cần kiểm tra lại để đánh giá có tổn thương vùng vòi, tử cung
- Giữ vệ sinh âm hộ, âm đạo sạch sẽ đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt, sau quan hệ, khi đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa hoặc sau sinh đẻ.
- Cần điều trị tích cực khi được chẩn đoán viêm âm hộ, âm đạo, viêm phần phụ…
Kiểm tra sức khỏe sinh sản trước khi mang thai là biện pháp tốt nhất giảm thiểu rủi ro cho bạn và thai nhi. Vì vậy, cần thăm khám lại sau điều trị thai ngoài tử cung một cách kỹ lưỡng.
Trước khi mang thai bạn cần đi khám ở những cơ sở chuyên khoa có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, góp phần giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.
Cách phòng ngừa biến chứng mang thai ngoài tử cung
Theo các bác sĩ, để phòng ngừa biến chứng từ mang thai ngoài tử cung, phụ nữ cần chú ý:
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thực hiện các kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là kiểm tra phụ khoa để phát hiện sớm những bất thường.
- Điều trị sớm các bệnh viêm nhiễm: Chữa trị kịp thời các bệnh viêm nhiễm vùng chậu, tránh để tình trạng kéo dài gây tổn thương ống dẫn trứng.
- Tránh hút thuốc: Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung, do đó nên từ bỏ thói quen này.
- Sử dụng biện pháp tránh thai an toàn: Nếu không có kế hoạch mang thai, hãy sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn để giảm nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Nếu có tiền sử mang thai ngoài tử cung hoặc có các yếu tố nguy cơ cao, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có kế hoạch theo dõi và chăm sóc phù hợp.

Thúy Nga