Người đẹp từ chối đại gia và 6 căn nhà mặt phố là câu chuyện có thật hoàn toàn:
Đó là cặp vợ chồng ông Trương văn Thảo (SN 1926) và bà Bạch Tường Vy (SN 1932). Hai ông bà hiện sống tại phố Hàng Cót, Hà Nội.
|
Ảnh chụp năm 1959 của bà Vy và ông Thảo. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Kể về chuyện tình yêu của mình, ông Thảo cho biết: “Tôi biết nhà tôi từ khi bà 14 tuổi. Tuy nhiên lúc đó chúng tôi nói chuyện với nhau vô tư như những đứa trẻ. Chỉ đến khi tôi tham gia kháng chiến và bị địch bắt về hậu phương, lúc đó, bà ấy mới đuổi theo và nhắn tôi viết thư về. Thế là từ đó, tình cảm trong tôi tự nhiên nảy nở”.
Nhưng mối tình của họ không hề bình lặng. Bà Bạch Tường Vy kể: “Trong lúc ông đi kháng chiến thì ở nhà, bố mẹ tôi lại muốn tôi lấy một người khác. Gia đình nhà đó giàu có và chỉ có một cậu con trai.
Họ tuyên bố thẳng, nếu tôi lấy anh ấy thì họ cho hết cả 6 căn nhà. Nhưng tôi nói, tôi không cần nhà vì nhà tôi cũng đủ giàu rồi.
Vậy mà họ vẫn cố tình đến dạm ngõ. Thời xưa lễ dạm ngõ phải có hai buồng cau, một quả đựng chè trong đó có 6. Tôi không đồng ý, họ vẫn để lễ lại. Tuy nhiên tôi vẫn nhất quyết từ chối đám cưới đó”.
|
Đã trải qua 60 năm kết hôn nhưng họ vẫn luôn dành cho nhau những lời tốt đẹp. Ảnh: Minh Anh |
7 năm sau, tức là năm 1956, ông Thảo đi kháng chiến trở về thì hai ông bà mới làm đám cưới.
“Nói thẳng ra là bà ấy cưới tôi, vì lúc đó tôi không có tiền. Thời đó, tôi là Bí thư quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với mức lương chỉ 18 đồng/tháng. Bố mẹ tôi thì đều đã mất. Đám cưới của chúng tôi không to, chỉ làm 4, 5 mâm cơm để mời anh em, họ hàng. Thế nhưng gia đình bà ấy phải lo toàn bộ chi phí”, ông Thảo cho biết.
Tuy nhiên, điều đáng quý sau 60 năm của cuộc hôn nhân là họ chưa bao giờ cãi vã. Ông bảo: “Tuổi trẻ ai cũng có nhiều người yêu, nhưng từ chuyện yêu đến chuyện có thể chung sống hòa hợp là không hề đơn giản.
Bà nhà tôi có đủ công, dung, ngôn, hạnh. Tôi quý nhất ở bà là bà hiền và rất ngoan. Bà cũng là người chung thủy, bao nhiêu người đến hỏi cưới trong lúc tôi đi kháng chiến nhưng bà vẫn chờ tôi.
Trong quá trình chung sống, bà nhà tôi là người khéo léo và nhẫn nhịn. Bà thấy tôi đi nhiều nhưng không bao giờ trách móc chồng. Khi tôi về đến nhà là vợ đã chuẩn bị cơm canh sẵn sàng. Thậm chí có hôm, tôi về khuya, bà vẫn nấu cốc chè chờ sẵn. Vì thế nếu mình có làm sai thì cũng tự suy nghĩ, tự thấy ân hận và lần sau tránh đi”.
Theo ông Thảo, để hòa hợp trong một cuộc hôn nhân, điều quan trọng là phải nhường nhịn nhau.
Nói về chồng mình, bà Vy cũng không ngớt lời khen ngợi. Bà bảo: “Ông nóng tính nhưng cũng rất vui tính. Nhiều lúc ông cũng rất chiều vợ. Khi tôi ốm, biết tôi thích ăn mỳ vằn thắn thì đêm tối ông cũng lái xe đi tìm mua chứ không hề nhờ con cháu. Tôi nằm viện, chiều nào ông cũng vào thăm. Khi vào, bao giờ ông cũng mang theo một cặp lồng thức ăn và ngồi tỉ tê để tôi phải ăn hết”.
Bà cũng có chung quan điểm với chồng, đó là, sống thì phải biết lựa ý nhau. Bà cho biết: “Ông có sở thích câu cá, mỗi lần biết ông sắp đi câu là tôi tự giác đi rang thính. Biết ý ông thích gọn gàng, sạch sẽ, quần áo của ông lúc nào cũng được là phẳng phiu. Ngay cả tôi, lúc nào cũng phải giữ đầu tóc, quần áo gọn gàng. Khi có khách như hôm nay, tôi cũng phải vào trong chải lại đầu tóc rồi mới ra tiếp khách".
Bà nói tiếp: "Trong cuộc hôn nhân, lúc chồng bực mình thì vợ nên nhịn, đi ra chỗ khác. Không bao giờ có chuyện chồng vừa nói vợ đã quát lại luôn. Ngoài ra, người phụ nữ thời xưa luôn luôn phải biết nữ công gia chánh.
Tôi học lớp 3 đã được dạy nữ công gia chánh, dạy may mặc quần áo… Vì thế, sau khi lấy chồng, tất cả quần áo của chồng, con và của mình đều do tôi may mặc. Quần áo mùa đông cũng do tôi đan. Thậm chí đến bây giờ, tôi vẫn giữ thói quen may vá…”.
Theo Minh Anh/Vietnamnet