Người có 21 đứa con ở Cao Bằng khuynh gia bại sản vì đẻ

Google News

Vốn nhà cũng có của ăn của để nhưng gia đình ông Ve, người có 21 đứa con ở Cao Bằng, khuynh gia bại sản vì đẻ quá nhiều.

"Xen canh" với 2 vợ
Người có 21 đứa con là ông Trương Văn Ve, (49 tuổi,tại huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng).
Ông Ve lấy vợ thứ nhất vào năm 1984, sinh được 4 người con gái. Là người dân tộc Mông, ông Ve cho hay phải có bằng được con trai để “bằng hàng xóm”, nên đã lấy vợ hai vào năm 1993.
Đáng nói là, khi vợ hai của ông sinh con trai, đồng thời vợ cả của ông cũng sinh con trai như mong mỏi của ông.
Lần lượt “xen canh”, cứ vợ cả sinh con thì vợ hai mang bầu và ngược lại. Đến nay, vợ cả sinh cho ông 10 người con, còn vợ hai thì sinh tới 11 đứa. Tổng cộng, ông có 21 đứa con.
Vốn là người có "của ăn của để" trong xóm, nhưng vì sinh quá nhiều con, gia đình ông “khuynh gia bại sản”, cả nhà chỉ sống trong căn nhà sàn lụp xụp, chạy ăn từng bữa, mèn mén và rau rừng là thức ăn quanh năm của đại gia đình này.
Nguoi có 21 dua con ỏ Cao Bàng khuynh gia bại sản vì dẻ
Ông Trương Văn Ve - người đàn ông 49 tuổi có 21 đứa con với 2 bà vợ. Ảnh: Khám phá 
Người con trai lớn của ông nhìn cảnh khốn khổ của bố mẹ và quyết tâm không sinh nhiều con, dù con gái hay con trai.
Ông Nông Hữu Lương – Phó giám đốc Sở Y tế Cao Bằng cho rằng trường hợp sinh quá đông con như nhà ông Ve là cá biệt. Tỉnh đã họp với ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện Thông Nông, tìm hướng truyền thông, vận động cho người dân tộc thiểu số có tư tưởng sinh đông con.
Nhưng ông Lương cũng cho biết, ở Cao Bằng vẫn có không ít trường hợp sinh con thứ 9-12. Tuy nhiên, “Tình trạng này có chiều hướng gia tăng và khó xử lý” – ông Lương nói.
Tính trên toàn tỉnh, tỷ lệ sinh con thứ 3 của Cao Bằng hiện ở mức 8,9% - không quá cao so với một tỉnh miền núi, khó khăn. Tại một số huyện, thị xã, số sinh không tăng, số sinh con thứ 3 trở lên thấp.
Trường hợp của ông Ve được các đại biểu chia sẻ tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Tổng cục DS-KHHGĐ do ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) làm trưởng đoàn với Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh Cao Bằng trong ngày 23/7.
Nguoi có 21 dua con ỏ Cao Bàng khuynh gia bại sản vì dẻ-Hinh-2
Ông Nguyễn Văn Tân phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn công tác với Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Thu Nguyễn 
Trước đó, ngày 22/7, đoàn đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện Thạch An. Tại đây, nhiều con số ấn tượng đã được nêu ra.
Huyện Thạch An: Số sinh không tăng
Thạch An là huyện miền núi khó khăn vừa được bổ sung vào danh sách các huyện 30A. 13/16 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, có xã còn chưa có đường giao thông, chưa có sóng điện thoại, và cách trung tâm huyện tới 80km. Người dân Thạch An đại đa số là người dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Dao, Mông…). Tỷ lệ hộ nghèo ở đây là 26,5%.
Mặc dù vậy, báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện Thạch An cho thấy, công tác DS-KHHGĐ ở đây được quan tâm sâu sát, nhờ đó, kết quả rất ấn tượng. Thể hiện qua mức giảm sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ suất sinh thô…
Chiến dịch Truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng mức sinh cao và khó khăn đợt I/2015 được tổ chức tại 7/16 xã (100% kế hoạch). Gói dịch vụ phát hiện viêm nhiễm đường sinh sản, gói dịch vụ KHHGĐ được triển khai tốt, với tổng các biện pháp tránh thai lâm sàng đạt gần 70%.
Đặc biệt, Thạch An là một trong số hiếm các địa phương ở Bắc bộ thực hiện tốt biện pháp triệt sản (đạt tới 80%).
Tính chung toàn huyện, tổng các biện pháp tránh thai đạt 98,2% kế hoạch 6 tháng, ước thực hiện năm 2015 lên tới 103,5% kế hoạch năm.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng số trẻ sinh ra là 224 trẻ, trong đó có 6 trẻ là con thứ 3 trở lên. Hai chỉ tiêu này không tăng so với cùng kỳ năm 2014. Số chênh lệch giới tính khi sinh không nhiều.
Nguoi có 21 dua con ỏ Cao Bàng khuynh gia bại sản vì dẻ-Hinh-3
Bà Lục Thị Thắng - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Cao Bằng 
Bà Lục Thị Thắng – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Cao Bằng cho hay: Thạch An là một trong 3 huyện của Cao Bằng (cùng với Trà Lĩnh, Bảo Lâm) thành lập Phòng tư vấn, cung ứng dịch vụ và tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai và phòng Dịch vụ đặt tại Trung tâm DS-KHHGĐ, thực hiện danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh (như đặt, tháp dụng cụ tử cung, tiêm thuốc tránh thai). Các huyện còn lại đều có đội dịch vụ lưu động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân.
Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh Cao Bằng, ông Nông Hữu Lương- Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban chỉ đạo tỉnh đã cung cấp một số thông tin liên quan đến công tác KHHGĐ, Chiến dịch đợt I trên địa bàn tỉnh.
6 tháng đầu năm, số trẻ sinh ra trên địa bàn tỉnh tăng 254 trẻ, tỷ số giới tính khi sinh là 108 trẻ trai/100 trẻ gái. Số sinh con thứ 3 giảm 35 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ sinh con thứ 3 là 8,9%
Ngoài ra, Cao Bằng cũng đã triển khai các dự án, đề án nâng cao chất lượng dân số như mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng, chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh…
Cao Bằng là tỉnh có nguồn hỗ trợ kinh phí địa phương cho công tác dân số -KHHGĐ tăng từng năm. Tổng 5 năm 2011-2015, nguồn kinh phí này hỗ trợ là gần 28 tỷ đồng. Năm 2015, con số này là 14,4 tỷ, gấp gần 3 lần kinh phí từ Trung ương.
Đối với đội ngũ 199 cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã, Cao Bằng chưa tuyển dụng số này vào viên chức. Hàng tháng, ngân sách địa phương hỗ trợ đội ngũ này 0,8 lần mức lương tối thiểu (tương đương 920.000đ).
Đối với cộng tác viên dân số, 98% đội ngũ này kiêm nhiệm chức danh nhân viên y tế thôn bản, được hưởng tổng cộng phụ cấp bằng 0,6 lần mức lương tối thiểu và nguồn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ.
Nguoi có 21 dua con ỏ Cao Bàng khuynh gia bại sản vì dẻ-Hinh-4
 
Ông Lương Quang Đảng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục DS-KHHGĐ) chia sẻ: Chính phủ vừa ban hành 2 văn bản rất quan trọng liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025”, và Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Hai văn bản này được kỳ vọng sẽ tiếp thêm sức nâng chất lượng dân số vùng cao.
Tại Cao Bằng cũng như nhiều tỉnh miền núi khác, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết vẫn xảy ra. 6 tháng đầu năm, tại 12 xã và 5 trường dân tộc nội trú thuộc 5 huyện triển khai mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết, có 74 cặp kết hôn. Trong đó có 38 cặp có đăng ký, 13 cặp tảo hôn, 1 cặp kết hôn cận huyết.
Một vấn đề khác, đó là tình trạng thiếu phương tiện tránh thai và khó khăn trong cung cấp dịch vụ KHHGĐ hiện nay và giai đoạn tiếp theo.
Bà Lục Thị Thắng cho hay: Mỗi năm, tại Cao Bằng có khoảng 27.000 cặp vợ chồng đăng ký thực hiện các biện pháp tránh thai mới trong năm. Cũng như các tỉnh khác, các phương tiện tránh thai miễn phí tại Cao Bằng đã và đang giảm mạnh, chuyển sang cung ứng bằng tiếp thị xã hội và thị trường tự do.
Trong khi đó, việc thực hiện xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai và cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại tỉnh chưa được chuẩn bị và chưa thích ứng dẫn đến tình trạng đối tượng có nhu cầu KHHGĐ không được cấp phương tiện tránh thai và không được cung cấp dịch vụ KHHGĐ.
Hiện nay, chỉ còn khoảng 50% đối tượng tại Cao Bằng được cấp miễn phí phương tiện tránh thai, khoảng 15.000 cặp còn lại phải chuyển sang mua phương tiện này bằng kênh tiếp thị xã hội, thị trường. Trong điều kiện của tỉnh miền núi, việc chuyển đổi hành vi từ bao cấp sang tự chi trả là điều khó khă, chưa thật sự trở thành nhu cầu của người dân.
Bà Lục Thị Thắng lo lắng nếu tình trạng người dân không hoặc ít chấp nhận việc cùng chi trả hoặc tự chi trả tiền phương tiện tránh thai dẫn đến không dùng nữa, tăng sinh là điều có thể xảy ra.
Tại các buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tân đánh giá cao kết quả công tác DS-KHHGĐ tại huyện Thạch An và tỉnh Cao Bằng trong những năm qua và 6 tháng đầu năm 2015.
Để đạt được những kết quả ấn tượng này, ông Nguyễn Văn Tân cho hay, đó là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ rất sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của các ban, nganh, đoàn thể và sự ủng hộ của người dân.
Ông Nguyễn Văn Tân cũng chia sẻ một số nội dung trong công tác DS-KHHGĐ giai đoạn mới, đặc biệt, nhấn mạnh việc Thạch An, Cao Bằng đã rất nỗ lực trong việc giảm sinh, duy trì mức sinh hợp lý, thời gian tới cần quan tâm hơn đến nâng cao chất lượng dân số...
Cao Bằng cũng cần "đón đầu" phòng tránh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh bằng cách tích cực tuyên truyền nhiều hơn nữa về vấn đề này cho người dân hiểu. Đặc biệt, cần tích cực hơn trong công tác giảm thiểu tinh trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết vẫn xảy ra tại các huyện vùng sâu, vùng xa của Cao Bằng.
"6 tháng cuối năm, ngoài việc nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2015- năm kết thúc giai đoạn 5 năm 2011-2015, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo 2016-2020, Cao Bằng cần rà soát lại các Nghị quyết, Quyết định hiện có cho phù hợp với tình hình mới, định hướng mới của nội dung công tác Dân số trong giai đoạn mới" - ông Nguyễn Văn Tân lưu ý.
Theo Gia Đình & Xã Hội