Người mẹ trẻ “chết lặng” khi con 3 tháng tuổi mắc COVID-19

Google News

Diễn biến COVID-19 tại Hà Nội ngày một nóng. Số F0 trong ngày ghi nhận đã tiến sát mốc 3.000 ca, kéo theo đó là áp lực lên các cơ sở thu dung và điều trị.

Nỗ lực giảm tải y tế cơ sở
Trên dãy hành lang tầng 11, Khu thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19 đặt tại Ký túc xá Đại học Thủy Lợi (quận Đống Đa, Hà Nội), BS Ngô Văn An, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cùng 3 bác sĩ khác lần lượt gõ cửa từng phòng bệnh, để thăm khám cho các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại đây.
Nguoi me tre “chet lang” khi con 3 thang tuoi mac COVID-19
"Chị pha oresol cho cháu bé uống. Nếu đến chiều nay không hết tình trạng tiêu chảy thì báo cho chúng tôi", BS An quay sang nói với người mẹ, sau khi thăm khám cho em bé F0 vừa tròn 3 tháng tuổi, đang nằm trên xe nôi.
Theo BS An, với các trẻ em mắc COVID-19 quan trọng nhất là tình trạng tiêu chảy và sốt. Tuyệt đối không để cho các bé sốt cao và mất nước, nguy hiểm cho sức khỏe.
Nguoi me tre “chet lang” khi con 3 thang tuoi mac COVID-19-Hinh-2
Bác sĩ An (thứ 2 từ phải sang) thăm khám cho bệnh nhi F0.
"Nếu cháu bé sốt, trước hết chị phải chườm ấm. Chỉ dùng thuốc nếu sau 15 phút chườm ấm bé vẫn không hạ nhiệt, sốt trên 38,5 độ C và ưu tiên paracetamol viên đặt. Với trẻ con phải hạn chế dùng thuốc vì chức năng gan, thận phát triển chưa đầy đủ", bác sĩ An tư vấn tiếp.
Chị Đ.T.H. là mẹ cháu bé. Hai mẹ con cùng được đưa vào cơ sở thu dung này cách đây gần một tuần. Thời điểm biết con mắc COVID-19, chị như "chết lặng", nhiều ngày liền mất ăn mất ngủ vì lo cho sức khỏe của con.
Tuy nhiên, khi vào cơ sở thu dung, cả 2 mẹ con được các y bác sĩ chăm sóc rất chu đáo, chị đã trút bỏ được nỗi lo nặng trĩu trong lòng.
Nguoi me tre “chet lang” khi con 3 thang tuoi mac COVID-19-Hinh-3
Chị Đ.T.H. là mẹ cháu bé. Hai mẹ con cùng được đưa vào cơ sở thu dung này cách đây gần một tuần.
"Mỗi khi tôi hoặc con có vấn đề gì bất thường sẽ nhắn vào nhóm Zalo của khu thu dung và được các bác sĩ tư vấn ngay. Do đó, 2 mẹ con rất yên tâm. Hy vọng có thể kịp về nhà đón Tết cùng gia đình", chị H. chia sẻ.
Phòng bên cạnh, một nữ bệnh nhân xuất hiện tình trạng đỏ mắt. Qua thăm khám, BS An chẩn đoán F0 này bị viêm kết mạc. Theo anh, đây là triệu chứng đã gặp phải ở nhiều bệnh nhân COVID-19 và không quá đáng ngại. Được bác sĩ tư vấn, sự lo âu trên gương mặt người phụ nữ nhanh chóng biến mất.
Nguoi me tre “chet lang” khi con 3 thang tuoi mac COVID-19-Hinh-4
Bệnh nhân COVID-19 bị viêm kết mạc (Ảnh: M.N.).
Với hơn 200 bệnh nhân đang điều trị, một chuyến đi buồng của kíp y bác sĩ thường sẽ kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
BS Ngô Văn An là một trong 2 cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai được phân công hỗ trợ cơ sở thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19 của quận Đống Đa.
Từ cuối tháng 12, Bệnh viện Bạch Mai đã bắt đầu chiến dịch "chi viện" cho quận Đống Đa. Ngoài cơ sở thu dung này, hơn 20 cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai đã tỏa về các phường để cùng tham gia chống dịch tại các trạm y tế, trạm y tế lưu động.
Nguoi me tre “chet lang” khi con 3 thang tuoi mac COVID-19-Hinh-5
BS Ngô Văn An là một trong 2 cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai được phân công hỗ trợ cơ sở thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19 của quận Đống Đa.
"Anh em ở cơ sở không phải là các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm hay hồi sức, cũng như chưa có kinh nghiệm chống dịch. Do đó, quá trình vận hành cơ sở thu dung trong giai đoạn đầu vẫn tồn tại một số vấn đề. Khi trực tiếp về hỗ trợ, chúng tôi cùng với các anh em cơ sở đã hội ý và cùng xây dựng lại các quy trình, từ chống nhiễm khuẩn, xét nghiệm cho đến điều trị. Khi đã thống nhất được quy trình, chúng tôi trực tiếp làm việc với tất cả anh chị em, với hình thức cầm tay chỉ việc", BS An chia sẻ.
Chỉ sau khoảng một tuần chuẩn hóa các quy trình, khu thu dung đã vận hành hiệu quả hơn rất nhiều. "Các cán bộ y tế cơ sở rất nhiệt huyết. Do đó, khi chúng tôi cầm tay chỉ việc đã tiến bộ rất nhanh", BS An phấn khởi chia sẻ.
Áp lực thu dung, điều trị "2 tầng" F0
Diễn biến dịch COVID-19 tại Hà Nội ngày một nóng. Số F0 trong ngày mà thành phố ghi nhận đã tiến sát mốc 3.000 ca. Đống Đa là một trong những địa bàn dịch diễn biến phức tạp, thường ghi nhận trên dưới 100 F0 mỗi ngày.
Nguoi me tre “chet lang” khi con 3 thang tuoi mac COVID-19-Hinh-6
Là đơn vị thu dung và điều trị F0 thể nhẹ lớn nhất của quận Đống Đa, tất cả các bộ phận tại cơ sở này luôn được đặt dưới một sức ép công việc rất lớn.
Theo Trung tá Vũ Quang Khảo, Phụ trách khu thu dung, từ khi được thành lập đến nay, cơ sở này đã tiếp nhận hơn 1.000 lượt bệnh nhân COVID-19. 3 lực lượng chính là quân đội - an ninh - y tế cùng phối hợp để vận hành.
"Trước tình hình diễn biến dịch ở Hà Nội vẫn rất phức tạp, chúng tôi cũng đã sẵn sàng phương án mở rộng quy mô của khu thu dung này lên 1.000 bệnh nhân. Bên cạnh đó, có thể mở thêm khu thu dung ở ký túc xá của các trường đại học khác trên địa bàn", Trung tá Khảo cho hay.
Nguoi me tre “chet lang” khi con 3 thang tuoi mac COVID-19-Hinh-7
Trung tá Vũ Quang Khảo, Phụ trách khu thu dung.
Theo thống kê, có những ngày cơ sở thu dung này tiếp nhận thêm 80 bệnh nhân mới. Các bệnh nhân chủ yếu được đưa đến vào buổi sáng và chiều nên thường dồn lại rất đông trong cùng thời điểm.
"Người dân khi biết mình mắc COVID-19 đều có tâm trạng lo lắng. Do đó, khâu thủ tục khi tiếp đón phải được xử lý thật nhanh để giúp người bệnh giải tỏa tâm lý", BS An cho hay.
Ngay thời điểm bệnh nhân vừa xuống xe, nhân viên y tế đã bắt đầu công tác tư vấn cho người bệnh về các quy trình phòng chống nhiễm khuẩn; sau đó, mới hướng dẫn bệnh nhân vào khu vực tiếp đón.
Nguoi me tre “chet lang” khi con 3 thang tuoi mac COVID-19-Hinh-8
Theo thống kê, có những ngày cơ sở thu dung này tiếp nhận thêm 80 bệnh nhân mới (Ảnh: M.N.).
Tại khu vực tiếp đón, người bệnh được làm các thủ tục về chuyên môn như đo các dấu hiệu sinh tồn. Sau khi tiến hành phân loại, bệnh nhân được hướng dẫn lên khu vực phù hợp.
BS An phân tích: "Bình thường chúng tôi có 1 - 2 cán bộ tiếp đón. Tuy nhiên, những thời điểm dồn bệnh nhân có thể tăng lên 4 - 5 cán bộ. Một nhiệm vụ quan trọng là làm thế nào có thể phát hiện sớm nhất bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng, để tiến hành chuyển tầng ngay.
Nguoi me tre “chet lang” khi con 3 thang tuoi mac COVID-19-Hinh-9
Cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 quận Đống Đa không chỉ tiếp nhận F0 tầng một, mà còn cả bệnh nhân tầng 2 chưa có nguy cơ hoặc tình trạng chưa nặng. Việc này giúp giảm tải cho tuyến trên. Nhân lực mỏng, bệnh nhân đông, BS An mô tả, lực lượng điều trị luôn trong tình trạng hoạt động 100% công suất.
"Lực lượng cơ sở của quận Đống Đa hiện có 5 bác sĩ và 9 điều dưỡng. Nhân lực hỗ trợ ngoài 2 bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai có thêm một số bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Với nhân lực như vậy nhưng có những thời điểm cùng lúc tiếp nhận điều trị cho hơn 400 bệnh nhân thì áp lực là rất lớn", BS An bộc bạch.
Nguoi me tre “chet lang” khi con 3 thang tuoi mac COVID-19-Hinh-10
Các bác sĩ đo chỉ số SpO2 cho một bệnh nhân lớn tuổi (Ảnh: M.N.).
Mỗi buổi sáng các bác sĩ sẽ đi buồng ở khu vực các bệnh nhân "tầng 1". Đến ca chiều, BS An cùng đồng nghiệp sẽ thăm khám cho các bệnh nhân "tầng 2", để phát hiện sớm các triệu chứng chuyển nặng và xử trí kịp thời.
"Nếu tiên lượng trong đêm bệnh nhân có thể chuyển nặng, chúng tôi sẽ liên hệ để chuyển tầng cho bệnh nhân sớm nhất có thể", vị bác sĩ này cho biết.
Nguoi me tre “chet lang” khi con 3 thang tuoi mac COVID-19-Hinh-11
Khi có vấn đề bất thường, F0 có thể gọi điện trực tiếp cho bác sĩ để được tư vấn.
Một nhiệm vụ khác được đặt ra trong công tác điều trị, theo BS An, các bệnh nhân không chỉ có COVID-19 mà còn có thể mang trong mình nhiều bệnh nền. Do đó, các y bác sĩ phải cá thể hóa trong chỉ định điều trị, không thể điều trị bệnh nhân nào cũng như nhau.
Bên cạnh thăm khám trực tiếp, các bác sĩ tại khu thu dung cũng đã lập ra nhóm Zalo, để các bệnh nhân có thể yêu cầu bác sĩ hỗ trợ các vấn đề của mình bất cứ lúc nào.
Ở nơi không có Tết
Trung tá Vũ Quang Khảo cho biết, với sự nỗ lực của tất cả các lực lượng, thành công lớn nhất mà cơ sở thu dung đạt được chính là tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng lên phải chuyển tầng rất thấp.
Nguoi me tre “chet lang” khi con 3 thang tuoi mac COVID-19-Hinh-12
Trung tá Vũ Quang Khảo giám sát các hoạt động tại trung tâm điều hành.
"Trong hơn 1.000 F0 được chúng tôi thu dung, điều trị, chỉ có 11 trường hợp phải chuyển tầng. Bà con được chăm sóc tại đây cũng rất hài lòng và đảm bảo cả về sức khỏe lẫn tinh thần", Trung tá Khảo nói, "Dịp Tết sắp tới, trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, anh em xác định tinh thần "trực chiến" 100%".
Với BS An, việc có thể đón cái Tết xa nhà năm thứ hai liên tiếp, cũng đã được anh xác định từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ.
"Cuối tháng 12, khi ban lãnh đạo phân công hỗ trợ chống dịch quận Đống Đa, chúng tôi chỉ có quyết định ngày đi. Cũng như tôi, các anh em đã vào đây làm nhiệm vụ thì xác định không có Tết. Tuy nhiên, anh em lúc nào cũng rất vui vẻ, lạc quan", BS An cười nói.
Nguoi me tre “chet lang” khi con 3 thang tuoi mac COVID-19-Hinh-13
Tiếng còi xe cấp cứu vang lên ở cổng khu thu dung cũng là lúc các y bác sĩ vừa kết thúc cuộc họp ngắn. Mỗi người một nhiệm vụ, hối hả vào vị trí tiếp nhận lượt bệnh nhân mới.
Theo Minh Nhật/Dân Trí